Lương hưu cho người không nghề nghiệp ổn định: Vì sao chưa hấp dẫn?
Kinh tế khó khăn hay chưa hiểu biết về BHXH tự nguyện... là những lý do mà nhiều lao động chưa tiếp cận với loại hình bảo hiểm này.
- 28-04-20171,25 triệu người hưởng lương hưu nhưng không đóng BHXH
- 21-04-2017Người cao tuổi không có lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp xã hội
- 12-04-2017Nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ lương hưu
Mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động trên mọi lĩnh vực, được tham gia BHYT và có chế độ tử tuất nếu điều không may xảy đến - với nhiều quyền lợi, ưu việt nhưng gần 10 năm thực hiện số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp.
Theo ông Nguyễn Trí Đại – Trưởng ban Thu – BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH tự nguyện đến 31/3/2017, toàn quốc có trên 200.000 người. Người tham gia BHXH tự nguyện tăng 9.000 người so với cùng kỳ năm 2016. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Nguyên nhân có nhiều nhưng có nguyên nhân cơ bản là tâm lý của người dân khi tham gia loại hình BHXH này.
Làm việc cho công ty may được 7 năm, chị Nguyễn Thị Loan ở quận Cầu Giấy nghỉ việc, công ty đã chốt sổ bảo hiểm xã hội, xác nhận chị tham gia đóng bảo hiểm xã hội được 7 năm. Với mong muốn tiếp tục được đóng BHXH tự nguyện để sau này có chế độ lương hưu nhưng theo chị Loan, còn nhiều vướng mắc khiến chị chưa muốn tham gia.
Chị Nguyễn Thị Loan nói: “Công ty bảo hiểm nào muốn mình mua thì họ đến tư vấn tận tình nhưng muốn mua bảo hiểm xã hội tự nguyện lại phải đến tận nơi. Ở đó, những người tư vấn cũng có vẻ không nhiệt tình khiến mình cảm thấy không tin tưởng. Mấy lần định đi đóng rồi nhưng thấy “lăn tăn” nên không quyết tâm. Bảo hiểm xã hội tự nguyện phải đóng 100% nên mình thấy có sự thiệt thòi so với bảo hiểm xã hội bắt buộc nhiều, vì thế mình không thiết tha. Nếu có chính sách gì ủng hộ cũng như tư vấn mà cảm thấy tin tưởng hơn thì mình sẽ suy nghĩ lại”.
Còn chị Phạm Hồng Nhung, kinh doanh thực phẩm có thu nhập hiện tại 7-8 triệu đồng/tháng. Mong muốn hiện tại của chị là khi về già có khoản tiền lương hưu hàng tháng, không phải sống dựa vào con cháu, thế nhưng chị chưa hiểu rõ về hình thức mua bảo hiểm xã hội tự nguyện như thế nào và mua ở đâu?
“Với những người làm nghề tự do như chúng tôi, nếu có chính sách, chế độ tốt cho người dân thì chúng tôi cũng mong muốn tham gia để đảm bảo cuộc sống sau này. Bây giờ cũng có nhiều công ty bảo hiểm tiếp cận người dân rất sát như phát tờ rơi hay thông tin về quyền lợi khi tham gia. Tôi cũng không biết bảo hiểm xã hội tự nguyện có gì hơn những loại hình bảo hiểm thương mại đang hàng ngày tiếp cận người dân không?”.
Kinh tế khó khăn hay chưa hiểu biết về bảo hiểm xã hội tự nguyện, so sánh thiệt hơn giữa bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm thương mại... là những lý do mà nhiều lao động chưa tiếp cận với loại hình bảo hiểm này.
Theo ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động được hưởng các quyền lợi như: lương hưu, bảo hiểm y tế và có chế độ tử tuất nếu điều không may xảy đến. Thế nhưng đến nay vẫn có rất ít người dân biết đến và tham gia. Tính đến cuối năm 2016, sau 9 năm triển khai, mới có khoảng 200.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (phần lớn là những người đã từng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc). Đây là con số quá thấp so với kỳ vọng và mục tiêu. Bởi trên thực tế còn gần 40 triệu lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động giúp việc gia đình, nông dân, ngư dân... thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa tham gia.
Ông Trần Hải Nam cho biết: “Đúng là chúng ta rất khó khăn khi tiếp cận các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi đại bộ phận là đối tượng trong khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động. Tính chất về tiền lương, thu nhập không ổn định…, cho nên việc phát triển đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thời gian qua còn nhiều hạn chế”.
Phần tích lũy phòng khi không còn sức lao động
Mới đây, Bảo hiểm Nhân Thọ chi trả khoản tiền gần 10 tỷ cho khách hàng mất vì bệnh ung thư. Sự kiện này đã khiến nhiều người đặt ra sự so sánh giữa BHXH tự nguyện và bảo hiểm thương mại. Chị Lê Mai Hương, ở Đội Cấn – Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: Nếu tôi tham gia BHXH tự nguyện nếu có “mệnh hệ” gì thì có được hưởng như vậy không?”.
Nói rõ hơn về tính ưu việt của BHXH tự nguyện, ông Nguyễn Trí Đại giải thích: Quỹ BHXH mang tính san sẻ chứ không phải mang vào kinh doanh giống như các loại hình bảo hiểm khác. Nếu người tham gia được lấy gần 10 tỷ đồng thì việc đóng cũng rất cao và điều kiện ràng buộc của BH doanh nghiệp cũng rất chặt chẽ (ví dụ không có tiền sử bệnh, trong thời gian mua không có bệnh…).
Còn BHXH tự nguyện sẽ giúp bảo đảm cho cuộc sống của người lao động khi về già, đặc biệt là những người có thu nhập bấp bênh, khi có điều kiện thì tham gia BHXH tự nguyện khi không còn đủ sức khỏe để lao động nữa thì họ có một khoản tiền nhất định hàng tháng để đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
Thêm nữa, từ 1/1/2018, nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo 3 mức: 30% trên tổng số tiền tham gia BHXH cho hộ nghèo và gia đình chính sách, 20% cho hộ cận nghèo và 10% cho các hộ khác.
Chính sách hỗ trợ này cùng với việc tuyên truyền đến tận người dân kỳ vọng sẽ tăng thêm nhiều đối tượng tham gia mua bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, thực sự là bài toán mà các cơ quan chức năng, ngành bảo hiểm xã hội phải tìm lời giải.
VOV