Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Các mô hình biến tướng, bất thường
Sau khi Tiền Phong đăng tải loạt bài: Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: "Kiếm tiền thần tốc” và “Vỡ mộng đầu tư vào tiền ảo” phản ánh việc Cty Cổ phần Shark Group và câu lạc bộ (CLB) Hành trình triệu đô sử dụng mô hình đa cấp để lừa đảo, các mô hình này tiếp tục đổi tên và đội lốt dưới các dự án khác với các chiêu trò tinh vi, phức tạp hơn để dụ dỗ người dân tham gia đầu tư.
- 11-09-2020Hà Nội: Sập bẫy "vay ngân hàng hộ" lấy tiền góp vốn cho công ty đa cấp, người phụ nữ mất nhà trong cay đắng, chồng tai biến vì sốc nặng
- 30-08-2020Hàng chục hộ dân Hà Nội sập bẫy đa cấp, nguy cơ mất nhà: Bỗng nhiên mắc nợ gần 20 tỷ đồng vì đặt lòng tin vào "siêu lừa"
- 11-02-2020Tăng gần 100 bị hại trong vụ Tập đoàn đa cấp Thăng Long
Biến tướng dưới tên gọi khác
Sau khi Tiền Phong phản ánh mô hình “Kiếm tiền thần tốc” bất thường từ dự án gọi vốn đầu tư tiền ảo của Cty Cổ phần Shark Group, theo ghi nhận, văn phòng của công ty này đã đổi tên thành Diamond Team. Sau một thời gian tạm ngừng, hiện công ty này bắt đầu hoạt động rầm rộ trở lại. Thay vì tổ chức các buổi đào tạo trực tiếp như trước, Cty Shark Group sử dụng các kênh trực tuyến để kêu gọi người dân tham gia. Công ty này cũng liên tục quảng cáo trên các tờ báo, kênh truyền hình nhằm che mắt các nhà đầu tư.
Tại các tỉnh, thành khác, các đội nhóm của dự án hoạt động quảng bá, tổ chức các buổi đào tạo để thu hút người dân tham gia với những lời chào mời hoa mỹ như cơ hội triệu đô.
Vào thời điểm Tiền Phong phản ánh, dự án Aladiex gọi được 6% tổng số tiền đầu tư, hiện số tiền đầu tư của người dân đã lên tới khoảng gấp 3 lần, giá của đồng Aladin cũng được đẩy từ 0,3$ lên 0,35$.
Còn với CLB Hành trình triệu đô, sau khi đánh sập hệ thống để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của nhà đầu tư, nhóm lãnh đạo của CLB này gồm Nguyễn Văn Khánh, Vũ Hưng, Trần Nam, Bill Râu…đã bỏ trốn. Các nhà đầu tư cho biết, không thể liên hệ được với những người này.
CLB Hành trình triệu đô đã đổi tên thành CLB Cash Flow để tiếp tục vẽ ra dự án đầu tư tiền ảo mới có tên là Bithera (BHC), với các địa chỉ như https://bithera.com, https://bithera.vn, https://cryptoworldwide.io. Một số thành viên khác lập nên CLB triệu phú tự thân với hình thức hoạt động tương tự.
Các CLB này vừa mở thêm khoảng chục văn phòng đại diện tại một số tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Thanh Hoá…và tổ chức hàng loạt các chương trình kêu gọi đầu tư nhằm tiếp tục dụ dỗ những “con mồi” xuống tiền.
Cơ quan chức năng ở đâu?
Theo nguồn tin của Tiền Phong, Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra vụ CLB Hành trình triệu đô bị tố chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay hoạt động của CLB này vẫn diễn ra.
Luật sư La Văn Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam, các loại “tiền ảo” không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp; việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại “tiền ảo” làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Thậm chí, những hành vi này có thể bị khởi tố hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường tiền ảo được tổ chức theo mô hình kinh doanh đa cấp diễn ra phức tạp, nhiều vụ lừa đảo xảy ra gây nhiều hệ lụy cho người dân.
Theo Luật sư Thái, nếu không sớm có chế tài điều chỉnh, hoạt động này sẽ tiếp tục biến tướng, ngày càng nhiều người dân cho rằng họ bị chiếm đoạt tiền. Do vậy, trong thời gian chờ khung pháp lý, các cơ quan chức năng cần ngăn chặn, cảnh báo sớm các hoạt động này, đồng thời cần có chế tài xử lý truy cứu hình sự đối với đối tượng tổ chức đa cấp biến tướng này…
Thời gian qua, nhiều vụ lừa đảo đầu tư tiền ảo xảy ra khiến hàng nghìn người ngậm đắng mất trắng số tiền cả đời tích góp. Thủ đoạn của những mô hình này là hứa hẹn trả lợi nhuận rất cao, sau đó khi tiền của nhà đầu tư ồ ạt đổ vào, những mô hình này sẽ lấy lý do hệ thống bị lỗi rồi đánh sập để chiếm đoạt. Cho đến nay, hoạt động đầu tư tiền ảo tại Việt Nam vẫn chưa được pháp luật bảo vệ nên đây là mảnh đất màu mỡ cho các dự án biến tướng xuất hiện.
Tiền phong