Lý do bất ngờ khiến Trung Đông căng như dây đàn: Những chiếc F-35 của Mỹ
Kể từ năm 2015 đến nay, không có cuộc thảo luận nào về đổi thay chính trị và kinh tế lớn trên thế giới không đề cập đến F-35 Joint Strike Fighter, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ.
- 10-04-2019Xác chiếc F-35 mất tích sẽ là mỏ vàng cho Nga và Trung Quốc, một "cuộc chiến" ngầm sẽ nổ ra dưới lòng biển?
- 04-02-2017Lockheed Martin giảm chi phí sản xuất F-35 theo yêu cầu Tổng thống Trump
Điều đó càng trở nên rõ ràng hơn trong tuần này sau tuyên bố có phần táo tợn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm đáp trả các động thái bị cáo buộc là thái khiêu khích của Iran ở Vinh Ba Tư và các mối đe dọa khác từ Tehran. Đứng trước một chiếc F-35 nằm tại Căn cứ Không quân Israel, ông Netanyahu phải nén cười khi nói rằng Israel có thể xâm nhập Iran nhưng Tehran không thể làm điều ngược lại.
Nhà lãnh đạo Israel không đề cập đến cụm từ "không bị phát hiện bởi radar" nhưng mọi thứ đều cho thấy điều đó.
Trong 4 năm qua, những chiếc F-35, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ, đã làm thay đổi đáng kể tình hình Trung Đông. Bạn không cần là một thiên tài quân sự để biết rằng một chiếc tiêm kích phản lực siêu thanh có thể hoạt động mà hoàn toàn không bị phát hiện bởi radar trong hàng trăm dặm sẽ tạo ra những khác biệt khủng khiếp ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Tuy nhiên, những tác động vốn đã mạnh mẽ của F-35 ở Trung Đông được nhân lên nhiều lần trong những tháng trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Đó là một năm trước khi Mỹ đưa F-35 vào hoạt động và bán nó cho các đồng minh trên toàn thế giới.
Cuối mùa hè năm 2015, xuất hiện thông tin trên truyền thông Israel cho biết nước này đã làm việc với nguyên mẫu F-35 và tăng gấp đôi khả năng chiến đấu và tàng hình của nó. Bất cứ ai cũng hiểu rằng việc mở rộng phạm vi chiến đấu của F-35 sẽ cho phép Không quân Israel tiếp cận thủ đô Tehran của Iran và quay trở về mà không bị phát hiện. Ngoài ra, nó còn không cần tiếp nhiên liệu nhờ ở các căn cứ không quân Mỹ đặt ở Saudi Arabia hay Iraq.
Một cách đột ngột, ưu thế trên không của Mỹ và Israel trong khu vực tăng lên một cấp độ mới. Saudi Arabia cũng đã bắt đầu quá trình hợp tác nhiều hơn với Israel về các vấn đề quốc phòng và an ninh trong một thời gian dài. Tuy nhiên, việc cho máy bay Israel hạ cánh và tiếp nhiên liệu trên sân bay của một nước Ả rập là vấn đề khá nghiêm trọng trong năm 2015.
Hợp tác quân sự chỉ là cách đưa Saudi Arabia và Israel đến gần nhau hơn. Đó là hai quốc gia cùng có một kẻ thù chung chính là Iran. Lúc này, Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo đang được đề nghị đổi hàng tỷ USD lấy việc dừng phát triển chương trình hạt nhân gây tranh cãi mà họ theo đuổi. Tuy nhiên, sự hiện diện của F-35 với khả năng chiến đấu và tàng hình được mở rộng dường như là thứ gì đó hữu hình hơn những lời hứa mà phương Tây đưa ra.
Với Saudi Arabia, những biến đổi trong tình hình mới cũng giúp Vua Salman dễ dàng hơn trong việc củng cố quyền lực và đưa con trai Mohammed bin Salman lên làm Thái tử. Không lãng phí thời gian, Mohammed đã tăng cường quan hệ quân sự với Israel và Mỹ ngay khi trở thành người kế vị. Thậm chí, một số báo cáo chưa được xác định cho rằng Mohammed tới thăm Isreal trong một chuyến thăm bí mật tháng 9/2017.
Đó chưa phải là tất cả từ F-35. Tháng 7/2018, một tờ báo của Kuwait dẫn nguồn tin cho biết Israel đã thực hiện một vụ thử nghiệm táo bạo, đưa 3 chiếc F-35 bay tới Tehran và trở về từ một căn cứ không quân gần Tel Aviv. Mặc dù không bao giờ được chứng thực nhưng một số lượng lớn các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị trong khu vực tin vào câu chuyện. Mối đe dọa được đồn đại từ lâu liên quan đến những chiếc F-35 ngày càng trở nên nguy hiểm hơn với Iran.
Đầu tháng này, cũng chính tờ báo của Kuwait cũng nói rằng giới lãnh đạo quân sự Iran rất hoảng loạn về vụ do thám của Israel. Thậm chí, người ta còn cố không để thông tin lọt tới tai Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei. Tuy nhiên, khi ông Khamenei biết về vụ việc, không chỉ Tư lệnh Không quân Iran mà còn cả Chỉ huy lâu năm của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đều bị sa thải. Đó là một tác động khủng khiếp mà không cần bắn một viên đạn nào.
Gần đây, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 tối tân của Nga bất chấp áp lực từ Mỹ và phương Tây. Ngay sau quyết định này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cấm bán F-35 cho quốc gia này để trừng phạt. Đối với các nước láng giềng trong khu vực, vốn sợ hãi và tôn sùng F-35, điều này dường như là một lựa chọn sai lầm.
Những đồn đoán về F-35 đã khiến cổ phiếu của Lockheed Martin tăng 75% kể từ thời điểm thông tin Israel đang nâng cấp khả năng tàng hình và chiến đấu của chiếc máy bay được tung ra. Hiện tại, chương trình F-35 vẫn là dự án quốc phòng đắt nhất lịch sử nước Mỹ và vấp phải sự chỉ trích kéo dài về những khoản chi phí đó.
Tuy nhiên, nếu những gì đã đề cập là đúng, giá trị mà chiếc máy bay này mang lại có thể vô cùng lớn cho nước Mỹ.