Lương tối thiểu phải tăng hơn 11% công nhân mới đủ sống
Sáng 9/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã nhóm họp phiên đầu tiên để bàn về tiền lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2024, phía cơ quan đại diện người lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm hơn 11% để công nhân đủ sống ở mức tối thiểu.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cơ quan đại diện cho người lao động tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình, mức lương tối thiểu vùng năm 2024 phải tăng thêm 11,34% so với hiện hành. Tuy nhiên, cơ quan này cũng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nên thời điểm tăng có thể cân nhắc cho phù hợp nhằm giảm tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.
Từ thực tế khảo sát trên, một trong những thành viên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 từ 5-6% so với hiện hành. Mức lương tối thiểu vùng tăng thêm này chủ yếu để bù trượt giá nhằm duy trì tiền lương thực tế cho người lao động, vừa chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp đang đối mặt.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện tiền lương bình quân của người lao động khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2022; và cao hơn lương tối thiểu vùng hiện hành từ 37 - 51% tùy theo từng vùng. Tuy nhiên, vẫn còn 3,5% người lao động nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Thu nhập trung bình của người lao động được khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hằng tháng, phần còn lại đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp.
Trong số gần 3.000 người được khảo sát, chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống, còn lại (hơn 75%) cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chưa đáp ứng được một nửa nhu cầu sống.
Chỉ có hơn 8% người lao động có dư, tích lũy từ tiền lương và thu nhập; hơn 11% không thể đủ sống nên phải làm thêm việc ngoài doanh nghiệp để bù đắp thu nhập.
Đặc biệt, có hơn 17% người lao động phải thường xuyên vay nợ, dẫn đến 3% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và gần một nửa số người lao động vay nợ rơi vào tình trạng lo lắng bất an.
Tiền lương cũng là nguyên nhân chính khiến hơn 17% người lao động không thể trực tiếp nuôi và chăm sóc con cái dưới 18 tuổi (phải gửi người thân chăm sóc ở quê nhà); chỉ có gần 38% người lao động có tiền lương đủ để đảm bảo 100% nhu cầu sống và học tập của con.
Cũng theo khảo sát, chỉ hơn 26% người lao động được khảo sát có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày. Người lao động ở vùng 1 phải bỏ ra một khoản tiền trung bình là 1,8 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà (bao gồm cả điện nước), chiếm gần 24% tiền lương và gần 18% thu nhập hằng tháng của người lao động.
Theo quy định, để mức tiền lương tối thiểu vùng được thông qua và gửi khuyến nghị lên Chính phủ xem xét cho áp dụng, phải được đa số thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia bỏ phiếu thông qua. Tại các phiên họp của hội đồng, từng thành viên hội đồng đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động, chuyên gia độc lập sẽ đưa ra các mức đề xuất để cùng thoả luận, thống nhất trước khi bỏ phiếu để biểu quyết.
Tiền phong