MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do Mỹ chưa trừng phạt nhằm vào “vũ khí” năng lượng của Nga

01-03-2022 - 14:35 PM | Tài chính quốc tế

Theo AP, có một lỗ hổng trong các biện pháp trừng phạt của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm vào Nga đó là dầu và khí đốt tự nhiên từ Moscow vẫn tiếp tục di chuyển tự do sang phần còn lại của thế giới và tiền vẫn sẽ đổ về nước này.

Lỗ hổng trong lệnh trừng phạt của Mỹ

Sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công vào Ukraine , Tổng thống Biden đã giữ quyết định chưa áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào quyền tiếp cận nguồn năng lượng của Nga. Ông Biden giải thích rằng điều này để “hạn chế thiệt hại của người dân Mỹ khi đi mua xăng”.

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp và nhà phân tích cho rằng việc Mỹ chưa trừng phạt ngành công nghiệp là trung tâm của nền kinh tế Nga sẽ làm cho các biện pháp trừng phạt bị hạn chế.

“Xuất khẩu năng lượng là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Các chính trị gia ở Mỹ và châu Âu đã lựa chọn bỏ qua một lĩnh vực thực sự mang tính quyết định trong lệnh trừng phạt. Tôi nghĩ rằng Nga thấy rõ những gì đang diễn ra và họ sẽ nghĩ rằng phương Tây thực sự chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến về vấn đề Ukraine”, nhà sử học Adam Tooze tại Đại học Columbia, chuyên gia về tài chính và chính trị châu Âu cho biết.

Tuần trước, nhà lãnh đạo Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các ngân hàng Nga và giới tinh hoa của nước này, đồng thời hạn chế xuất khẩu đối với Nga nhằm hạn chế khả năng tiếp cận xuất khẩu toàn cầu của nước này đối với mọi loại hàng hóa, từ đồ điện tử, máy tính đến chất bán dẫn và các bộ phận máy bay.

Ông Biden cho biết, các biện pháp trừng phạt được thiết kế để có tác động lâu dài đối với Nga và giảm thiểu tác động đối với Mỹ cùng các đồng minh.

Mỹ và các đồng minh châu Âu đã tăng cường các biện pháp trừng phạt khi công bố kế hoạch đóng băng dự trữ của ngân hàng trung ương Nga và chặn một số tổ chức tài chính nhất định khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT.

Tuy nhiên, các quy tắc do Bộ Tài chính ban hành cho phép các giao dịch năng lượng của Nga tiếp tục được thực hiện tại các ngân hàng không chịu lệnh trừng phạt không có trụ sở tại Mỹ. Giới chức nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn chưa thực sự tác động tới thị trường dầu mỏ và khí đốt của Nga, cho rằng biện pháp trừng phạt nhằm giảm thiểu bất kỳ sự gián đoạn nào đối với thị trường năng lượng toàn cầu.

Tình hình lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua và được thúc đẩy phần lớn bởi giá xăng. Điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng về mặt chính trị cho Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2022.

Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng việc chưa áp đặt lệnh trừng phạt với ngành năng lượng của Nga bởi điều này sẽ giúp bảo vệ các gia đình và doanh nghiệp Mỹ khỏi mức giá nhiên liệu cao hơn.

“Gói trừng phạt của chúng tôi được thiết kế đặc biệt để cho phép tiếp tục thanh toán năng lượng”, ông Biden nói.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Pat Toomey cho biết, ông lo ngại biện pháp trừng phạt “không đủ sức răn đe và Nga vẫn sẽ tiếp tục làm điều họ đang làm”.

“Chính quyền Mỹ đang bỏ qua ngành công nghiệp lớn nhất trong nền kinh tế Nga. Các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng Nga có thể không cô lập hệ thống tài chính Nga khỏi hoạt động quốc tế. Đó là lý do tại sao Mỹ nên áp đặt các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu khí của Nga”, ông Toomey nói.

“Vũ khí” năng lượng của Nga

Tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng cần xem xét mong muốn của các đồng minh châu Âu. Khí đốt tự nhiên từ Nga chiếm 1/3 lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của châu Âu. Việc hạn chế nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai, có thể làm tổn hại đến sự đoàn kết của Mỹ và các đồng minh.

AP nhận định rằng việc nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga có thể hạn chế sức tàn phá tiềm ẩn của các lệnh trừng phạt .

“Nga sẽ bị thiệt hại nhiều hơn nếu lĩnh vực năng lượng bị đưa vào gói trừng phạt. Tiền thuế từ dầu mỏ thường chiếm khoảng 40% doanh thu của chính phủ Nga”, Mark Finley, chuyên gia về năng lượng và dầu mỏ toàn cầu tại Viện Chính sách Công Baker của Đại học Rice, cho biết.

Ông Finley cho rằng Nga dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trong những năm gần đây để xây dựng kho dự trữ ngoại hối trên 600 tỷ USD, đặc biệt có thể tự bảo vệ mình trước các lệnh trừng phạt tài chính. Tuy nhiên, “lá chắn” này có thể gặp rủi ro bởi các lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ và châu Âu.

Nếu không có nguồn cung năng lượng từ Nga, Mỹ dường như không thể ngay lập tức tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trong bối cảnh các nước OPEC+ vẫn chưa công khai cam kết tăng sản lượng đáng kể.

Jen Snyder, Giám đốc điều hành công ty phân tích dữ liệu năng lượng Enverus, cho biết, các công ty dầu khí trong nước đang phải đối phó với nguồn cung khan hiếm. Bà Snyder nói rằng một nhà cung cấp cho biết các giàn khoan hiện đại và hiệu quả nhất của họ đều đã được ký hợp đồng sử dụng cho đến cuối năm 2022.

Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ở châu Âu cực kỳ khan hiếm. Trong khi đó, các nhà sản xuất khí đốt ở Mỹ không thể nhanh chóng xuất khẩu thêm khí đốt vào thị trường toàn cầu do để vận chuyển khí tự nhiên ra nước ngoài cần có quy trình làm lạnh và chuyển hóa thành khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại các cơ sở xuất khẩu LNG. Tại Mỹ, các cơ sở này đang hoạt động hết công suất./.

Theo CTV Mai Trang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên