Lương làng nhàng hơn chục triệu vẫn mua nhà cả tỷ ở thành phố: Bí quyết là tuân thủ 6 nguyên tắc “tối thượng” sau đây
Kinh nghiệm của những người trẻ có mức thu nhập trung bình mà vẫn mua được nhà riêng sẽ rất hữu ích với những ai cùng khao khát.
- 22-03-2021"Phú nhị đại" Trung Quốc: Đẹp trai như tài tử, lái siêu xe McLaren 720S đi làm nhưng vẫn ở nhà thuê, tiết kiệm tới mức bị chê là "đệ nhất keo kiệt"
- 19-03-2021Sống tối giản nhưng vẫn vỡ kế hoạch tài chính, mẹ đảm Hà Nội áp dụng biện pháp này giúp tiết kiệm ngay 25 triệu/năm, còn mua được cả bảo hiểm cho gia đình
- 18-03-2021Dạy con làm việc nhà và trả lương, ông bố Hà Nội giúp con đầu tư, tiết kiệm được… gần 70 triệu đồng
Hãy tạm thời bỏ qua chuyện mua nhà của những người giàu. Những người trẻ thuộc câu lạc bộ thu nhập hàng trăm triệu/tháng càng lúc càng nhiều thêm, nhưng họ không phải là số đông. Phần lớn chúng ta, kể cả những người đã ra trường đi làm trên 5 năm, những gia đình trẻ, đang có mức thu nhập từ 10 đến dưới 20 triệu/tháng. Nhà, với phần đông vẫn là một tài sản rất lớn. Mua nhà cũng là một sự kiện trọng đại trong đời chẳng kém việc xây dựng gia đình hay sinh con.
Có nhà riêng trước tuổi 40, đó là khao khát của rất nhiều người trẻ Việt. (Ảnh minh họa)
Với mức thu nhập "làng nhàng", việc giải bài toán lấy tiền đâu để mua nhà thực sự hao tổn nơron thần kinh. Mỗi người sẽ có những phương án, sự lựa chọn và tích lũy tài chính riêng. Có người được cha mẹ cấp đỡ phần lớn; có người vay ngân hàng, vay gia đình, bạn bè; có người đem hết vốn liếng, tiền tiết kiệm ra "tất tay". Nhưng dù chọn phương án nào, khi mua nhà, người trẻ đều phải tính toán chi li, thận trọng với mọi quyết định. Từ kinh nghiệm của những người đã mua được nhà trước tuổi 40, cần chú ý một số nguyên tắc "tối thượng" sau khi bắt đầu việc mua nhà.
1. Phải có máu liều trong người
Nếu không liều lĩnh, không dám quyết đoán và có tính phiêu lưu một chút, bạn không thể mua được nhà khi còn đang trẻ. Những người có tính cách “chắc cú”, không dám mạo hiểm sẽ khó có thể mua nhà với hai bàn tay trắng, đặc biệt là các dự án còn đang trên giấy tờ. Bởi lẽ, nếu chỉ nhìn vào cuộc sống tương đối ổn định, thu nhập cỡ hơn chục triệu/tháng và khoản tiết kiệm dự kiến khoảng 3 - 5 triệu/tháng, so sánh với con số hàng tỷ đồng, chúng ta rất dễ nản lòng. Chỉ khi có sự quyết liệt pha chút liều lĩnh, người ta mới dám quyết tâm mua nhà.
2. Nắm bắt thông tin rất quan trọng
Có thông tin chính xác, được tư vấn từ những người có kinh nghiệm và lựa chọn dự án/ ngôi nhà phù hợp để mua cũng là mấu chốt thành công. Dù mạo hiểm, bạn vẫn cần tìm hiểu kỹ thông tin liên quan như chủ đầu tư, tiến độ giải ngân, uy tín của nhà đầu tư (với căn hộ); an ninh, dân trí chung của khu vực, hàng xóm… (với nhà đất) để không mất tiền oan.
3. Đừng mong vừa có nhà vừa được sung sướng, nếu thu nhập không quá cao
Điểm chung của phần lớn người trẻ mua được nhà thành phố với mức thu nhập vừa phải, ấy là họ phải cày như trâu, chắt bóp chi tiêu đến mức “tối giản”, kiên trì với công việc, có chán mấy cũng không được phép nghỉ việc.
Thậm chí còn phải sẵn sàng làm thêm giờ, làm nhiều công việc để có thêm thu nhập. Chính áp lực phải "cày" để trả nợ thúc đẩy người trẻ vượt qua ngưỡng an toàn của mình.
Chắt bóp chi tiêu, dè sẻn hơn trong sinh hoạt là điều không tránh khỏi khi bạn đang gánh nợ mua nhà. (Ảnh minh họa)
4. Luôn tỉnh táo, liệu cơm gắp mắm
Dù có nhận được thật nhiều hỗ trợ từ gia đình, vay ngân hàng dễ dàng, có công việc ổn định, bạn cũng đừng chọn những mục tiêu quá xa vời, những căn nhà quá đắt đỏ mà bản thân khó lòng chi trả được.
Kinh nghiệm của người trẻ đã mua nhà thành công cho thấy, với mức tổng thu nhập khoảng 30 - 40 triệu của một gia đình trẻ, bạn nên nhắm đến những căn hộ/ngôi nhà có giá dưới 2 tỷ đồng.
5. Tinh thần vững vàng
Với những gia đình trẻ chung tay mua nhà, việc giữ cho mình sự bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo, đặc biệt là không hằn học, “cắn xé” bạn đời khi mua nhà cũng là điều quan trọng. Áp lực phải chi tiêu dè sẻn hơn, căng thẳng trong công việc, áp lực con cái (nếu có), mâu thuẫn trong cân đối tài chính… dễ khiến chúng ta mất bình tĩnh, dễ xảy ra cãi vã.
Khi cả hai cùng oằn lưng gánh nợ, tốt nhất nên hòa thuận với nhau. Hoặc nếu muốn tan rã, hãy cố đợi đến khi… mua xong nhà, để khỏi vướng mắc trong việc chia chác các khoản nợ.
Những mâu thuẫn gia đình có thể đến cùng với áp lực. Hãy cẩn trọng với điều đó. (Ảnh minh họa)
6. Tận dụng tối đa hỗ trợ có thể có
Trong khả năng của gia đình và bạn bè, hãy tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ họ. Nếu gia đình, bạn bè có điều kiện cho một phần tiền, cho vay hoặc hỗ trợ vay vốn, đừng ngần ngại mà kêu gọi giúp đỡ. Ngoài ra, không chỉ trong vấn đề tài chính, sự giúp đỡ từ nhiều nguồn cũng rất quan trọng, như hỗ trợ trông con, đưa ra các lời khuyên...
Đương nhiên, trước đó bạn cũng cần duy trì mối quan hệ tốt với các “chủ nợ tiềm năng”, tránh gây sự để khỏi bị “cạch mặt” hoặc bị đòi nợ sớm hơn thời hạn giao hẹn.
Nhịp sống Việt