MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lượng khách phục hồi, các doanh nghiệp ngành hàng không có được hưởng lợi trong quý II?

Lượng khách phục hồi, các doanh nghiệp ngành hàng không có được hưởng lợi trong quý II?

Lượng khách tăng giúp các doanh nghiệp dịch vụ hàng không đang dần có những bước phục hồi sau đại dịch.

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng lượng hàng khách của ngành đạt 23,3 triệu người, tăng 74,2% so cùng kỳ năm 2021 và bằng 60% so cùng kỳ 2019. Trong đó thị trường nội địa là 20,8 triệu khách, tăng 58,4% so với 6 tháng năm 2021 và tăng 12% so cùng kỳ năm 2019.

Tổng thị trường hàng hóa là 651.000 tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 7% so cùng kỳ 2019, trong đó thị trường nội địa đạt 146.900 tấn tăng 3,6% so 6 tháng năm 2021 và giảm 29% so cùng kỳ năm 2019.

Theo đánh giá của Cục hàng không Việt Nam, thị trường nội địa bắt đầu hồi phục từ tháng 4, tăng trưởng trở lại vào tháng 5 và có sự tăng trưởng mạnh trong tháng 6. Tính riêng trong tháng 6, thị trường nội địa đã đón 5 triệu lựơt khách, tăng 20,9% so tháng 5 và tăng 38,8% so tháng 6/2019 (tháng cao điểm hè trước khi xảy ra dịch Covid-19). Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa trong tháng 6 đều cao, đạt từ 85% đến 87% tùy hãng. Điều này cho thấy, đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng không nội địa đã hoàn toàn hồi phục và có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II năm nay.

Lượng khách phục hồi, các doanh nghiệp ngành hàng không có được hưởng lợi trong quý II? - Ảnh 1.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đã chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên của đơn vị này thị trường Việt Nam sẽ có nhiều tích cực vì Chính phủ đã mở cửa trở lại, nối lại các đường bay nội địa và một số đường bay quốc tế. Tuy nhiên, thị trường vận tải hàng không quốc tế vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn vì diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, hiệu quả vaccine suy giảm mạnh cùng với giá nhiên liệu đầu vào tăng cao.

Công ty cho biết lượng khách di chuyển chủ yếu hiện nay là người Việt, chuyên gia. Nhóm khách nước ngoài chiếm 90% tổng số khách hàng của hãng vẫn chưa thể phục hồi như trước đại dịch. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines dẫn lại dự báo thị trường hàng không thế giới đến cuối năm 2024 mới phục hồi.

SSI Research cũng đánh giá tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành năm nay chưa mạnh do khách quốc tế là nguồn lợi nhuận chính của tất cả các công ty trong ngành (sân bay, dịch vụ hàng không, hãng hàng không), và việc nối lại các đường bay quốc tế ước tính diễn ra chậm trong năm, do các thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa mở cửa lại ở nhiều mức độ khác nhau. Do đó, lợi nhuận của cả ngành ước tính tăng mạnh hơn từ năm 2023 trở đi.

Các hãng hàng không đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% từ Chính phủ có thể bù đắp phần lớn ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, tác động đến lãi/lỗ có thể nhỏ so với các chi phí khác như chi phí nhiên liệu, chi phí thuê tàu bay, nhân công và bảo dưỡng máy bay. Hơn nữa, triển vọng giá dầu tăng trong năm nay có thể làm giảm biên lợi nhuận các hãng hàng không, đặc biệt trong mùa thấp điểm. Cơ cấu vốn với nợ vay/ chi phí thuê cao cũng là vấn đề lớn cần giải quyết để ngành phục hồi bền vững hơn.

Lượng khách phục hồi, các doanh nghiệp ngành hàng không có được hưởng lợi trong quý II? - Ảnh 2.

KQKD các doanh nghiệp ngành hàng không trong quý II. Đơn vị: tỷ đồng.

Hưởng lợi từ tỷ giá, ACV báo lãi kỷ lục

Tổng công ty hàng không Việt Nam ( UPCoM: ACV ) - đơn vị trực tiếp quản lý 22/23 sân bay dân dụng tại Việt Nam đã có một quý bội thu. Cụ thể, đơn vị này ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 3.429 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2021. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ hàng không đạt 3.265 tỷ đồng, tăng 123%, doanh thu bán hàng là 163,8 tỷ đồng, gấp 2,7 lần.

Đặc biệt, doanh thu tài chính của ACV đạt 1.906 tỷ đồng, gấp 2 lần so với quý II/2021 nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá tăng. Trong kỳ, đơn vị này lãi ròng khoảng 1.470 nhờ sự chênh lệch của tỷ giá. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm trong khi chi phí bán hàng tăng.

Tại đại hội cổ đông năm nay, Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho biết bên cạnh việc thắt chặt chi phí, yếu tố đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh của lợi nhuận công ty đến từ chênh lệch tỷ giá. Hiện nay các khoản vay của tổng công ty chủ yếu bằng đồng yên Nhật. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối quý II,1 đồng yên Nhật đổi được 165,7 đồng VND, giảm 9,1% so với thời điểm đầu tháng 4. Nhờ vậy, ACV đã thu về 2.598 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 7,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 2.597 tỷ đồng, mức cao kỷ lục.

Lượng khách phục hồi, các doanh nghiệp ngành hàng không có được hưởng lợi trong quý II? - Ảnh 3.

Đơn vị: tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của ACV đạt 5.563 tỷ đồng, tăng 61,5% so với nửa đầu năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 3.472 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ. Trong nửa đầu năm, khoản lãi ròng nhờ chênh lệch tỷ giá là khoảng 1.700 tỷ đồng, tăng 95,8% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Như vậy, sau 2 quý doanh nghiệp đã hoàn thành 44,3% kế hoạch doanh thu và 91,7% chỉ tiêu lợi nhuận.

Các hãng hàng không "lao đao" vì giá nhiên liệu bay tăng

Tính đến 30/6, 5 hãng hãng hàng không dân dụng tại Việt Nam bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines đang khai thác gần 60 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM với 19 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc.

Ngoài ra các hãng đang đẩy mạnh khai thác các đường bay đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang...điển hình như tần suất khai thác đi/đến Phú Quốc hiện tại đạt 100 chuyến bay nội địa/ngày so với năm 2019 chỉ khai thác tổng 72 chuyến quốc tế và nội địa/ngày.

Tuy nhiên, không như ACV, lượng hàng khách đi lại, sử dụng dịch vụ hàng không và số chuyến bay tăng không giúp cho các hãng hàng không Việt bớt khó khăn sau đại dịch. Giá dầu tăng cao là một trong những nguyên nhân lớn "kìm chân" các hãng bay Việt.

Tại thời điểm 30/6, giá dầu brent giao dịch quanh mức 106 USD/thùng, tăng 37,6% so với đầu năm và luôn giao dịch ở vùng trên 100 USD trong suốt quý vừa qua.

Lượng khách phục hồi, các doanh nghiệp ngành hàng không có được hưởng lợi trong quý II? - Ảnh 4.

Giá dầu brent trong thời gian qua.

Vietnam Airlines ( HoSE: HVN ) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu 18.323 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn lên 18.700 tỷ đồng, gấp 3,3 lần khiến công ty lỗ gộp 377 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 149,1 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm ngoái. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 111,8% và 6%. Bên cạnh đó, chi phí tài chính là 1.147 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ do khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá tăng (736,5 tỷ đồng). Kết quả, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 2.568 tỷ đồng, giảm so với khoản lỗ 4.530 tỷ đồng của quý II năm 2021. Lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 2.570 tỷ đồng.

Doanh thu của Vietnam Airlines quý này gần gấp 3 lần so với quý II/2021, nhưng lợi nhuận lại không tăng tương ứng. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng đưa ra lý giải rằng mặc dù năm nay Chính phủ đã hoàn toàn mở cửa đất nước nhưng khó khăn lại xuất hiện nhiều hơn. Giá nhiên liệu bay tăng cao làm chi phí hoạt động tăng theo. Việc gặp khó khăn trong tái cơ cấu, bán tàu bay cũng gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.

Lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu 29.943 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với nửa đầu năm 2021. Lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 5.183 tỷ đồng. Khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá là 835 tỷ đồng.

Tính đến 30/6, lỗ lũy kế của công ty là 28.921 tỷ đồng, tăng 31,6% so với đầu năm. Do đó, vốn chủ sở hữu đã âm 4.914 tỷ đồng. Nếu không có những biện pháp để tăng vốn hay giảm lỗ lũy kế, cổ phiếu HVN của hãng hàng không này có thể rơi vào diện bị hủy niêm yết trong thời gian tới.

Hãng hàng không còn lại trên sàn chứng khoán là Vietjet ( HoSE: VJC ) cũng không có được kết quả khả quan hơn Vietnam Airlines. Trong kỳ, đơn vị này ghi nhận doanh thu 4.337 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn hàng bán chỉ giảm 5% khiến công ty lỗ gộp 1.227 tỷ đồng. Nhờ có khoản doanh thu tài chính đạt 1.757 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ nhờ lãi tiền gửi tăng và thu nhập tài chính khác tăng giúp công ty thoát lỗ trong quý vừa rồi với mức lợi nhuận là 5,7 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Vietjet đạt 8.386 tỷ đồng, giảm 23,5%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ là 130,3 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ nhờ mức lợi nhuận cao trong quý I.

Kết quả trái chiều của hai công ty dịch vụ hàng hóa trên sàn

Lượng khách phục hồi, các doanh nghiệp ngành hàng không có được hưởng lợi trong quý II? - Ảnh 5.

Hai công ty dịch vụ hàng hóa trên sàn ghi nhận kết quả trái chiều.

Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn ( HoSE: SCS ) tiếp tục có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý vừa rồi. Cụ thể, đơn vị ghi nhận doanh thu 208,8 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 153 tỷ đồng đồng, tăng lần lượt 0,8% và 3,9,% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Saigon Cargo Service đạt 454,7 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 340,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,4% và 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Còn Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài ( HoSE: NCT ) ghi nhận doanh thu 180,6 tỷ đồng, tăng 3,8%. Nhưng chi phí tăng lên đã khiến lợi nhuận ròng đơn vị này giảm 2,9% còn 53,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, Noibai Cargo Service thu về 371,5 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 113,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,3% và 6,9% so với nửa đầu năm 2021.

Nửa đầu năm, SSI Research ước tính sản lượng hàng hóa hàng không vẫn được hưởng lợi từ nhu cầu cao do các nhà bán lẻ tích trữ hàng tồn kho, hiện đang ở mức thấp trong lịch sử. Tăng trưởng trong quý III cũng có thể vẫn tốt do hiệu ứng cơ bản thấp và trở về mức bình thường trong quý cuối của năm.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp dịch vụ sân bay bắt đầu có giới thiệu khởi sắc

Cũng giống như ACV, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nhóm này phụ thuộc lớn vào hành khách đi qua các sân bay. Việc khách nội địa thông qua các cảng hàng không trong quý này bắt đầu phục hồi trở lại giúp các công ty này kinh doanh khởi sắc hơn.

Dịch vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS, HoSE: SGN ) ghi nhận doanh thu thuần và cung cấp dịch vụ đạt 237,5 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ ; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 48,7 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 406 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 78,9 tỷ đồng, lần lượt tương ứng tăng 84 tỷ đồng, 23,9 tỷ đồng so với đầu năm.

Các doanh nghiệp như Dịch vụ hàng không Taseco ( HoSE: AST ), Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco, UPCoM: SAS ) và Dịch hàng không Đà Nẵng ( HNX: MAS ) đã thoát lỗ trong quý này ghi lần lượt ghi nhận lãi ròng đạt 13,7 tỷ đồng, 83,8 tỷ đồng và 300 triệu đồng.

Còn các công ty như Dịch vụ sân bay quốc tế Cam Ranh ( HNX: CIA ) và Suất ăn hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS) đều báo cáo những khoản lỗ đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Theo Việt Hưng

Người Đồng Hành

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên