MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý giải hiện tượng ca mắc COVID-19 ở Mỹ tăng gấp ba chỉ trong vài tuần

20-07-2021 - 19:47 PM | Tài chính quốc tế

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở New York City, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở New York City, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh trở lại ở Mỹ. Nhưng lần này, tình hình phức tạp hơn nhiều so với các đợt bùng phát dịch trước đó.

 

Theo tờ Vox, sau giai đoạn Mỹ đạt đỉnh dịch đầu tháng 1 với trung bình 260.000 ca mắc/ngày, số ca mắc bắt đầu liên tục giảm. Hàng chục triệu người đã được tiêm vaccine COVID-19 trong những tháng sau đó. Tính tới cuối tháng 6, Mỹ chỉ có 11.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Tuy nhiên, tính tới 18/7, Mỹ lại có trung bình trên 31.000 ca/ngày, gần gấp ba số ca mắc cách đây chỉ vài tuần.

Tới nay, số ca nhập viện cũng chưa tăng nhiều, chỉ tăng 1/3 so với cách đây 2 tuần. Tương tự, số ca tử vong vẫn tương đối thấp: trung bình 258 ca/ngày (tính trong giai đoạn 7 ngày). Còn hồi tháng 1, Mỹ có tới trên 3.000 người chết/ngày. Cả hai chỉ số nhập viện và tử vong vẫn đang tăng, nhưng chưa nhanh bằng số ca mắc mới.

Theo các chuyên gia, khi số ca mắc tăng thì số ca tử vong cuối cùng cũng sẽ tăng và xu hướng ở Mỹ hiện nay đang phản ánh đúng thực tế này.

Một số người đã tiêm nhưng vẫn có thể mắc bệnh nhưng bệnh nhẹ hơn. Giới chức Mỹ hồi đầu tháng 7 thông báo gần như mọi ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 đều là ở người chưa tiêm vaccine.

Dù vậy, chừng nào virus vẫn hoành hành ở Mỹ thì vẫn còn nguy cơ, đặc biệt là với một nửa dân số chưa tiêm vaccine trong bối cảnh biến thể Delta dễ lây hơn và độc lực cao hơn. Ca tử vong và nhập viện ở Mỹ cũng chủ yếu là người trẻ tuổi.

Theo tờ Vox, tình hình dịch bệnh hiện nay ở Mỹ hỗn loạn hơn năm ngoái nhiều và có ba nhân tố cần lưu ý.

Người chưa tiêm rất dễ bị tổn thương trước COVID-19

 Lý giải hiện tượng ca mắc COVID-19 ở Mỹ tăng gấp ba chỉ trong vài tuần  - Ảnh 1.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Ông David Celentano, nhà dịch tễ học tại khoa y tế công cộng trường Đại học John Hopkins, nói: “Khi ngày càng nhiều người chưa tiêm vaccine nhiễm biến thể Delta, số ca nhập viện có thể tăng lên”.

Các bang cũng có mức độ dễ bị tổn thương khác nhau vì tỷ lệ tiêm chủng theo bang dao động từ 42% (như ở Alabama) tới 78% (như ở Vermont). Từ đó, số bang có nhiều ca mắc mới nhất tính theo đầu người đều nằm ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Vaccine bảo vệ những người dễ bị tổn thương

Xu hướng này có cả mặt tốt và xấu. Mặt xấu là vì nhiều người trẻ chưa tiêm vaccine nên họ là đối tượng dễ mắc COVID-19 nhất. Đặc biệt là khi biến thể Delta trở nên phổ biến. Nhiều người trong số đó phải nhập viện và sẽ có một tỷ lệ tử vong.

Tỷ lệ người nhập viện vì COVID-19 trong nhóm 18-49 tuổi đã tăng 20% trong tháng 1 lên hơn 40% hồi giữa tháng 7. Người Mỹ trên 65 tuổi chiếm hơn nửa số ca nhập viện hồi tháng 1, nhưng giờ họ chỉ chiếm chưa đầy 30%.

Tổng số ca nhập viện vẫn còn lâu mới đạt đỉnh, vì thế số người trẻ mắc bệnh không cao như số người già hồi giai đoạn đỉnh dịch mùa đông. Tuy nhiên, người trẻ hiện nay vẫn chiếm tỷ lệ nhập viện cao hơn.

Mặt tốt là người dễ tử vong vì COVID-19 nhất đều được bảo vệ tốt hơn năm ngoái.  Đó là lý do nhân viên và cư dân viện dưỡng lão được ưu tiên tiêm vaccine đầu năm 2021.

Trong đại dịch năm ngoái, nhóm người này chiếm tỷ lệ tử vong cao: 133.482 trong tổng 608.000 ca tử vong ở Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở nhóm này giảm mạnh sau khi có vaccine. Đầu tháng 1, các viện dưỡng lão chỉ có trên 5.000 người chết/tuần. Trong tuần cuối tháng 6, con số này chỉ là 147.

Người đã tiêm vẫn mắc COVID-19 nhưng bệnh nhẹ

 Lý giải hiện tượng ca mắc COVID-19 ở Mỹ tăng gấp ba chỉ trong vài tuần  - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Chicago, bang Illinois (Mỹ) ngày 6/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Vaccine COVID-19 có hiệu quả nhưng không tuyệt đối 100%. Khi vaccine Pfizer và Moderna được cấp phép sử dụng, tỷ lệ hiệu quả là 95%. Do đó, vẫn còn một số người rất nhỏ đã tiêm vaccine và vẫn mắc bệnh.

Con số này sẽ tăng khi biến thể Delta hoành hành mạnh hơn. Hiệu quả của vaccine Pfizer với Delta giảm xuống còn 80%. Do đó, số người đã tiêm mà vẫn mắc bệnh sẽ nhiều hơn do biến thể Delta.

Dù giảm nhưng tỷ lệ 80% vẫn cao. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đa số người tiêm vaccine không có triệu chứng khi nhiễm Delta. Họ cũng không lây lan virus mạnh.

Dù vậy, số ca mắc tăng nhanh như hiện nay không phải là điều tốt. Hàng triệu người Mỹ vẫn dễ bị tổn thương trước COVID-19 vì biến thể Delta.

Bà Jen Kates, Giám đốc y tế toàn cầu tại Tổ chức Gia đình Kaiser, nhận định: “Virus càng hoành hành mạnh thì càng có nhiều đột biến, càng có nhiều khả năng biến đổi thành biến thể mới”.

Theo Thùy Dương

Báo Tin Tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên