MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lượng người dùng Mobile Money ở nông thôn áp đảo ở thành thị

19-04-2022 - 14:29 PM | Kinh tế số

Lượng người dùng Mobile Money ở nông thôn áp đảo ở thành thị

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), sau 4 tháng triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money ở Việt Nam, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ đạt 1.096.245 khách hàng.

Trong đó, có 659.237 khách ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, đạt 60,1%. Cùng với đó, số lượng giao dịch đạt 8,4 triệu giao dịch với giá trị lên tới 371 tỷ đồng.

Hiện nay, số lượng người dùng dịch vụ Mobile Money của các nhà mạng đã có bước tăng mạnh trong các tháng qua. Theo Bộ TT&TT, Viettel đang dẫn đầu về số lượng thuê bao di động sử dụng dịch vụ, sau đó là VNPT.

Cụ thể, trong tháng 3/2022, Viettel đã có 721.760 thuê bao sử dụng dịch vụ, tăng gần 152.000 thuê bao so với tháng trước đó (569.815 thuê bao). VNPT có 366.574 thuê bao, tăng hơn 106.000 thuê bao so với tháng 2 (260.546 thuê bao). Bên cạnh đó, MobiFone có 6.586 thuê bao, tăng 2.571 thuê bao.

Việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money được xem là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Điều này vô cùng phù hợp trong giai đoạn triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ và nghị định thay thế nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước đây, Ngân hàng Nhà nước có quyết định chấp thuận cấp phép thử nghiệm Mobile Money cho các nhà mạng lớn tại Việt Nam. Một số nhà mạng được Ngân hàng Nhà nước thử nghiệm đó là VNPT, MobiFone và Viettel, đưa Việt Nam chính thức trở thành quốc gia có nền tảng thanh toán Mobile Money.

Việc các nhà mạng chính thức cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lộ trình phát triển các loại hình thanh toán không tiền mặt, Cùng với đó, các nhà mạng mong muốn cung cấp các dịch vụ mới tới người dân trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng xã hội số, công dân số.

Trên thực tế, tiềm năng của Mobile Money là vô cùng lớn khi có tới 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lại chỉ tập trung ở các đô thị lớn.

Việc triển khai Mobile Money sẽ giúp đẩy mạnh quá trình số hóa tài chính ở Việt Nam, để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ tài chính. Đây được coi là vấn đề then chốt, giúp cho mạch máu kinh tế vận động, tạo ra những cơ hội phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng và phát huy tiềm năng ở tất cả các khu vực địa lý, kinh tế.

https://cafef.vn/luong-nguoi-dung-mobile-money-o-nong-thon-ap-dao-o-thanh-thi-20220419140100628.chn

Văn Minh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên