MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặc các doanh nghiệp Mỹ tìm cách rút lui, một gã khổng lồ của châu Âu lại mạnh tay đổ tiền đầu tư vào Trung Quốc: Thị trường này quá quan trọng để có thể bỏ qua

07-04-2023 - 11:11 AM | Tài chính quốc tế

Airbus vừa quyết định tăng gấp đôi năng lực sản xuất tại Trung Quốc nhằm “đánh cược” vào sự bùng nổ nhu cầu tại một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới.

Mặc các doanh nghiệp Mỹ tìm cách rút lui, một gã khổng lồ của châu Âu lại mạnh tay đổ tiền đầu tư vào Trung Quốc: Thị trường này quá quan trọng để có thể bỏ qua - Ảnh 1.

Nhà sản xuất máy bay châu Âu cho biết họ sẽ tăng gấp đôi năng lực sản xuất tại Trung Quốc với dòng máy bay thân hẹp A320, mẫu phi cơ đắt khách nhất của Airbus. Theo đó, dây chuyền lắp ráp thứ 2 sẽ được xây dựng tại nhà máy ở Thiên Tân.

Động thái của Airbus, được tiết lộ trong thỏa thuận mà CEO Guillaume Faury ký tại Bắc Kinh hôm 6/4, sẽ tạo ra một sự thúc đẩy cho ngành sản xuất ở Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nhiều gã khổng lồ, trong đó có Apple, đang cố gắng đa dạng chuỗi cung ứng khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Mối quan hệ cơm không lành, canh chẳng ngọt giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chủ chốt.

Ông Faury nói rằng việc mở rộng cơ sở sản xuất ở Thiên Tân là “phần quan trọng” trong kế hoạch sản xuất 75 chiếc phi cơ dòng A320neo/tháng mà Airbus hướng tới vào năm 2026. Hiện tại, ở nhà máy đi vào hoạt động năm 2008 này, các công nhân sẽ lắp ráp những bộ phận quan trọng vào với nhau để tạo thành chiếc phi cơ hoàn chỉnh.

Trong vài năm qua, Airbus và đối thủ lớn nhất, Boeing, đều đang phải vật lộn để tăng sản lượng phi cơ trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị hạn chế khi nhu cầu với máy bay chở khách tăng cao trở lại sau đại dịch.

“Chúng tôi đang mở đường cho sự phát triển tại thị trường Trung Quốc”, ông Faury nói. Ông là thanh viên trong phái đoàn gồm hàng chục lãnh đạo các doanh nghiệp Pháp tháp tùng Tổng thống Emmanuel Macron trong chuyến công du Trung Quốc. Nhiều người trong số này lần đầu trở lại Trung Quốc kể từ đại dịch.

Tuy nhiên, Airbus nhiều khả năng sẽ rời Trung Quốc mà không có đơn hàng máy bay mới nào. Tuần trước, Bloomberg cho rằng Airbus đang muốn đàm phán các hợp đồng bán máy bay thân rộng A350 và A330neo cho các hãng hàng không Trung Quốc.

Dẫu vậy, ông Faury vẫn tin rằng Airbus có thể giành được nhiều hợp đồng mới ở Trung Quốc, thị trường mà hãng có lợi thế khá lớn so với Boeing.

Nói về dây chuyền ở Thiên Tân, ông Faury tin rằng việc bổ sung này sẽ đưa năng lực sản xuất ở Trung Quốc lên tương xứng với thị phần của nước này trong nhu cầu hàng không toàn cầu. Dây chuyền này dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2025. Airbus hiện đang chế tạo 4 chiếc A320 mỗi tháng tại Thiên Tân và họ đang có kế hoạch nâng sản lượng lên 6 chiếc mỗi tháng vào cuối năm nay, khôi phục lại năng lực sản xuất trước Covid-19.

Khi dây chuyền mới đi vào vận hành, Airbus mong muốn nâng công suất lên 12 chiếc/tháng hoặc cao hơn. Dù nhà máy ở Thiên Tân hiện tại chỉ phục vụ nhu cầu của các hãng hàng không Trung Quốc nhưng nhiều khả năng những chiếc máy bay được lắp ráp ở đây sẽ được chuyển đi nơi khác.

Tại Bắc Kinh, ông Faury cũng chính thức ký vào thỏa thuận mua bán 160 chiếc máy bay được công bố trước đó với các hàng hàng không Trung Quốc. Số này bao gồm 150 chiếc thuộc dòng A320 và 10 chiếc máy bay thân rộng A350. Năm ngoái, các hãng hàng không Trung Quốc đã đặt hàng hơn 300 máy bay thân hẹp từ Airbus, trị giá 40 tỷ USD. Các hãng hàng không Trung Quốc chiếm 1/5 tổng số hàng mà Airbus đã giao cho khách.

Tham khảo: Bloomberg

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên