Lý do hơn 1.100 công chức, viên chức Bình Dương xin thôi việc
Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tổng biên chế được giao của tỉnh là 24.722 người; trong đó, công chức: 1.780, viên chức: 22.942. Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/9/2023, số lượng công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc là 1.125 trường hợp; trong đó, viên chức sự nghiệp giáo dục có 675 trường hợp, y tế là 270 trường hợp.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Bình Dương, có nhiều lý do, trong đó, chính sách tiền lương là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Bởi thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của bản thân và gia đình, chưa tạo được động lực thúc đẩy phấn đấu, gắn bó lâu dài của công chức, viên chức .
Bình Dương là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao và quá trình đô thị hóa nhanh; thu hút rất đông lao động ngoài tỉnh và nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Khối lượng, yêu cầu công việc ngày càng cao, trong khi biên chế được giao thấp đã tạo áp lực lớn đối với đội ngũ công chức, viên chức.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Minh chia sẻ, Bình Dương giáp ranh với TPHCM với những áp lực tương đồng, song địa phương không có chính sách đặc thù nên lương vẫn bình thường như các tỉnh khác, do đó dẫn đến mức lương vẫn thấp.
Lãnh đạo Sở Nội vụ Bình Dương cho biết, mặc dù dân số đông, song biên chế so với các tỉnh lân cận có ít dân hơn như Tây Ninh, Bình Phước lại ít hơn từ 80 đến 100 nhân sự.
Ông Minh đưa ra một dẫn chứng để nhận diện áp lực của cán bộ: Một nam công chức mới vào làm lương dưới 5 triệu đồng/tháng. Trong trường hợp người vợ cũng là công chức, viên chức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, với thu nhập cả vợ và chồng được khoảng 10 triệu đồng/tháng, khó để trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học.
Ngoài ngành y tế và giáo dục ở Bình Dương chịu áp lực, nhiều lĩnh vực khác cũng chung cảnh ngộ. Đơn cử như ngành công an, cùng lúc, lực lượng vừa hỗ trợ thực hiện chính sách an sinh xã hội, làm căn cước công dân, vừa đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông… tuy nhiên nhân lực cũng chỉ có vậy.
Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đã có kiến nghị với cấp trên về phân bổ, tăng cường chỉ tiêu, song do quy định chung nên địa phương vẫn đang chờ đợi.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong , một số phường ở Bình Dương, như: Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa (TP. Thuận An); Thới Hòa (TX. Bến Cát); Phú Hòa (TP. Thủ Dầu Một)… mỗi phường có dân số tương đương một huyện. Đơn cử, theo thống kê năm 2021, huyện Bàu Bàng có 105.371 dân, trong khi phường Thuận Giao của thành phố Thuận An có tới 102.052. Dù vậy, cán bộ phường này chỉ bằng các phường khác, tạo áp lực trong công việc.
Để tháo gỡ được nút thắt trên, Bình Dương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm triển khai chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức; kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài vào cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, kiến nghị Trung ương rà soát, cân đối lại biên chế giữa các địa phương, nhất là những địa phương có dân số cơ học tăng nhanh, tốc độ phát triển kinh tế- xã hội cao như Bình Dương.
Từ ngày 21 đến 25/11/2023, Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ do bà Võ Thị Tuyết Thu – Phó Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ làm Trưởng đoàn làm việc với tỉnh Bình Dương về tình hình công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc.
Đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào 4 nội dung chính: Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm trong giải quyết công chức, viên chức nghỉ việc, bỏ việc và trong thi hành công vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Số lượng và đối tượng thôi việc, bỏ việc; Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc; Quy trình thủ tục giải quyết nghỉ việc, bỏ việc, cũng như các chính sách đối với công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc. Trên cơ sở kết quả kiểm tra trực tiếp, Đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo với Bộ Nội vụ và Chính phủ.
tienphong.vn