MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do Ấn Độ “ngoảnh mặt” với vũ khí Nga , chuyển hướng sang phương Tây

29-01-2024 - 20:33 PM | Tài chính quốc tế

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trước cuộc gặp ở Moscow, ngatỳ 27/12/2023. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trước cuộc gặp ở Moscow, ngatỳ 27/12/2023. Ảnh: Reuters

Các nguồn tin cho biết, Ấn Độ đang tìm cách chuyển hướng khỏi nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của nước này là Nga sau khi khả năng cung cấp đạn dược và phụ tùng của Moscow bị cản trở bởi cuộc xung đột ở Ukraine.

Ấn Độ chuyển hướng sang phương Tây

Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, đang “ngoảnh mặt” với vũ khí Nga và dần chuyển hướng sang phương Tây trong bối cảnh Mỹ tìm cách tăng cường quan hệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với hy vọng kiềm chế một Trung Quốc đang nổi lên bằng cách giúp New Delhi thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhà cung cấp truyền thống.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga cung cấp 65% tổng số vũ khí trị giá hơn 60 tỷ USD mà Ấn Độ đặt mua trong hai thập kỷ qua, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy nhanh động lực đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí của New Delhi.

Ông Nandan Unnikrishnan, chuyên gia về Nga tại tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation ở New Delhi, cho biết: “Chúng tôi khó có thể ký bất kỳ thỏa thuận quân sự lớn nào với Nga. Đó sẽ là ranh giới đỏ đối với Washington”.

Ấn Độ thay đổi quan điểm bất chấp những lời đề nghị của Mocow về việc cung cấp máy bay trực thăng Kamov tiên tiến nhất, máy bay chiến đấu Sukhoi, MiG, cũng như tăng cường hoạt động sản xuất chung ở Ấn Độ

Bộ ngoại giao và Quốc phòng của Ấn Độ và Nga hiện chưa bình luận về thông tin trên.

Theo các chuyên gia và quan chức cho biết, Nga đã kêu gọi Ấn Độ tăng cường quan hệ quốc phòng, nhưng Thủ tướng Narendra Modi quyết định chuyển trọng tâm sang sản xuất trong nước với công nghệ phương Tây.

Những nỗ lực như vậy sẽ phù hợp hơn với chương trình "Sản xuất tại Ấn Độ" (Make in India) của Thủ tướng Modi nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, khi ông đang nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết nước này dự kiến sẽ chi gần 100 tỷ USD cho các đơn đặt hàng quốc phòng trong thập kỷ tới.

Năm 2023, Ấn Độ và Mỹ đã ký một thỏa thuận với General Electric (GE.N), mở ra cơ chế mới trong lĩnh vực chế tạo động cơ ở Ấn Độ nhằm trang bị cho các chiến đấu cơ của nước này. Thời điểm đó, hai bên cũng công bố kế hoạch "tăng tốc" hợp tác công nghệ và sản xuất trong các lĩnh vực từ tác chiến trên không đến tình báo.

Mối lo khiến Ấn Độ phải đa dạng hóa nguồn cung

Ấn Độ phải duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ với Nga, với tư cách là nước mua vũ khí nhiều nhất của Moscow và kể từ năm 2022 là một trong những khách hàng lớn nhất mua dầu Nga. Việc dừng hoạt động thương mại như vậy có thể đẩy Moscow đến gần hơn với Bắc Kinh.

“Việc mua vũ khí giúp Ấn Độ có được ảnh hưởng với Nga. Nếu dừng làm điều đó, họ sẽ ngả về phía Trung Quốc”, một quan chức an ninh Ấn Độ đã nghỉ hưu nói.

Nhà phân tích Unnikrishnan cho rằng, việc duy trì thương mại với Nga trong lĩnh vực năng lượng và các lĩnh vực khác sẽ giúp “giữ Nga càng xa Trung Quốc càng tốt”.

Các quan chức cho biết, hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga đã ổn định trở lại sau thời gian gián đoạn ban đầu khi Moscow mới phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Sự gián đoạn khi đó đã khiến Ấn Độ lo ngại về khả năng cung cấp vũ khí đúng hạn theo các hợp đồng đã ký kết và nhưng những lo ngại này cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn tan biến.

Ông Swasti Rao, chuyên gia về Á-Âu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar cho hay: “Khi xung đột Nga-Ukraine kéo dài, điều này đặt ra câu hỏi liệu Nga có thể cung cấp cho chúng tôi phụ tùng thay thế hay không. Mối lo ngại đó đã thúc đẩy sự đa dạng hóa”.

Các nguồn tin cho biết, Ấn Độ đang quan tâm tới các máy bay của Pháp cho tàu sân bay mới nhất và muốn chế tạo tàu ngầm theo công nghệ của Pháp, Đức hoặc Tây Ban Nha cũng như máy bay chiến đấu với động cơ của Mỹ và Pháp.

“Ấn Độ sẽ tiếp tục chính sách đa liên kết nhằm cân bằng mối quan hệ với Nga và với phương Tây, nhưng đó sẽ không phải là sự chia đều”, ông Rao nói.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã thúc đẩy Ấn Độ ký thêm nhiều thỏa thuận quốc phòng nhân chuyến thăm Moscow của Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar vào ngày 27/12/2023.

Ông Lavrov cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp Jaishankar về triển vọng hợp tác quân sự và kỹ thuật, bao gồm cả việc cùng sản xuất vũ khí, đồng thời cho biết thêm, Nga sẵn sàng hỗ trợ mục tiêu tăng cường sản xuất trong nước của Ấn Độ.

Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đáp lại rằng, mối quan hệ giữ 2 nước rất bền chặt, với thương mại hai chiều ở mức kỷ lục nhờ các thỏa thuận về năng lượng, phân bón và than cốc, nhưng không đề cập đến quốc phòng.

Năm 2015, Nga và Ấn Độ ký thỏa thuận theo đó mở ra cơ hội mới cho 2 quốc gia cùng sản xuất máy bay trực thăng Kamov Ka-226T ở Ấn Độ, trong đó 200 chiếc sẽ được cung cấp cho lực lượng phòng thủ của nước này. Tuy nhiên, từ đó tới nay, thỏa thuận không đạt tiến triển nào.

Thay vào đó, vào năm 2022, Ấn Độ bắt đầu đưa vào sử dụng trực thăng chiến đấu do Hindustan Aeronautics Ltd (HIAE.NS) sản xuất.

Các loại vũ khí, từ xe tăng cho đến tàu sân bay và hệ thống tên lửa đất đối không có nguồn gốc Liên Xô hoặc Nga, chiếm hơn 60% khí tài quân sự của Ấn Độ.

Ấn Độ sẽ cần phụ tùng thay thế của Nga để bảo trì và sửa chữa trong gần hai thập kỷ. Moscow và New Delhi cũng cùng nhau chế tạo tên lửa hành trình BrahMos và có kế hoạch sản xuất súng trường AK-203 ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, các vấn đề xảy ra khi một quan chức Không quân Ấn Độ năm 2023 nói rằng, Nga đã thực hiện đúng cam kết cung cấp một nền tảng vũ khí quan trọng cho Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Nga đã chậm hơn 1 năm trong việc giao các bộ phận của hệ thống phòng không mà Ấn Độ mua vào năm 2018 với giá 5,5 tỷ USD.

Theo Hoàng Phạm

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên