MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lượt tàu qua lại giảm gần 1,5 lần nhưng kênh đào chiếm 5% thương mại đường biển toàn cầu vẫn ‘kiếm tiền như nước’: Nguồn thu đến từ đâu?

21-03-2024 - 20:20 PM | Tài chính quốc tế

Lượt tàu qua lại giảm gần 1,5 lần nhưng kênh đào chiếm 5% thương mại đường biển toàn cầu vẫn ‘kiếm tiền như nước’: Nguồn thu đến từ đâu?

Tình trạng thiếu nước buộc chính quyền quản lý kênh đào Panama phải giảm lưu lượng tàu qua lại và nâng phí thông hành để đảm bảo doanh thu.

Mực nước thấp đã buộc các quan chức phải cắt giảm số lượng tàu được phép đi qua kênh đào Panama, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy chi phí vận chuyển lên cao.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lưu lượng tàu sụt giảm – ít nhất là cho đến nay – không gây ra khủng hoảng tài chính cho kênh đào.

Lý do là vì chính quyền kênh đào đã tăng mạnh phí qua kênh trước khi kênh đào Panama bước vào một trong những đợt khô hạn nhất trong thế kỷ. Ngoài ra, các công ty vận tải biển sẵn sàng trả số tiền lớn trong các cuộc đấu giá đặc biệt để nhận chỗ trong bối cảnh số lượt tàu thông hành bị cắt giảm.

Trong 12 tháng tính đến tháng 9 năm ngoái, doanh thu của kênh đã tăng 15%, lên gần 5 tỷ USD, mặc dù trọng tải vận chuyển qua kênh giảm 1,5%.

Cơ quan quản lý kênh đào Panama từ chối tiết lộ họ kiếm được bao nhiêu tiền từ các cuộc đấu giá. Tại một hội nghị hàng hải diễn ra vào tuần trước ở Stamford, Conn., phó quản lý kênh đào Ilya Espino de Marotta cho biết số tiền thu được từ đấu giá lên tới 4 triệu USD cho mỗi chuyến tàu vào năm ngoái cũng góp phần vào doanh thu của kênh.

Nhưng ngay cả bây giờ, khi vận chuyển toàn cầu trầm lắng hơn, phí đấu giá có thể nhiều gấp đôi chi phí sử dụng kênh đào. Trong tháng này, Avance Gas, công ty vận chuyển khí dầu mỏ hóa lỏng, đã bỏ 401.000 USD để đấu giá và 400.000 USD cho phí thông hành, giám đốc điều hành của công ty là Oystein Kalleklev cho biết. Phí đấu giá cuối cùng sẽ do công ty có hàng hóa được vận chuyển chịu.

Sự ổn định tài chính của kênh đào trong bối cảnh thiếu nước trầm trọng cho thấy những người quản lý các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang thích ứng như thế nào khi biến đổi khí hậu làm gián đoạn hoạt động của huyết mạch hàng hải chiếm khoảng 5% thương mại đường biển toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu tình trạng chậm trễ tiếp tục diễn ra và chi phí tiếp tục tăng cao, các công ty vận tải biển có thể tìm cách tránh kênh đào. Năm ngoái, khi kênh đào bị ùn tắc, các tàu muốn đi từ châu Á đến Bờ Đông Hoa Kỳ đã bắt đầu đi qua kênh đào Suez, khiến hành trình kéo dài và tốn nhiều nhiên liệu hơn.

Mặc dù Panama là một trong những quốc gia ẩm ướt nhất thế giới, lượng mưa giảm mạnh vào năm ngoái đã làm mất đi lượng nước cần thiết cho kênh đào để nâng và hạ tàu thuyền ra vào tuyến đường dài 40 dặm giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Các chuyên gia khí hậu cho rằng tình trạng thiếu nước có thể trở nên phổ biến hơn.

Hiện tượng El Niño gây ra tình trạng nóng và khô hơn ở Panama, và các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu có thể khiến những đợt khô hạn kéo dài. Theo cơ quan quản lý kênh đào, năm ngoái, lượng mưa ở lưu vực kênh đào Panama là 1,85 mét, thấp hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử hàng năm là 2,6 mét.

Để tiết kiệm nước, chính quyền đã giảm dần số lượt qua lại từ mức bình thường 36-38 tàu mỗi ngày xuống còn 22 vào tháng 12. Nhưng lượng mưa cao hơn dự kiến ​​và các biện pháp đối lưu nước của kênh đã giúp nâng con số này lên 27 lượt tàu qua lại mỗi ngày. Các nhà phân tích cho biết, mặc dù số lượt qua lại vẫn dưới mức bình thường nhưng tình hình tài chính của kênh đào vẫn khá ổn định.

Verónica Améndola, nhà phân tích của S&P Global Ratings, kỳ vọng rằng doanh thu của kênh đào trong 12 tháng tính đến tháng 9 tới sẽ gần bằng một năm trước đó, chủ yếu là do phí kênh tăng. S&P Global ước tính chi phí vận chuyển qua kênh đào sẽ tăng từ mức 6 USD/tấn lên 10 USD/tấn.

Cơ quan quản lý kênh đào dự kiến ​​sẽ nộp cho chính phủ Panama 2,47 tỷ USD trong năm nay, giảm nhẹ so với mức kỷ lục 2,54 tỷ USD vào năm ngoái.

Theo NYT

Yến Nguyễn

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên