Lý do nhiều người bỏ công bỏ việc để xếp hàng 'đu trend'
Không chỉ thưởng thức, việc có những nội dung đăng tải lên mạng xã hội hợp với trào lưu do chính bản thân tự tạo ra khiến giới trẻ thích thú chờ đợi hơn 1 giờ đồng hồ để trải nghiệm loại đồ uống mới mẻ.
- 13-03-2024CEO NVIDIA: Dù được phát miễn phí, chip AI của các đối thủ cũng không cạnh tranh nổi GPU của NVIDIA
- 13-03-2024Bitcoin giá cao nhất lịch sử, xuất hiện chiêu trò lừa đảo “ăn theo”
- 13-03-2024Trung Quốc sử dụng AI quản lý hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới
Trong 2 năm vừa qua, sự phổ biến của các video ngắn mang tính xu hướng (trending), hoạt động livestream bán hàng đa kênh được đẩy mạnh giúp một số cá nhân trở nên nổi tiếng, kiếm được khoản tiền "kếch xù". Điều này tác động đến thói quen tiêu dùng của bộ phận khách hàng trong khoảng cuối thế hệ Gen Y (sinh từ năm 1981-1996) và đầu thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997-2012). Hiện nay, độ tuổi này chiếm hơn 32% dân số Việt Nam nên có tác động đáng kể tới thị trường.
Ông Nguyễn Thái Bình - chuyên gia nghiên cứu chiến lược kinh doanh cho các nhà hàng, quán cà phê - nhận định: "Theo báo cáo Connected Consumer của tổ chức Decision Lab, có đến 61% Gen Z và 44% Gen Y ưu tiên chọn Tiktok, Facebook và YouTube để xem video ngắn. Do đó, giới trẻ dễ dàng cập nhật xu hướng (trend) và đón nhận các trào lưu đồ ăn mới".
Với nhu cầu trải nghiệm và tự tạo nội dung số, khi một cửa hàng trà sữa có nguồn gốc từ Thái Lan đầu tiên khai trương tại Hà Nội, nhiều bạn trong lứa tuổi từ 20-30 tập trung xếp hàng hàng giờ để trải nghiệm loại đồ uống mới.
Thực tế, món trà sữa đến từ Thái Lan này đã quen thuộc thông qua những người làm nội dung số về du lịch. Trước đây, để thưởng thức, người ở Việt Nam chỉ có thể đặt mua các gói dạng bột thông qua "xách tay" rồi tự pha chế. Vì vậy việc cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội khai trương khiến giới trẻ nóng lòng muốn trải nghiệm, gây ra tình trạng quá tải.
Ghi nhận của PV Tiền Phong ngày 12/3, nhiều bạn trong lứa tuổi từ 20-30 tập trung xếp hàng hàng giờ để trải nghiệm loại đồ uống mới này. Một nhân viên của cửa hàng trà sữa cho biết: "Từ ngày 8/3 đến nay, tình trạng khách đông nghịt kéo dài từ 10h30-22h30. Chúng tôi dù rất mỏi lưng, tay nhưng vẫn cố gắng phục vụ".
Bạn Minh Anh - hiện là sinh viên năm 3 của Học viện Ngân hàng - chia sẻ: "Bên cạnh việc học tập, em còn đang bán đồ ăn trên nền tảng Tiktok. Em nhận thấy khi đăng tải hình ảnh đang được nhiều người quan tâm, lượt truy cập vào tài khoản sẽ tăng cao hơn. Video em làm về trend trà chanh giã tay từng đạt 300.000 lượt xem, khiến doanh thu bán hàng cũng tăng khoảng 20% trong tháng đó. Vì vậy, check-in cùng loại trà sữa mới hứa hẹn sẽ giúp em duy trì ổn định doanh thu".
Trong khi đó, bạn Hoài Linh - sinh năm 2000, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội - thừa nhận rằng bản thân không quá quan tâm với việc trở nên nổi tiếng nhưng lại là một người có "tâm hồn ăn uống".
Cũng vì thường xuyên theo dõi các nền tảng mạng xã hội, bạn Linh từng quyết định về Hải Phòng trải nghiệm food tour (du lịch ẩm thực), hay đi 20 km để thưởng thức bánh đồng xu Hàn Quốc chính hãng. Do đó, khi món trà sữa Thái Lan "cập bến", Linh cảm thấy việc xếp hàng khoảng 1 giờ đồng hồ để trải nghiệm là xứng đáng.
Với sự phát triển của mạng xã hội, những món ăn, đồ uống rất dễ trở thành phong trào, kéo theo doanh thu tăng cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng việc kinh doanh theo trào lưu như vậy có thể kiếm lời rất nhanh nhưng không phải ai cũng thành công.
Ông Nguyễn Thái Bình đánh giá: "Mỗi trào lưu đồ ăn, thức uống thường chỉ kéo dài trong 1-3 tháng. Việc liên tục xuất hiện nhiều loại đồ ăn gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung ứng thực phẩm, dẫn tới sự khan hiếm, đội giá chi phí vận hành của nhà đầu tư".
Trên thực tế, nguyên liệu đóng vai trò chủ chốt hình thành nên chất lượng sản phẩm. Vấn đề khan hiếm nguyên liệu và giá thành đầu vào cao có thể khiến người kinh doanh tìm cách sử dụng nguyên liệu thay thế, gây ảnh hưởng tới chất lượng và tạo ra hiện tượng cùng một sản phẩm nhưng mỗi nơi sẽ có một hương vị khác nhau. Từ đó, thương hiệu dù có nổi tiếng cũng trở nên mất uy tín, dẫn đến cảnh "sớm nở, chóng tàn".
Tiền Phong