Lương gần 20 triệu, không trả nổi hóa đơn 4,6 triệu mà phải đi vay: Đến khi có việc mới biết tầm quan trọng của “sự dự phòng”
Đầu tháng sống như bà hoàng, cuối tháng bấm bụng húp mì tôm là lối mòn không dễ để thoát ra.
- 30-04-2024Cô gái 27 tuổi không ngừng kiếm thêm thu nhập để đạt mục tiêu mua xe ô tô sau 3 năm ra trường
- 27-04-2024Thu nhập gần 200 triệu/năm nhưng 0 đồng tiết kiệm, nợ tín dụng 50 triệu chỉ vì một sai lầm chí mạng
- 25-04-2024Thu nhập 40 triệu nhưng chồng giữ rịt 30 triệu, khi cần tiền gấp thì tôi phải đi vay bên ngoài
Từ bỏ một thói quen cũ chưa bao giờ là việc đơn giản, dù đó là thói quen sinh hoạt hay thói quen chi tiêu. Khi chúng ta còn trẻ, thói quen sinh hoạt không điều độ có vẻ cũng chẳng tạo ra ảnh hưởng gì tiêu cực. Thức tới canh ba cày phim, sáng hôm sau vẫn khỏe re; thường xuyên ăn đồ nhiều dầu mỡ cũng không phải vấn đề, vì muốn giảm cân chỉ cần “giữ mồm giữ miệng” độ 1 tuần là ok ngay.
Nhưng thói quen chi tiêu không lề lối thì lại không phải câu chuyện “vô thưởng vô phạt” như vậy. Đầu tháng sống như bà hoàng, cuối tháng bấm bụng húp mì tôm là chuyện không lạ và có vẻ cũng không sao, nếu như những “biến cố nho nhỏ” không bất ngờ ập đến.
Nhiều hơn một lần phải chi tiền triệu khi tài khoản chỉ còn vài trăm nghìn là trải nghiệm đã khiến 2 cô gái này “thức tỉnh”. Điểm chung của họ là chi tiêu không có kế hoạch và có mức thu nhập khá ổn.
Thu Hiền (27 tuổi): Lương 18 triệu, cuối tháng sửa xe hết 4,6 triệu cũng phải đi vay
Đi làm gần nửa thập kỷ, Thu Hiền cũng có chút ngại ngùng khi thừa nhận từ cách đây 2 tháng, cô mới bắt đầu tiết kiệm những đồng lương đầu tiên.
Trước đây, lương dù 7 triệu, 10 triệu hay đến giờ là 18 triệu, cô vẫn cứ tiêu hết. Sau khi đóng tiền thuê nhà cùng phí dịch vụ, khoảng 4,3 - 4,5 triệu đồng tùy tháng, hơn 13 triệu còn lại, Thu Hiền cứ để yên trong tài khoản thanh toán, không đầu tư cũng chẳng tiết kiệm. Ăn uống, mua sắm “rí rách” tầm 2-3 tuần là gần như hết nhẵn 13 triệu. Tuần cuối tháng của Thu Hiền gần như luôn trong tình trạng “chống đói”.
Dẫu vậy, Thu Hiền vẫn cảm thấy chẳng sao, vì cô nghĩ “ai mà chẳng có lúc bí tiền”. Cho đến khi bản thân cần tiền mà không vay đâu được, phải “cầu cứu” mẹ, Thu Hiền mới thức tỉnh.
“Hôm đấy là mình bị hỏng xe đúng ngày cuối tháng. Sửa xe mất 4,6 triệu lận mà tài khoản của mình còn có hơn 300k một tí. Bạn thân cũng hết tiền nên không vay được, mình đành phải vay mẹ. Gọi là vay thôi chứ thực ra mẹ cũng cho mình.
Chuyển khoản cho mình xong mẹ hỏi mình làm cái gì mà cứ cuối tháng là nhẵn túi thế, mình cũng suy nghĩ nhưng thực sự chẳng hiểu vì sao mình nhẵn túi. Cứ ăn uống, mua linh tinh hết thôi ấy” - Thu Hiền chia sẻ.
Đó không phải là lần đầu tiên cô rơi vào trạng thái bất ngờ cần tiền mà không có, phải “vay” mẹ hoặc bạn bè. Khi thì hỏng xe, khi thì hỏng điện thoại hoặc laptop,... Nhưng tin mừng là đến giờ, Thu Hiền đã thay đổi.
“Hai tháng qua, ngay khi nhận lương, mình đều gửi cho mẹ 5 triệu, nhờ mẹ giữ giúp chứ cũng chẳng dám tự giữ nữa vì có tiền là mình lại không kìm chế được bản thân mà tiêu hết. Đi làm 5 năm mà mới tiết kiệm được 10 triệu, kể ra thì cũng ngại, nhưng muộn còn hơn không” - Thu Hiền bộc bạch.
Sau khi tiết kiệm 5 triệu mỗi tháng, Thu Hiền nhận ra bản thân vẫn có thể sinh hoạt và duy trì cuộc sống bình thường như khi tiêu sạch tiền lương, chẳng tiết kiệm được đồng nào.
“Hóa ra chỉ cần không “nhìn” thấy số tiền nhàn rỗi ấy là mình sẽ tự khắc mua sắm ít đi, ăn uống chơi bời cũng hạn chế hơn. Nói chung là cuộc sống cũng không bí bách, khổ sở quá khi trích 5 triệu tiền lương, gửi mẹ giữ giúp” - Thu Hiền khẳng định.
Vậy mà phải mất nhiều năm, trải qua nhiều lần chạy vạy đi vay, Thu Hiền mới nhận ra.
Thanh Hải (24 tuổi): Thu nhập 19-20 triệu, chuyển nhà hết 7 triệu vẫn phải đi vay
Dù mới tham gia vào thị trường lao động chưa được bao lâu nhưng Thanh Hải vẫn có mức thu nhập khá ổn, vì ngoài công việc văn phòng, cô còn bán hàng online. 60% thu nhập của Thanh Hải đến từ việc buôn bán, mà đã là kinh doanh, dù lớn hay nhỏ cũng có “lúc này, lúc kia”.
Thu nhập của Thanh Hải không cố định, trung bình khoảng 19-20 triệu/tháng. Có tháng cao hơn, có tháng thấp hơn. Thứ duy nhất cố định là tài khoản tiết kiệm luôn tròn trĩnh bằng 0.
“Tiền kiếm được, nếu không chi tiêu cho bản thân, mình cũng dùng để nhập hàng hết. Mỗi lần nhập hàng hết khoảng 12-15 triệu thôi, vì mình cũng buôn bán nhỏ lẻ nhưng vì không có kế hoạch chi tiêu nên vẫn bí lắm” - Thanh Hải kể.
Đỉnh điểm của “cái sự bí” ấy chính là vừa nhập hàng xong, hết sạch cả tiền rồi thì chủ nhà nơi Thanh Hải đang thuê trọ thông báo “Cuối tháng chị bán nhà, em thu xếp chuyển nhà trong vòng 2 tuần nữa nhé” .
“Đọc tin nhắn ấy xong mà mình như ngồi trên đống lửa. Vì chuyển nhà là mình phải thuê dịch vụ trọn gói do còn đống hàng hóa ở nhà, chưa kể thêm tiền cọc nhà mới nữa. Lần ấy mình chuyển nhà hết hơn 7 triệu. Chuyển xong xuôi thì cũng nhận lại được 4 triệu tiền cọc nhà cũ, nhưng vấn đề là phải cọc nhà mới trước khi được trả tiền cọc nhà cũ ấy. Việc này chắc bạn nào đi thuê nhà cũng hiểu” - Thanh Hải giải thích.
So với thu nhập, 7 triệu dù không phải số tiền nhỏ, nhưng cũng chẳng phải số tiền quá lớn với Thanh Hải. Vấn đề vẫn luôn nằm ở kế hoạch chi tiêu mà thôi.
“Mình nhận ra không thể ỷ lại việc cần xoay vốn nhập hàng mà không chừa ra một khoản phòng khi cấp bách. Dù có vay được bạn bè để xoay sở thì cuối cùng mình vẫn phải trả mà. Chủ động tiết kiệm trước vẫn tốt hơn” - Thanh Hải đã nhận ra bài học.
Hiện tại, cô đã có kế hoạch chi tiêu rõ ràng hơn: Sau khi trừ đi chi phí thuê nhà cùng tiền dịch vụ, Thanh Hải sẽ tiết kiệm 20% số tiền còn lại, 20% dùng để nhập hàng, và 60% để chi tiêu cá nhân.
“Mình dự định trong 3 tháng tiếp theo, mỗi tháng sẽ giảm 5% tiền chi tiêu cá nhân để dồn vào tiền tiết kiệm hoặc tiền nhập hàng. Mình mới tập tiết kiệm và quản lý chi tiêu nên cũng không muốn gò ép bản thân quá, cứ vừa thực hiện vừa điều chỉnh thôi” - Thanh Hải chia sẻ.
Nhịp sống thị trường