MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Ma trận' thủ tục khiến doanh nghiệp bất động sản méo mặt

10-08-2021 - 10:00 AM | Bất động sản

'Ma trận' thủ tục khiến doanh nghiệp bất động sản méo mặt

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện nay, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại rất phức tạp, như "ma trận" làm tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp và làm cho cán bộ công chức nhà nước rất "vất vả", thậm chí dễ bị "rủi ro" trong thi hành công vụ.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc "Đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19".

Theo đó, HoREA cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản, làm cho hầu hết các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau.

Trong văn bản, một lần nữa HoREA nhắc lại kiến nghị để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp bất động sản không xin nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.

Cụ thể, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.

Đặc biệt, với các ngân hàng thương mại cần xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay; không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn.

Ma trận thủ tục khiến doanh nghiệp bất động sản méo mặt - Ảnh 1.
Các doanh nghiệp bất động sản không xin nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: Lý Tuấn

"Quang trọng hơn cả là đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. Doanh nghiệp sống được thì các ngân hàng mới sống khỏe được", HoREA nhấn mạnh.

Đồng thời, HoREA cũng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký, quan tâm hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.

Đối với vấn đề về chính sách thuế, tiền sử dụng đất, HoREA đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất, đặc biệt, không phạt doanh nghiệp, chủ đầu tư nếu quá hạn 90 ngày kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp, chủ đầu tư chưa kịp nộp thuế, cũng như, cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch COVID-19, góp phần kéo giảm giá nhà…

Mặt khách, HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế do tác động của đại dịch COVID-19.

Đáng chú ý, HoREA tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Bộ Tài chính thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án nhà ở thương mại, để hướng dẫn UBND cấp tỉnh thống nhất thực hiện.

HoREA cho biết, hiện nay, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại rất phức tạp, như một "ma trận", tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp và làm cho cán bộ công chức nhà nước rất "vất vả", thậm chí dễ bị "rủi ro" trong thi hành công vụ.

Theo đó, để giải quyết tình trạng trên, HoREA đề xuất quy trình đầu tư xây dựng gồm 4 bước. Cụ thể:

Bước 1: Lập thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020 do Sở KH&ĐT thực hiện; chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định của Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020.

Bước 2: Lập thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết hoặc bản vẽ tổng mặt bằng do Sở Xây dựng (Sở Quy hoạch Kiến trúc), hoặc UBND cấp huyện thực hiện.

Bước 3: Lập thủ tục giao đất, cho thuê đất cho doanh nghiệp do Sở TN&MT thực hiện.

Bước 4: Tiến hành song song các thủ tục sau đây: Lập thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở (có dự án phải thẩm định thiết kế kỹ thuật triển khai sau thiết kế cơ sở), cấp Giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng thực hiện; lập thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất dự án do Sở TN&MT, Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh thực hiện. Sau khi có quyết định của UBND cấp tỉnh phê duyệt tiền sử dụng đất dự án và thông báo nộp tiền sử dụng đất của Cục Thuế, thì doanh nghiệp thực hiện theo quy định.

Ngoài ra, HoREA còn đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét sớm có giải pháp xử lý "ách tắc" đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại…

Theo Lý Tuấn

Nhà đầu tư

Trở lên trên