Lý do các hộ gia đình Mỹ "rủng rỉnh" túi tiền nhưng vẫn không dám tiêu
Tình trạng mọi thứ tăng giá đang khiến các khoản thu nhập của hộ gia đình Mỹ bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, khả năng tài chính của người dân Mỹ nhìn chung vẫn vững chắc như trong nhiều thập kỷ qua, nhờ số tiền tiết kiệm được trong thời kỳ đại dịch, nợ được thanh toán hết trong thập kỷ qua và thị trường việc làm mạnh mẽ.
Hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ gắn liền với chi tiêu hộ gia đình. Trong khi đó, các cuộc suy thoái trước đây thường diễn ra trong bối cản chi tiêu hộ gia đình sụt giảm. Sức mua đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch nhưng nay đang dần giảm sút.
Năm qua, Alexandra Peña (27 tuổi), sống tại Brooklyn (New York), đã nghĩ: "Chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều tiền". Chị dự tính chị và chồng đã tiết kiệm được 21.000 USD từ những buổi hẹn hò bị hủy và tuần trăng mật bị hoãn lại, cùng với đó là những khoản hỗ trợ chính phủ và có một công việc được trả lương cao hơn. Họ đã dùng một khoản tiền trong đó để mua chiếc xe đạp tập thể dục của Peloton.
Gia đình Peña.
Tuy nhiên, gần đây, "bão giá" đã thay đổi quan điểm của họ. Peña cho biết, do chi phí tăng cao, nên chị buộc phải cắt giảm chi tiêu cho những việc không thiết yếu như mua quần áo mới, chăm sóc móng và cắt tóc, đồng thời hạn chế đi ăn ngoài. Vào tháng 2, Peña và chồng tìm mua căn nhà đầu tiên, nhưng họ lại hoãn kế hoạch vì danh mục đầu tư cổ phiếu sụt giảm và lãi suất tăng.
Peña nói: "Tôi nhìn vào các hóa đơn sau khi đến cửa hàng tạp hóa và tự hỏi rằng kẻ nào đã lấy cắp thẻ tín dụng của mình."
Việc người tiêu dùng ngại chi tiêu sẽ là một yếu tố tác động lớn đến nền kinh tế. Hoạt động chi tiêu đã tăng vọt vào năm 2021. Cuối năm ngoái, các khoản chi tiêu của hộ gia đình cho ô tô, đi ăn nhà hàng, quần áo, các hàng hóa và dịch vụ khác đã tăng gần 7% so với 1 năm trước đó. Còn từ giữa tháng 3 đến tháng 5, tốc độ đã giảm xuống 2%, thấp hơn 1 chút so với mức trung bình của 2 thập kỷ trước.
Đối với một số người, ảnh hưởng của đại dịch chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. 2 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng này bắt đầu, khả năng tài chính của các hộ gia đình Mỹ đã trở nên vững chắc hơn. Vào cuối tháng 3, các hộ gia đình có 18,5 nghìn tỷ USD tiền gửi, tiết kiệm và tài khoản thị trường tiền tệ (MMA), cao hơn mức 5 nghìn tỷ USD trước khi đại dịch bắt đầu.
Dự trữ tiền mặt cũng tăng đối với các nhóm thu nhập. JPMorgan – theo dõi 7,5 triệu tài khoản họ đang quản lý, nhận thấy số dư tài khoản đạt gần 1.400 USD đối với nhóm khách hàng có thu nhập thấp nhất trong quý I, tăng từ dưới 900 USD trước đại dịch. Còn ở tài khoản của nhóm có thu nhập cao nhất, số dư tăng từ dưới 5.500 USD lên 7.000 USD.
Số dư trung bình trong tài khoản của các nhóm thu nhập theo khảo sát của JPMorgan.
Nhiều người Mỹ đã sử dụng khoản tiền hỗ trợ liên bang để trả nợ, theo các cuộc khảo sát của Fed New York. Nghĩa vụ tài chính của các hộ gia đình - bao gồm tiền thuê nhà hàng tháng, các khoản thế chấp, thuê ô tô, bảo hiểm cho chủ nhà và các hóa đơn định kỳ khác, chiếm 14% thu nhập khả dụng trong quý I.
Tỷ lệ trên thuộc mức thấp trong lịch sử. Trong giai đoạn suy thoái của các năm 1991, 2001 và 2007, con số này là 17-18%, có nghĩa là thu nhập của các hộ gia đình thấp hơn sau khi chi trả các khoản thanh toán thường xuyên. Khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu để thanh toán hóa đơn. Mức chênh lệnh giữa thời điểm hiện tại và giai đoạn trên là từ 3-4 điểm phần trăm, tương đương 550 – 725 triệu USD thu nhập hàng năm mà các hộ gia đình có thể tiết kiệm hoặc chi tiêu.
Đến khi Phố Wall bước vào thị trường giá xuống trong quý II, tài sản hộ gia đình vẫn rất vững chắc. Giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình cao gấp 8 lần thu nhập khả dụng vào cuối quý I, cao hơn mức 6,7 ở thời điểm thị trường nhà ở bùng nổ vào những năm 2000 và 6,2 khi xảy ra bong bóng công nghệ những năm 1990, theo Fed.
John Lawler – CFO của Ford Motor Co., cho biết: "Nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm của chúng tôi tiếp tục tăng mạnh. Số lượng đơn đặt hàng vẫn rất lớn. 300.000 đơn cũng đủ để vượt quá khả năng sản xuất của ô tô."
Tuần trước, các giám đốc điều hành của Levi Strauss & Co. cho biết họ nhận thấy nhu cầu đối với các thương hiệu có giá phải chăng hơn đang ở mức vừa phải, dù sức mua nhìn chung vẫn là mạnh mẽ. Doanh thu của Levi’s trong quý II tăng 15% so với 1 năm trước đó. Công ty cho biết các hộ gia đình đã chuyển từ mua sắm online sang mua trực tiếp tại các cửa hàng.
Tại Austin (Texas), Nycole và Brady Walsh gần đây đã thay đổi kế hoạch chi tiêu. Ở thập kỷ trước, mọi thứ không hề dễ dàng với gia đình này. Nycole (40 tuổi) tốt nghiệp một trường đào tạo điều dưỡng vào năm 2008 với khoản nợ sinh viên 40.000 USD và nền kinh tế suy thoái sâu sắc. Cô buộc phải giảm quy mô tổ chức đám cưới khi mẹ cô mất việc và việc bán nhà cũng lỗ.
Sau 1 thập kỷ cẩn thận lên kế hoạch chi tiêu và một số yếu tố may mắn, điều kiện tài chính của Nycole đã được cải thiện. Cô và chồng đã mua một căn nhà khác ở Austin và trả hết khoản nợ sinh viên.
Gia đình Walsh.
Trước năm 2020, họ thường đến Disney World ở Florida và Disneyland ở California mỗi năm 1 lần. Sau đó, họ hủy bỏ mọi kế hoạch vì Covid-19. Gia đình này đã quay trở lại Disney World vào tháng 5 và đặt thêm một chuyến đi khác đến Disneyland.
Tuy nhiên, chuyến đi mới nhất lại có sự thay đổi nhẹ. Điều này phản ánh thay đổi trong lối chi tiêu của họ. Khi giá cả mọi thứ tăng cao, gia đình này đang cắt giảm số tiền họ chi cho những món quà lưu niệm hình chuột Mickey cho 2 con. Họ cũng hạn chế gọi cocktail ở bể bơi.
Nycole chia sẻ: "Là một phụ huynh thuộc thế hệ Y, tôi cho rằng chúng tôi đã quá quen với việc mọi thứ trở nên khó khăn ở một thời điểm nào đó. Chúng tôi đã trải qua cuộc khủng hoảng Covid-19 và suy thoái, và cả một cuộc tấn công khủng bố."
Tâm lý người tiêu dùng là yếu tố tạo nên quyết định chi tiêu và người tiêu dùng Mỹ đang căng thẳng hơn dù túi tiền vẫn "rủng rỉnh".
Đại học Michigan – đã thực hiện các cuộc khảo sát về hộ gia đình trong nhiều thập kỷ về quan điểm của họ với chi tiêu, lạm phát và nền kinh tế, nhận thấy tâm lý người tiêu dùng đang bi quan hơn nhiều. Chỉ số theo dõi tâm lý người tiêu dùng của ĐH Michigan ở quý II thấp tương đương cuộc suy thoái 2007-2009. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp là 10% ở giai đoạn trên, trong khi tháng 6 vừa qua là 3,6%.
Đây là một yếu tố đáng chú ý vì một cuộc khảo sát khác của Conference Board cho thấy tỷ lệ các hộ gia đình cho rằng cơ hội việc làm đã tăng cao trong nhiều thập kỷ. Do đó, ở trường hợp này, không phải thiếu việc làm, mà chính lạm phát mới là điều khiến các hộ gia đình lo lắng.
Theo cuộc khảo sát của ĐH Michigan, nhiều hộ gia đình cho rằng đây là thời điểm không thích hợp để mua sắm, đặc biệt là với các loại hàng hóa giá trị cao như ô tô và thiết bị gia dụng, thậm chí còn tồi tệ hơn cả thời kỳ suy thoái năm 2001 hoặc 2007-2009.
Các nhà kinh tế cho biết triển vọng chi tiêu của người tiêu dùng phụ thuộc nhiều vào việc liệu cơn "bão giá" có hạ nhiệt hay không. Dù cơ hội việc làm vẫn dồi dào và tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, nhưng nhiều người Mỹ cho biết chi phí sinh hoạt đang tăng nhanh hơn thu nhập.
Giá cả mọi thứ tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến số tiền mà các hộ gia đình tiết kiệm được trong thời kỳ đại dịch. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, mức lương hàng tuần của người lao động vào tháng 6 giảm 4,4% so với trước đó – thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2008.
Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy bế tắc khi lạm phát tăng cao như hiện tại.
Gia đình Wilson.
Amy Wilson – chủ doanh nghiệp nhỏ ở New Orleans và là mẹ của 3 cậu con trai, chia sẻ cô cảm thấy chán nản về triển vọng tài chính của gia đình mình cũng như nước Mỹ. Cô nói: "Tôi như đang ở trong một cái hố và không tìm ra lối thoát."
Chồng của Amy là Joel – một nhạc sĩ, đã mất hợp đồng biểu diễn tại đám cưới và nhà thờ khi đại dịch xảy ra. Doanh nghiệp của Amy – cung cấp dịch vụ tiền sản và hỗ trợ những người mới làm mẹ, cũng bị ảnh hưởng. Những khoản tiền kích thích, hỗ trợ thất nghiệp và tiền tiết kiệm đã giúp gia đình này trụ vững.
Khi nước Mỹ mở cửa trở lại vào năm 2021, Joel đã quay trở lại làm việc và công việc kinh doanh của Amy cũng thuận buồm xuôi gió hơn. Sau đó, 2 vợ chồng đã liên hẹ với một ngân hàng để tìm hiểu xem liệu họ có được phê duyệt khoản vay mua nhà hay không.
Tuy nhiên, vài tháng qua, mọi chi phí đều tăng giá. Ngoài xăng và thực phẩm, họ cũng phải trả nhiều tiền hơn cho hóa đơn điện, bảo hiểm ô tô và hệ thống giám sát an ninh. Họ đã hủy bỏ kế hoạch đăng ký lớp học nhạc cho con trai vào mùa hè và trì hoãn kế hoạch tìm nhà.
Amy cho hay: "Thực sự, tôi cảm thấy lo sợ." Toàn bộ khoản tiền mà gia đình cô tiết kiệm để đã được sử dụng để chi trả chi phí sinh hoạt tăng cao. Amy ước tính, chi phí cơ bản của họ đã tăng 1.000 USD/tháng kể từ tháng 3.
Tham khảo WSJ