MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương hưu tự nguyện còn xa vời vì thói quen giữ tiền của người Việt

03-05-2017 - 10:22 AM | Xã hội

Người dân vẫn có thói quen khi có tiền thì gửi tiết kiệm hoặc cất vào đâu đó phòng khi có chuyện gì xảy ra còn có cái mà chi tiêu.

Sau gần 10 năm triển khai BHXH tự nguyện nhưng đến 31/3/2017, toàn quốc mới có trên 200.000 người tham gia (đến 31/3/2017 có thêm 9.000 người so với cùng kỳ năm 2016). Điều đáng nói, phần nhiều trong số này là những người đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian để hưởng lương hưu.

Trong khi đó, những người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức chiếm tới hơn 70% lực lượng lao động hiện tại thì con số 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện là quá ít ỏi.

Nhiều người chưa tiếp cận với BHXH tự nguyện
Nhiều người chưa tiếp cận với BHXH tự nguyện

Phân tích nguyên nhân, theo ông Nguyễn Trí Đại – Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam), có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là tâm lý của người dân khi tham gia loại hình BHXH này. Mặc dù loại hình này đã được thực hiện gần 10 năm, nhưng chính sách về BHXH tự nguyện chưa được người dân tiếp cận nhiều và họ chưa yên tâm khi tham gia BHXH tự nguyện. Dân còn so sánh giữa việc tham gia BHXH tự nguyện với người lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Về tỷ lệ đóng, đương nhiên người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng tương đối cao (22%); còn người hiện đang lao động và đóng BHXH bắt buộc là 26% nhưng trong đó người lao động chỉ đóng 8%.

Thứ hai, thời gian đóng BHXH tự nguyện còn dài nên người dân chưa yên tâm, biết đâu sau này chính sách lại có gì thay đổi.

Theo Luật BHXH số 58 thì hiện nay các điều kiện tham gia BHXH tự nguyện thay đổi theo chiều hướng thuận lợi cho người tham gia như không khống chế đối tượng tham gia, người dân từ 15 tuổi trở lên không tham gia BHXH bắt buộc thì được tham gia BHXH tự nguyện; hình thức đóng cũng linh hoạt hơn (có thể đóng theo tháng, theo quý, theo năm, hoặc đóng một lần cho nhiều năm nhưng không quá 5 năm), và từ 1/1/2018 trở đi thì người tham gia BHXH được Nhà nước hỗ trợ 30% với hộ nghèo. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mức hỗ trợ này còn rất thấp không thể thúc đẩy tăng nhanh đối tượng tham gia.

Phải gắn với Bảo hiểm y tế?

Thêm một “lực cản” nữa khiến người muốn tham gia BHXH tự nguyện còn phải đắn đo là khi tham gia đó là chế độ chỉ thực hiện với hưu trí và tử tuất, còn BHYT người dân sẽ tham gia theo hướng BHYT hộ gia đình hay BHYT tự nguyện.

“Khi đóng 22% này chỉ để thực hiện chế độ cho hưu trí và tử tuất chứ họ không có quyền lợi y tế gắn với BHXH tự nguyện” – ông Nguyễn Trí Đại nhấn mạnh.

Theo phân tích của ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, thì việc người dân còn đắn đo khi tham gia BHXH tự nguyện chính là vì không được hưởng chính sách BHYT. Đây là quyền lợi sát sườn nhất mà người dân cần khi tham gia bất kỳ loại bảo hiểm nào, đó là các chế độ họ được hưởng khi ốm đau, bệnh tật. Từ thực tế này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nên xem xét sửa đổi, bổ sung qui định về quyền lợi BHYT đối với người tham gia BHXH tự nguyện thì chắc chắn tỷ lệ tham gia sẽ tăng.

Ngoài ra, theo ông Đại, có lẽ người dân cũng đang so sánh câu chuyện khi tham gia BHXH tự nguyện với tham gia BHXH bắt buộc. Khi người tham gia BHXH bắt buộc đóng 34,5% nhưng trong đó bao gồm cả chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, BHYT, BH thất nghiệp, hưu trí, tử tuất… “Nhưng nếu đối tượng này đóng nhiều như BHXH bắt buộc thì liệu người dân có chịu được không?” – ông Đại đặt vấn đề.

Mới đây, Hội Nông dân đề xuất tăng mức hỗ trợ người tham gia đóng BHXH tự nguyện có thể lên đến mức 40-50%. Về ý kiến này, ông Đại cho rằng, hiện nay, đối với người tham gia BHXH bắt buộc đã được các DN, chủ sử dụng lao động đóng tổng mức là 26%, trong đó 18% là chủ sử dụng lao động đóng còn người lao động chỉ đóng 8%. Nếu Nhà nước hỗ trợ được từ 40-50% cho người tham gia BHXH tự nguyện thì người dân sẽ tham gia BHXH tự nguyện ngày càng nhiều hơn. Còn như hiện nay thì chủ yếu là những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nhưng đến thời gian nghỉ hưu chưa đủ điều kiện.

Được biết, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ mở rộng về các địa bàn, đặc biệt là các đại lý. Trước đây, đại lý tập trung ở các xã, phường, bưu điện… thời gian tới, các tổ chức như thanh niên, phụ nữ, trạm y tế… cũng sẽ tham gia vào việc vận động, thu tiền của người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo Vũ Hạnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên