Lương tháng 20 triệu, thuê nhà hết 10 triệu, tiêu xài như "tỷ phú" rồi nợ hơn 200 triệu, người trẻ bị hủy hoại vì tư duy: Tiêu càng nhiều, kiếm càng ra!
Ngày càng nhiều người trẻ không quản lý được chi tiêu, phải thường xuyên vay mượn, nhưng lại tự nhận bản thân mình đang sống theo “tư duy tỷ phú”.
- 04-03-2020Cùng đối mặt với khủng hoảng, kẻ nhanh chóng chán chường, người phất lên nhanh chóng: Sự khác biệt nằm ở đâu?
- 04-03-2020"Chỉ với 50k tiền mặt trong ví, bạn làm sao để sống trong 15 ngày?": Câu trả lời khác biệt nhưng cực thực tế khiến người tuyển dụng bật cười
- 03-03-2020Học cách "sàng lọc" mối quan hệ của bậc thầy trí tuệ Quỷ Cốc Tử: Chọn bạn khó 1, thay bạn khó 10
01. Tư duy giàu và nghèo?
Vài ngày trước, em họ của tôi liên lạc và hỏi vay một khoản tiền không nhỏ. Tôi có phần ngạc nhiên vì chỉ cách đấy vài hôm, em họ còn khoe ảnh phiếu lương của mình lên tới 20 triệu đồng. Đối với một nhân viên đi làm ở thành phố chưa đến 2 năm như cô ấy, số tiền này không hề thấp.
Tôi bèn hỏi cô ấy vay tiền để làm gì. Em họ ấp úng một hồi rồi mới chịu thành khẩn trả lời, hóa ra tuy cô kiếm được nhiều, nhưng tiêu càng nhiều hơn. Cô thuê một căn hộ chung cư sang trọng để sống một mình với tiền thuê nhà 10 triệu đồng mỗi tháng.
Ngày thường cũng chẳng bao giờ tự nấu cơm, toàn gọi đồ ăn ngoài hoặc đi ăn uống nhà hàng cùng bạn bè. Vậy là tiền ăn mỗi tháng cũng chiếm con số không hề nhỏ. Rồi quần áo phải mặc hàng xịn, mỹ phẩm dưỡng da phải dùng đồ high-end, dăm ba tháng lại phải đi du lịch một chuyến để sống ảo.
Với cách tiêu xài đó của em họ, cho dù tiền lương lên tới 20 triệu, mỗi tháng cũng được bố mẹ cho thêm một khoản, nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu. Từ khi tốt nghiệp đại học đến giờ mới được 2 năm nhưng cô ấy đã vay nợ từ thẻ tín dụng gần 200 triệu đồng.
Khi tôi cố gắng khuyên em họ mình nên sống tiết kiệm một chút, mỗi tháng để ra vài triệu thôi cũng được, phòng khi tình huống khẩn cấp xảy ra, thì nhận lại phản ứng khá gay gắt.
Cô ấy thẳng thừng phản bác: “Các tỷ phú bảo rồi, càng tiêu tiền thì mới càng giàu có được. Cứ ki bo dè sẻn như anh thì muôn đời nghèo thôi”.
Nhìn gương mặt thấm nhuần “tư tưởng người giàu” đó của em họ, tôi đành im lặng. Tình trạng như vậy không chỉ xuất hiện trên người cô ấy, mà còn có dấu hiệu lan rộng trong một bộ phận giới trẻ. Họ thích sống sung túc, ăn mặc tiêu xài xa hoa, quẹt thẻ không chùn tay, chẳng bao giờ lo nghĩ đến chuyện tiết kiệm. Tiền lương vừa nhận là phải tìm một cơ hội nào đó để tiêu luôn, đó đã là thói quen của rất nhiều người.
Không biết từ khi nào, tiết kiệm đã biến thành ki bo, kẹt sỉ, là tư duy của người nghèo. Còn tiêu xài lãng phí lại là tư duy để giàu có.
02. Vay tiền để tiêu xài là tư duy của kẻ lãng phí, không phải của người giàu
“Hiện tại không hưởng thụ, chẳng lẽ đợi đến khi già yếu không còn đủ sức mà hưởng thụ nữa mới biết tiếc nuối hay sao?”. Ý tưởng tương tự như vậy luôn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu.
Với những người đã trưởng thành và có quan điểm tiêu dùng của riêng mình, họ không dễ bị tác động. Nhưng đối với người trẻ, đặc biệt là những ai vừa bắt đầu trải đời, vừa bắt đầu tự tay làm ra tiền, ngôn luận như vậy tương đương với một sự cám dỗ trí mạng.
Vì thế, chúng ta sẽ thấy rằng, ngày càng nhiều người trẻ có thói quen tiêu xài phung phí, quản lý tài chính không hiệu quả, thường xuyên đi vay tiền để bù đắp vào chỗ thiếu hụt của mình.
Điều đáng sợ hơn hết chính là người trẻ nghĩ rằng, việc vay nợ là đại biểu cho tư duy giàu có. Họ nói rằng: Người nghèo sẽ gửi tiền, người giàu mới vay tiền.
Nhưng thực tế thì sao? Mục đích mà người giàu vay tiền là để “dùng tiền sinh tiền”, dựa trên nền tảng sức mạnh kinh tế tốt. Đồng tiền đi vay với họ là một loại tài sản để đầu tư. Còn với những kẻ vay tiền để tiêu xài phung phí, đồng tiền vay nợ chỉ là một loại gánh nặng pháp lý mà thôi.
Không phải ai cũng sinh ra trong giàu có, không phải ai cũng có năng lực biến 1 thành 10, trở thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng. Cho nên, đối với người bình thường, ở giai đoạn tích lũy của cải, nếu họ không thể kiếm được “thùng vàng đầu tiên” thông qua lao động và tiết kiệm thì giấc mơ sở hữu một kho báu mãi mãi chỉ là giấc mơ mà thôi.
03. Chỉ có kỷ luật tự giác mới đảm bảo cho tương lai của bạn mai sau
Trong cuốn sách "28 thói quen tài chính của người giàu" có đoạn này: “Kiếm tiền giống như một cuộc đua. Để tham gia vào đường đua, trước hết phải có đủ các điều kiện tiêu chuẩn, chẳng hạn như giày và thể lực”.
Điều kiện tiêu chuẩn trong cuộc đua kiếm tiền là gì? Chính là một khoản vốn nhất định. Nếu không có tiền trong tay, bạn lấy gì để đầu tư, lấy gì để “dùng tiền sinh tiền”?
Tỷ phú đài loan Quách Đài Minh luôn thích kể một mẩu chuyện như thế này:
“Có người đi hỏi một người đàn ông giàu về cách làm giàu. Người đàn ông giàu mới nói: Xin vui lòng chờ một lát., câu chuyện rất dài, để tôi đi tắt cái bóng đèn đã”.
Bạn nhận ra điều gì thông qua câu trả lời đó? Đối với người giàu có, họ luôn biết cách quản lý chi tiêu của mình, tiêu xài vừa đủ, cái gì cần tiết kiệm thì vẫn cứ phải tiết kiệm cho đúng. Số tiền điện để bật một cái bóng đèn cũng như vậy.
Một số tiền rất nhỏ cũng có thể trở thành giá trị lớn nếu thay đổi cách nhìn. Chẳng hạn như, có một cặp vợ chồng có thói quen uống cà phê mỗi buổi chiều.
Một ngày nọ, một cố vấn tài chính đã tính toán: Giả sử mỗi người uống một ly cà phê mỗi ngày, có 365 ngày một năm, tương đương là 730 ly. Giả sử mỗi ly trị giá 40.000 đồng, vậy tổng cộng họ tiêu hết 29.200.000 đồng mỗi năm. Sau 30 năm làm việc, số tiền đó sẽ rơi vào khoảng 900 triệu đồng. Số tiền đủ để chi trả 30 - 50% một căn hộ chung cư có giá trị tầm trung ở khu vực không quá xa nội thành.
Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng có rất nhiều khoản chi như vậy. Mới nhìn thì thấy là nhỏ, nhưng tích tiểu thành đại, đến cuối cùng sẽ biến thành một khoản phí tổn cực kỳ lớn.
Vì thế, hãy học cách kiểm soát tài chính của bản thân.
1. Ghi chép các khoản tiêu dùng định kỳ mỗi tháng và khoản phát sinh thêm mỗi ngày. Thường xuyên tổng kết đánh giá, tích cực giảm trừ những chi phí có thể tiết kiệm.
2. Lập một khoản tiết kiệm bắt buộc ngay khi vừa nhận lương.
“Tư duy giàu có” mà bạn thực sự phải học chính là: Chỉ có kỷ luật tự giác mới đảm bảo cho tương lai của bạn mai sau. Người bản lĩnh sẽ biết cách kiểm soát ham muốn tiêu dùng và trì hoãn sự hài lòng tức thì để hướng tới mục tiêu bền vững hơn.