M&A bất động sản: Thị trường tiếp tục sôi động, lộ diện nhiều gương mặt mới
Nhờ M&A, các doanh nghiệp BĐS đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt ưu chuộng phát triển dự án thông qua loại hình này.
- 06-02-2017Jones Lang Lasalle: Hàng tỷ USD đang chờ rót vào BĐS Việt Nam thông qua các thương vụ M&A
- 09-01-2017TP.HCM: Ngóng các thương vụ M&A bất động sản lớn trong năm 2017
- 09-10-2016Những thương vụ M&A "đốt nóng" thị trường địa ốc trong quý 3/2016
- 22-08-2016M&A bất động sản: Cuộc đi "săn" của các nhà đầu tư ngoại
Trong thời điểm suy thoái của thị trường BĐS, giai đoạn 2009-2013, phần lớn các doanh nghiệp có nhu cầu bán dự án đều là các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn về vốn và phải tìm cách chuyển nhượng để cân bằng tài chính. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, có được dự án nhanh và an toàn.
Tuy nhiên, gần 4 năm trở lại đây, xu hướng này đã được các doanh nghiệp địa ốc trong nước xoay chuyển, trở thành người làm chủ trong các thương vụ M&A dự án có quy mô lớn cả về vốn và diện tích. Kết quả là, trên thị trường xuất hiện hàng loạt ông lớn BĐS nội đã phát triển mạnh mẽ về quy mô doanh nghiệp sau một thời gian dài đi thâu tóm dự án.
Có thể kể đế như Novaland, chỉ trong 3 năm doanh nghiệp này đã phát triển nhanh chóng quỹ đất từ 4 dự án vào năm 2013 lên hơn 40 dự án như hiện nay. Đặc biệt, trong năm 2016, Novaland đã nhận chuyển nhượng dự án khoảng 30ha tại khu Nam Rạch Chiếc, quận 2 từ VinaCapital. Mở đầu năm 2017, doanh nghiệp này hiện đang thương lượng với một số công ty sở hữu quỹ đất khá tốt tại quận 5 để nhận chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư và khai thác.
Một tên tuổi khác đáng chú ý trong năm qua là Công ty CP Địa ốc Đất Xanh, với 7 dự án đã M&A, nâng tổng số dự án đang triển khai lên 20 dự án. Cùng với Đất Xanh, Tập đoàn Hưng Thịnh trong năm qua cũng đã thâu tóm gần 12 dự án lớn nhỏ nằm tại khu Đông, Nam và Tây Bắc bằng cách mua 100% các doanh nghiệp đang sở hữu đất hay dự án. Năm 2017, một đại diện của tập đoàn này cho biết đang thực hiện kế hoạch thâu tóm khoảng 5-7 dự án khác, trong đó vừa nhận chuyển nhượng một quỹ đất khá lớn tại Cam Ranh (Nha Trang) để chuẩn bị lấn sân sang phân khúc BĐS nghỉ dưỡng.
Một gương mặt khá mới nổi trên thị trường địa ốc là An Gia Investment cũng đang được chú ý đến nhờ vào khả năng "săn" dự án và hợp tác với quỹ đầu tư Nhật Bản. Mới đây nhất, An Gia Investment và Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) công bố đã hoàn tất việc mua lại 7 block thuộc dự án khu dân cư phức hợp Lacasa, quận 7 từ tay Tập đoàn Vạn Phát Hưng. Được biết, dự án mới này có quy mô khoảng 6 ha với 2,000 căn hộ bao gồm cả office-tel, có tổng vốn đầu tư khoảng 3,500 tỉ đồng. Đây đồng thời cũng là dự án thứ 6 được doanh nghiệp này thực hiện theo hình thức M&A trong thời gian qua.
Đại diện An Gia Investment, ông Lương Sĩ Khoa – Phó Chủ Tịch HĐQT, cho biết: "Sau khi mua lại các dự án, chúng tôi sẽ khai thác triệt để những lợi thế của vị trí, cải tiến thiết kế, gia tăng thêm tiện ích, điều chỉnh mức giá đồng thời đưa ra những chiến lược tiếp cận khách hàng và bán hàng hiệu quả. Đây là cách mà An Gia Investment đã áp dụng với 5 dự án M&A trước đó và đã thành công”.
Sau cái bắt tay trị giá 200 triệu USD với Creed Group, hai đơn vị đã nhanh chóng đẩy mạnh việc mua lại các dự án cũ. Đầu tiên là phát triển dự án Angia Riverside và Angia Skyline từ 2 block của dự án Lacasa đã được mua lại vào giai đoạn 1 hồi tháng 3/2015. Gần đây nhất 2 doanh nghiệp này cũng đã hợp tác với công ty Cổ phần BĐS Phát Đạt tái khởi động dự án River City quy mô 11,25 ha và đang thi công đúng tiến độ xây dựng, dự kiến bàn giao vào năm 2019.
Thực chất, trước thời điểm Creed Group tham gia, An Gia Investment cũng đã thực hiện mua lại hàng loạt dự án bị “đóng băng” trong nhiều năm liền, tất cả đều được “hồi sinh” sau khi chuyển nhượng cho An Gia Investment. Điển hình như dự án The Garden, quận Tân Phú mua lại của Công ty TNHH Đầu tư Nakyco; dự án Angia Star, quận Bình Tân mua lại của Công ty CP Đầu tư xây dựng Tân Bình.
Trước câu hỏi tại sao lại lựa chọn con đường M&A thay vì tự phát triển quỹ đất để làm dự án mới, hầu hết các doanh nghiệp Việt cho rằng việc M&A các dự án giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng. Nếu phát triển dự án mới, công đoạn này có khi lên đến hơn 1 năm trời trong khi thị trường đang có những tín hiệu tốt nên phải tận dụng cơ hội để giới thiệu sản phẩm ngay.
Cùng quan điểm trên, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, cho biết thêm nhà đầu tư trong nước thời gian gần đây vẫn chiếm ưu thế lớn về số lượng giao dịch chuyển nhượng do có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận quỹ đất, sự thông hiểu về thị trường và hệ thống pháp lý. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài nhiều khi biết, nhưng chưa hiểu rõ cách thức thực hiện.
Theo đánh giá của ông Marc Townsend, M&A bất động sản trong năm 2017 sẽ tiếp tục sôi động và sẽ lộ diện nhiều gương mặt mới với tiềm lực tài chính khá mạnh. Đây cũng là một trong những điểm sáng của thị trường BĐS năm nay.