MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do thu nhập của người lao động sụt giảm

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động quý II vừa qua là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137.000 đồng so với quý trước. Nguyên nhân do quý II không còn các khoản thu nhập bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm và thưởng Tết Nguyên đán.

Hôm nay (29/6), Tổng cục Thống kê công bố tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm. Lực lượng lao động và số người có việc làm trong quý II tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 52,5 triệu người, tăng gần 150.000 đồng người so với quý trước và tăng hơn 217.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, lực lượng lao động có 52,5 triệu người, tăng 196.600 đồng người so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, thu nhập bình quân tháng của người lao động giảm. Bình quân thu nhập quý II vừa qua là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137.000 đồng so với quý trước. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập của lao động quý II thường giảm so với quý I do các khoản thu nhập bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm và tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý I.

Lý do thu nhập của người lao động sụt giảm- Ảnh 1.

Sáu tháng đầu năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,5 triệu đồng/tháng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân của người lao động vẫn tăng 7,4% so với cùng kỳ, đạt 7,5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II là 2,06%, tăng nhẹ so với quý trước và không đổi so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,05%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,49%, cao hơn khu vực thành thị.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 2,71%, cao hơn khu vực nông thôn (2,01%).

Việt Nam vẫn còn 4% lao động không sử dụng hết tiềm năng (tương ứng khoảng 2,2 triệu người). Đây là những lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc. Tỷ lệ này tăng rất nhanh từ thời điểm quý I/2020 và đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III/2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Khi các hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhanh từ 10,4% xuống còn 3,9% vào quý IV/2022. Tỷ lệ này có dấu hiệu tăng trở lại vào quý I/2023 (4,5%) và giữ mức 4,2% vào quý II năm nay.

Theo Việt Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên