Lý do doanh nghiệp cắt giảm lượng lớn lao động khi Tết cận kề
Lãnh đạo Công ty TNHH Tỷ Hùng cho biết, cắt giảm 1.200 lao động vào đầu tháng 12/2022 là quyết định rất khó khăn của công ty, “cực chẳng đã” công ty mới phải làm như vậy vì không có đơn hàng, không thể tiếp tục duy trì việc làm cho người lao động.
- 20-12-20225 chính sách lao động - tiền lương, BHXH có hiệu lực từ tháng 1-2023
- 20-12-2022Gỡ khó cho thị trường lao động – Cách nào?
- 19-12-2022Hơn 2.600 tỷ đồng hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động nghèo
Ngày 21/12, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM). Đây là doanh nghiệp cắt giảm 2/3 lao động (1.200/1.800 người) do không có đơn hàng sản xuất.
Bà Phạm Thị Út - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tỷ Hùng - cho biết, đơn hàng giày da của công ty chủ yếu từ châu Âu. Những tháng cuối năm 2022, đơn hàng giảm tới 70 - 80%, chỉ còn những đơn hàng nhỏ lẻ.
Bà Phạm Thị Út - Phó Tổng Giám đốc - chia sẻ với đoàn công tác
Theo bà Út, Công ty Tỷ Hùng có công ty mẹ ở Đài Loan. Tại Việt Nam, công ty có 3 nhà máy ở TPHCM, Bến Tre và Đồng Tháp. Trung bình nhà máy tại TPHCM nhận làm 200.000 - 250.000 đôi giày/tháng, nhưng đến tháng 9/2022 chỉ còn từ 75.000 - 80.000 đôi nên không thể cầm cự.
“Công ty xem công nhân là tài sản vô giá, công ty khó khăn lắm mới quyết định cho 1.200 công nhân nghỉ việc và cố gắng chi trả trợ cấp theo quy định. Hiện tại còn 658 người làm việc ở các chuyền nhỏ, khâu khai thác mẫu, văn phòng” - bà Út nói.
Bà Lê Thị Kiều Phượng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM - cho hay, trung tâm đã phối hợp Công ty Tỷ Hùng trong ngày trả sổ bảo hiểm xã hội cho công nhân, cử cán bộ đến tiếp cận tư vấn việc làm và dạy nghề.
Xóm trọ công nhân Công ty Tỷ Hùng buồn tênh vì mất việc cuối năm (ảnh minh họa).
Kết quả có 208 người có nhu cầu tìm việc, 628 người chưa có nhu cầu. “Một số người lao động muốn về quê ăn Tết rồi mới lên xin việc. Trung tâm cũng in tờ rơi có thông tin của trung tâm để khi người lao động về tỉnh quay lại TPHCM có thể tìm đến để kết nối, tìm việc nhanh chóng ổn định cuộc sống” - bà Phượng thông tin.
Cùng ngày, Đoàn cũng làm việc với Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (quận Tân Phú). Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc nhân sự Công ty Thành Công - cho biết, hiện nay công ty chỉ hoạt động 85% năng lực, công nhân chỉ làm 8 giờ/ngày và không tăng ca.
“Dự báo năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn, công ty sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành lao động và chưa có chủ trương tuyển thêm lao động", ông Tuấn nói và cho hay, năm nay công ty thưởng Tết 1 triệu đồng/người, thưởng cuối năm hệ số trung bình là 1,7 tháng lương thu nhập (trung bình là 11 triệu đồng/ tháng).
Dù cũng trong tình trạng khó khăn về đơn hàng nhưng Công ty Thành Công vẫn duy trì hơn 6.000 lao động có việc làm ổn định.
Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH
Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - chia sẻ về tình hình khó khăn của các doanh nghiệp cũng như đánh giá cao việc giải quyết chế độ cho người lao động.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhìn nhận, quý IV/2022, đơn hàng giảm sút do nguyên nhân khách quan dẫn đến việc nhà máy phải thu hẹp sản xuất. Theo tìm hiểu, nếu đơn hàng da giày, dệt may trước kia đặt trước cả 6 tháng, thì nay chỉ 1 - 2 tháng.
“Dự báo năm 2023 cực kỳ khó khăn. Do đó chúng tôi đến các công ty để xem xét tình hình, trên cơ sở đó đề xuất những chính sách cho doanh nghiệp, người lao động. Đây là mục tiêu chung của đoàn khi đi khảo sát việc này. Hiện Bộ Công Thương đang đẩy mạnh việc xúc tiến thị trường nước ngoài, tổ chức các buổi triển lãm giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xúc tiến thương mại… Ngoài ra các doanh nghiệp cần tăng cường thị trường nội địa để duy trì đơn hàng, việc làm cho lao động khi xuất khẩu gặp khó khăn” - ông Thanh lưu ý.
Tiền phong