Mặc quần đùi, đi chân đất trong ngày nhận "vương miện" của thế giới hypercar, Mate Rimac - người nắm giữ "chìa khoá" của những chiếc siêu xe chạy điện là ai?
Mate Rimac đã xây một công ty xe điện nhiều tỷ USD, ra mắt mẫu xe điện lập kỷ lục thế giới và nhận cương vị CEO của hãng siêu xe danh tiếng nhất thế giới là Bugatti. Sắp tới đây, anh mới bước sang tuổi 34.
- 01-10-2021Siêu xe trị giá 30 tỷ đồng của Ronaldo rời trạm xăng sau gần 7 giờ xếp hàng vì không mua được nhiên liệu
- 27-09-2021Khui công siêu phẩm trăm tỷ McLaren Elva tại Việt Nam: Xe được bảo vệ nghiêm ngặt, một chi tiết khó hiểu gây thắc mắc
Mate Rimac ngồi trước bàn, đối diện một chiếc camera. Ngồi bên phải anh là Oliver Blume, CEO của Porsche, bên trái là kế toán trưởng Lutz Meschke. Họ sắp tổ chức một cuộc họp video để thông báo về việc sáp nhập Bugatti với hãng khởi nghiệp trong lĩnh vực hypercar mang tên của Rimac. Porsche là công ty chịu trách nhiệm thực hiện thương vụ này, đại diện cho tập đoàn Volkswagen.
Blume và Maeschke ngồi nghiêm chỉnh trong bộ vest, vốn khá quen thuộc với các vị Giám đốc người Đức trước những thông báo quan trọng. Nhưng người đàn ông 33 tuổi Rimac thì không như vậy. Anh ngồi thoải mái, đôi giày thể thao đặt dưới gầm bàn còn anh đi chân trần. "Vương miện" của thế giới hypercar sắp được trao vào tay anh ta và anh đã chọn cách mặc quần đùi cho dịp này.
Chắc chắn Rimac không có ý thiếu tôn trọng các bên nhưng cách ăn mặc giản dị của anh so với các doanh nhân truyền thống báo hiệu cho một sự cách mạng trong ngành công nghiệp siêu xe. Quyền quản lý thương hiệu có uy tín nhất thế giới, được thành lập cách đây 112 năm bởi một trong những con người vĩ đại nhất ngành ô tô đã được chuyển từ công ty sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu sang một công ty khởi nghiệp.
Từ trái sang phải: Porsche Taycan Cross Turismo, Rimac Nevera và Bugatti Chiron Pur Sport.
Rimac Group khởi sự từ một quốc gia nhỏ bé là Croatia cách đây 12 năm bởi một người khi đó vừa bước qua tuổi thiếu niên. Trẻ tuổi nhưng Mate Rimac đã được đồng nghiệp thừa nhận là một trong những nhà sản xuất siêu xe ưu việt nhất thế giới, người kế nhiệm của những Ettore Bugatti, Horacio Pagani, Christian von Koenigsegg và Gordon Murray. Rimac Nevera, siêu xe điện thương mại đầu tiên của anh chỉ mới bắt đầu được giao cho khách hàng.
Nhưng Rimac đã thiết lập được tiếng tăm của mình. Song song với việc phát triển chiếc hypercar của Neveda, anh đã xây dựng một doanh nghiệp vốn hoá hàng tỷ USD, cung cấp công nghệ động cơ điện hiệu suất cao cho ít nhất 15 nhà sản xuất ô tô lớn, gồm Ferrari, Aston Martin, Mercedes… Porsche và Hyundai không chỉ là khách hàng mà còn là cổ đông lớn của Rimac. Pininfarina thích chiếc Nevera đến mức sử dụng chiếc xe này làm nền tảng để phát triển chiếc Battista mạnh 1.877 mã lực của mình. Công việc kinh doanh của Rimac phát triển nhanh đến mức anh không có thời gian để bán mẫu siêu xe của riêng mình.
Liên doanh Bugatti-Rimac thoạt đầu nghe có vẻ kỳ quặc nhưng lại là logic không thể chối cãi. Thế hệ những chiếc Bugatti chạy điện cần hiệu suất siêu việt nhưng Volkswagen không muốn tài trợ do dự án này. Các nhà phân tích ước tính VW đã đầu tư ít nhất 2,4 tỷ USD vào Bugatti kể từ khi hãng này nắm quyền kiểm soát vào năm 1998 và lỗ khoảng 5 triệu USD trên mỗi chiếc Veyron bán ra. Họ đã chi khoảng 420 triệu USD để tạo ra siêu xe Chiron dựa từ "bộ xương" của Veyron.
Siêu xe Rimac Neveda được chế tạo tại Croatia, nơi đặt trụ sở của Rimac Group.
Các nguồn tin thân cận cho biết nếu muốn điện khí hoá Bugatti, VW sẽ phải chi một khoản tương tự. Rimac được cho là đã đề nghị phát triển mẫu xe kế nhiệm Chiron hoàn toàn mới với giá khoảng 240 triệu USD. Thay vì chi tiền, VW đã đề xuất một vụ sáp nhập. Theo đó, Rimac Group sở hữu 55% cổ phần của Bugatti-Rimac còn Porsche đại diện cho Volkswagen sở hữu 45%. Hiện tại, 2 thương hiệu sẽ vẫn được thiết kế và phát triển riêng biệt: Bugatti ở Molsheim, Pháp còn Rimac sẽ có trụ sở mới ở gần Zagreb vào năm 2023.
Đáng chú ý, Rimac chỉ đưa mảng kinh doanh siêu xe của mình vào liên doanh mới. Hoạt động cung cấp động cơ cho ô tô điện hiệu suất cao là một lĩnh vực kinh doanh riêng biệt do Rimac Technology nắm giữ. Ngay cả khi Bugatti-Rimac đi vào sản xuất, liên doanh này chỉ chiếm 15-20% doanh thu của Tập đoàn Rimac. Rimac Technology tạo ra phần doanh thu còn lại. Họ có các hợp đồng cung cấp linh kiện và hệ thống điện hoàn chỉnh cho các nhà sản xuất ô tô lớn. Với số lượng lên đến 100.000 đơn vị mỗi năm, đó sẽ là bước nhảy vọt về quy mô đối với Rimac. Chiếc xe tiếp theo của bạn có thể không phải Nevera nhưng có khả năng nó sẽ sử dụng công nghệ của Rimac.
Thiết kế khung gầm liền khối của chiếc Neveda - bộ khung gầm lớn và cứng nhất được làm từ sợi carbon trong giới siêu xe.
Điểm nổi bật nhất trong thoả thuận này có lẽ nằm ở việc bất chấp khoản đầu tư 10 con số của VW trong hơn 23 năm và hàng trăm chiếc Veyron, Chiron được chuyển giao cho khách hàng, Bugatti vẫn được định giá thấp hơn hoạt động sản xuất siêu xe của Rimac – vốn chỉ bàn giao những chiếc xe đầu tiên. Lý do rất đơn giản: Bugatti gần như không có giá trị nếu không có công nghệ điện hiệu suất cao mà họ rất cần trong thời đại xe điện. Volkswagen không muốn đầu tư còn Rimac thì đã có công nghệ hoàn chỉnh.
Những tháng vừa qua được xem là bước ngoặt cuộc đời của doanh nhân trẻ Mate Rimac, người được xem là tái tạo thế giới siêu xe hiện đại. Đầu tiên là màn ra mắt của Rimac Nevera trong tháng 6, sau đó là thông báo hợp nhất với Bugatti trong tháng 7 và cuối tháng đó là cuộc hôn nhân với người yêu từ thời thơ ấu của mình.
Sau đó, anh có một chuyến tham quan Mỹ, bắt đầu ở Los Angeles và Pebble Beach vào tháng 8 để gặp gỡ không chỉ các khách hàng mua những chiếc Neveda giá 2,4 triệu USD mà còn những khách hàng lâu đời của Bugatti. Tiếp đến, anh quay lại Zagreb để hoàn tất việc chuyển giao quyền lực từ CEO hiện tại của Bugatti – Stephan Winkelmann, cũng là người điều hành Lamborghini. Sau đó, anh sẽ tiếp tục quá trình chế tạo ra siêu xe kế nhiệm Bugatti Chiron.
Mate Rimac sinh năm 1988 - được cho là người kế nhiệm các thiên tài thiết kế siêu xe như Ettore Bugatti, Horacio Pagani, Christian von Koenigsegg và Gordon Murray.
"Năm nay là một sự điên rồ đối với tôi. Mọi thứ đến cùng lúc", Mate Rimac nói. Sau vụ sáp nhập vừa diễn ra, khối tài sản của Mate Rimac hiện rơi vào khoảng 2 tỷ USD, tất cả đều do anh tự kiếm về.
Thông tin chi tiết chưa được xác nhận nhưng sẽ có 2 chiếc Bugatti hoàn toàn mới được Rimac thiết kế ra mắt trước năm 2030. Chiếc đầu tiên sẽ là một siêu xe hybrid với công suất 2.000 mã lực, ra mắt vào khoảng năm 2025. Động cơ W16 8.0 lít của Chiron sẽ tạo ra một nửa công suất đó và phần còn lại là do động cơ điện của Rimac. Tiếp theo là một chiếc xe điện thuần tuý vào năm 2030.
Rimac sẽ tham gia vào mọi khía cạnh thiết kế của xe, mặc dù chuyên môn của anh là về hệ thống điện. Anh bị ám ảnh về mọi khía cạnh trong thiết kế của ô tô, theo những người thân quen chia sẻ.
Tham khảo: Robbreport