Lương sếp doanh nghiệp nhà nước cao nhất có thể đạt 70 triệu/tháng
Các thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị tại một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có thể nhận mức lương cơ bản từ 60 - 70 triệu đồng...
- 03-06-2019Chi trả BHXH, lương hưu... qua hệ thống ngân hàng
- 20-05-2019Làm thêm 400 giờ/năm, lương tính theo cách này người lao động bớt buồn
- 16-05-2019Lương ngành logistics hàng nghìn USD mỗi tháng vẫn khó tuyển người
Các thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị tại một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có thể nhận mức lương cơ bản từ 60 - 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, các thành viên có thể nhận mức tiền lương kế hoạch theo mức lương cơ bản gắn với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.
Theo đó, mức lương cơ bản của các thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên chuyên trách được quy định theo loại công ty gắn với quy mô, độ phức tạp quản lý, cụ thể như sau:
Chức danh | Mức lương cơ bản (Đơn vị: triệu đồng/tháng) | |
Loại 1 | Loại 2 | |
1. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị | 70 | 60 |
2. Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị; Trưởng ban kiểm soát | 60 | 50 |
3. Kiểm soát viên | 50 | 40 |
Dự thảo cũng đưa ra hai phương án tiền lương áp dụng.
Theo đó, phương án 1 (quy định tiêu chuẩn dựa trên quy mô hiện hành): Loại 1, áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch hằng năm: vốn chủ sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên; doanh thu từ 50.000 tỷ đồng trở lên và có 10 đầu mối quản lý (công ty con hoạch toán độc lập hoặc phụ thuộc) hoặc tổng số lao động sử dụng từ 5.000 người trở lên.
Loại 2, áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch hằng năm: vốn sản xuất, kinh doanh dưới 10.000 tỷ đồng; doanh thu dưới 50.000 tỷ đồng và có dưới 10 đầu mối quản lý hoặc tổng số lao động sử dụng dưới 5.000 người.
Phương án 2 - căn cứ quy mô hiện hành để ấn định loại công ty: Loại 1, áp dụng đối với công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Loại 2, áp dụng đối với công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Đối với mức tiền lương kế hoạch, dự thảo quy định xác định theo mức lương cơ bản gắn với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu kế hoạch so với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận thực hiện năm trước liền kề.
Trong đó, trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch bằng hoặc cao hơn lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 2 lần mức lương cơ bản.
Trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch thấp hơn không quá 50% so với lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa được tính bằng 2 lần mức lương cơ bản nhân với tỷ lệ (%) giữa lợi nhuận kế hoạch so với lợi nhuận năm trước liền kề.
Với trường hợp lợi nhuận thấp hơn dưới 50% so với lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa được tính bằng 1 lần mức lương cơ bản và tối thiểu bằng 50% so với mức lương cơ bản.
Trường hợp không có lợi nhuận thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 50% so với mức lương cơ bản; lỗ thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 30% so với mức lương cơ bản.
Dự thảo được lấy ý kiến đến hết ngày 5/8/2019.
Vneconomy