MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do gì khiến Vinaconex 3 chi 200 tỷ để mua một doanh nghiệp thua lỗ triền miên với giá 35.000 đồng/cp?

21-09-2016 - 08:49 AM | Doanh nghiệp

Ẩn số của thương vụ này dường như gói gọn trong 2 chữ "đất vàng".

Mới đây, CTCP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3 - VC3) đã công bố nghị quyết đầu tư vào CTCP Vật liệu xây dựng Hà Nội (CMC Hà Nội).

Cụ thể, VC3 dự kiến đầu tư tối đa 5,7 triệu cổ phiếu, chiếm 95% vốn điều lệ CMC Hà Nội với mức giá tối đa 35.000đ/cp (xấp xỉ 65% giá cổ phần CMC theo phương pháp NAV), tương ứng tổng số tiền đầu từ 199,5 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 12/9/2016, CMC Hà Nội vừa hoàn tất đợt phát hành 5 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ công ty từ 10 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng trong tháng 9/2016. Khi đó, 5 cá nhân (bao gồm ông Vũ Anh Tuấn, ông Nguyễn Thanh Bình, ông Nguyễn Đức Dũng, bà Lưu Hồng Huệ và bà Định Thị Hương Nhung) đã mua trọn lô cổ phiếu phát hành thêm của CMC Hà Nội với mức giá 10.000đ/cp và số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán.

Hiện tại, 5 cổ đông nêu trên nắm giữ 5,72 triệu cổ phiếu CMC Hà Nội, tương ứng 95,34% vốn điều lệ công ty. Như vậy, mặc dù VC3 thông báo việc mua cổ phần sẽ diễn ra từ tháng 9/2016 nhưng có lẽ phải chờ ít nhất 1 năm nữa, giao dịch này mới được hoàn tất.

CMC Hà Nội là món hàng “hot”?

Đầu năm 2016, cổ đông lớn nhất của CMC Hà Nội là Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã thoái toàn bộ 510 nghìn cổ phiếu, tương ứng 51% vốn điều lệ công ty (trước khi tăng vốn). Thời điểm đó, có tới 18 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần CMC Hà Nội với tổng khối lượng đặt mua là 2,55 triệu đơn vị, gấp 5 lần lượng chào bán.

Kết quả, có 3 nhà đầu tư cá nhân (ông Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Đức Dũng và bà Lưu Hồng Huệ) đã chi ra tổng cộng 38,25 tỷ đồng, tương đương 75.000đ/cp để nắm giữ 51% cổ phần CMC Hà Nội từ tay Hapro. Đáng chú ý, mức giá khởi điểm đấu giá Hapro đưa ra thấp hơn rất nhiều, chỉ là 23.100đ/cp.

Còn với VC3, doanh nghiệp này cũng dự kiến chi 35.000đ cho mỗi cổ phần CMC Hà Nội, đây là con số cao hơn đáng kể so với mức giá các cổ đông nội bộ đã mua vào cách đó ít ngày (10.000đ/cp). Rõ ràng, CMC Hà Nội đang là món hàng “hot” trên thị trường.

Vậy CMC Hà Nội có điều gì hấp dẫn?

Được thành lập từ năm 1954, CMC Hà Nội có chức năng kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất. Kết quả kinh doanh của CMC Hà Nội trong những năm qua không mấy tích cực khi doanh thu, lợi nhuận liên tục sụt giảm. Năm 2015, doanh nghiệp này lỗ 9,6 tỷ đồng và lỗ lũy kế tính tới 31/12/2015 là 38,21 tỷ đồng.

Mặc dù hoạt động kinh doanh có phần bết bát nhưng CMC Hà Nội lại có lợi thế khá lớn khi sở hữu lô đất có vị trí đắc địa, đó chính là trụ sở công ty tại 249 Thụy Khuê – Hà Nội.

Theo tìm hiểu, mặc dù đang khai thác khu đất “vàng” tại Thụy Khuê nhưng CMC Hà Nội từng dính vào những rắc rối về quyền sở hữu tại khu đất này khi mượn nhà của ông Nguyễn Văn Châu (cũng tại địa chỉ 249 Thụy Khuê) làm kho hàng nhưng không trả lại. Theo bản án được TAND Hà Nội đưa ra năm 2012, CMC Hà Nội phải trả lại cho gia đình ông Nguyễn Văn Châu 900 m2 đất trong tổng số 2.387 m2 tại 249 Thụy Khuê mà công ty sử dụng.


Khu đất vàng 294 Thụy Khuê

Khu đất "vàng" 294 Thụy Khuê

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên