MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặc đối thủ ngoại tấn công dồn dập, 3 thương hiệu Việt này vẫn 'bình tĩnh sống' trong năm 2017

29-12-2017 - 10:52 AM | Doanh nghiệp

Bán lẻ, da giày và bột giặt là 3 lĩnh vực điển hình có sự cạnh tranh sôi động đến từ các thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, năm 2017 chứng kiến các cái tên Việt đã "bình tĩnh" tạo được chỗ đứng, dù chỗ đứng có là vị trí dẫn đầu hay chỉ là chỗ tồn tại.

Vinmart+ trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam

7 Eleven có mặt tại Việt Nam vào tháng 6, GS25 – ông lớn ngành bán lẻ Hàn Quốc – thông báo sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TPHCM trong năm nay và hơn 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm tới. Trong nước, các cái tên ngoại khác như Circle K (Mỹ), FamilyMart (Nhật), Ministop (Nhật), Shop & Go (Singapore) vốn xuất hiện từ lâu nay đã có vị thế nhất định.

Là kẻ chân ướt chân ráo đến sau, chuỗi cửa hàng tiện ích Việt Nam Vinmart + lại không hề tỏ ra ngán ngại mà ngược lại, ào ào mọc lên như nấm. Trong năm 2017, thương hiệu này đã có sự phát triển đáng kinh ngạc, vươn lên trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam với 900 cửa hàng vào tháng 3 năm 2017.

Số lượng cửa hàng được Vingroup dự kiến là 1.500 vào năm 2017, 3.000 vào năm 2018 và 10.000 vào năm 2019.

Trong khi hầu hết chuỗi cửa hàng ngoại chỉ mới đặt chân ở TPHCM, Vinmart+ đã xuất hiện dày đặc và hoàn toàn thống trị thị trường miền Bắc. Tờ Nikkei đã từng dẫn lời chủ tịch chi nhánh của một chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản: "Khi chứng kiến những cửa hàng Vinmart+ mọc lên như nấm, chúng tôi nhận thấy thật sự không thể xem thường."

Biti’s – tiếp tục hành trình trở lại



Người ta đã nói nhiều về sự trở lại ngoạn mục của Biti’s trong năm 2016. Nhưng làm gì sau sự trở lại đó để có chỗ đứng bền vững trong lòng người tiêu dùng trong thời kì thị trường giày dép nội địa bị áp đảo bởi các sản phẩm ngoại nhập?

Tiếp tục các chiến dịch truyền thông bài bản và phát triển sản phẩm có chiều sâu là câu trả lời của Biti’s trong năm 2017. Hãng đã có bước tiến trong dòng sản phẩm trẻ em khi trở thành đối tác của Disney, DC, Doramon và ra mắt các dòng sản phẩm đặc sắc như Biti’s Disney, Biti’s Văn Hóa Dân Gian.

Hiện hãng đang chiếm 25% thị phần giày dép trẻ em nội địa, một con số đáng kể trong bối cảnh thị trường xào xáo các sản phẩm nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc như hiện nay.

Aba – vẫn sống tốt bất chấp Omo, Ariel




Chưa mở hàng đã làm đổ chậu cá là một trong số những TVC bị ném đá thê thảm về độ nhảm.

"Chưa mở hàng đã làm đổ chậu cá" là một trong số những TVC bị "ném đá" thê thảm về độ nhảm.

Đây là TVC mới nhất bên cạnh một loạt các TVC quảng cáo "nhảm" khác của bột giặt Aba như "Hàng đi giao không bán đâu", "Tặng quà sinh nhật Aba"…

Tuy nhiên, chính nhờ một loạt các TVC nhảm này mà Aba giữ được sự chú ý của dư luận trong năm qua. Trên thực tế, các TVC vẫn chứng tỏ sự hiệu quả vì các TVC có vẻ quê quê, không có thông điệp gì lại tạo được dấu ấn trong tâm trí của đối tượng khách hàng nông thôn, bình dân – lãnh địa chính của Aba.

Theo một khảo sát được thực hiện trên 600 người dùng trên cả nước, 17% số người được hỏi đã dùng qua sản phẩm và 7% đang tiếp tục sử dụng bột giặt Aba, kết quả này chỉ đứng sau Omo và Ariel. Điều này cho thấy dù trong ngành hàng bột giặt cạnh tranh khốc liệt với hai ông lớn Unilever và P&G, Aba vẫn kiên trì bám trụ và có được vùng đất của riêng mình.

Theo Thảo Thảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên