MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do nhiều rau quả chủ lực của Việt Nam chưa thể xuất sang Trung Quốc

15-02-2023 - 07:27 AM | Thị trường

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là hiện Việt Nam còn tới 7/12 mặt hàng chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.

Ngày 14/2, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả - cho biết, sau khi mở cửa trở lại, Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Đặc biệt, rau quả từ các nước Việt Nam, Thái Lan, Malaysia… Đây là cơ hội cho rau quả Việt Nam bùng nổ trở lại sau thời gian dài tăng trưởng âm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyên khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là hiện Việt Nam còn tới 7/12 mặt hàng chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.

Ngoài ra, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả đánh giá, hiện thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói sản phẩm để xuất sang Trung Quốc còn lâu. Chẳng hạn, với thanh long doanh nghiệp cần khoảng 6-7 tháng mới được phê duyệt, hay sầu riêng dù có tiềm năng và giá trị lớn nhưng mã số được cấp còn nhỏ giọt.

Lý do nhiều rau quả chủ lực của Việt Nam chưa thể xuất sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Việc cấp mã số vùng trồng còn chậm và nhỏ giọt khiến sầu riêng Việt nguy cơ mất cơ hội.

“Cả nước mới chỉ có 83 mã vùng trồng và 30 mã cơ sở đóng gói, chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng. Trong khi Thái Lan có diện tích tương đương nhưng đã được cấp hàng nghìn mã khiến xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có nguy cơ lép vế, mất cơ hội”, ông Nguyên nói.

Thông tin về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, hiện việc xét duyệt hồ sơ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phải trải qua 3 bước chính.

“Do thủ tục phê duyệt hồ sơ được làm trực tuyến nên những thông tin khi doanh nghiệp đăng ký trực tuyến, chỉ sai lệch một dấu chấm, dấu phẩy hoặc một chữ cái, hoặc không tuân thủ đúng hướng dẫn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đều bị hệ thống từ chối phê duyệt”, ông Đạt nói.

Vị này cũng cho biết, hiện Cục đã xây dựng được các tiêu chuẩn cơ sở về việc quản lý và cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn thực phẩm của Trung Quốc và phổ biến và phân cấp cho cơ quan quản lý tại địa phương, đặc biệt là các Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật về các Sở NN&PTNT để hướng dẫn các doanh nghiệp.

Lý do nhiều rau quả chủ lực của Việt Nam chưa thể xuất sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

Liên quan đến tiến độ ký nghị định thư, ông Đạt cho biết, đến nay Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm như: Gạo; cám gạo; măng cụt; thạch đen; sầu riêng ; chuối (truyền thống) và khoai lang.

Các sản phẩm còn lại hai bên đang đàm phán gồm dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải và chôm chôm. Còn ớt, chanh leo đang được hướng dẫn xuất khẩu tạm thời.

“Hiện, bưởi, các loại quả thuộc nhóm cây có múi và dừa đang được Cục Bảo vệ thực vật đàm phán kỹ thuật để tiến tới ký nghị định thư trong năm nay. Na, thảo quả, chúng tôi cũng đã nộp hồ sơ”, ông Đạt nói.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin, phía Hải quan Trung Quốc đang tạm ngừng việc đăng ký nhóm trái cây đông lạnh đối với doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật đang đề xuất đưa các vấn đề về đàm phán hàng rào kỹ thuật mở cửa thị trường nông sản vào nội dung trong các cuộc họp lãnh đạo cấp cao sắp tới.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên