MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Made in Germany’ từng được dùng để chỉ đồ nhái: Điều gì làm nên cú ngoặt khiến hàng Đức có thể dùng được cả trăm năm?

12-01-2023 - 05:00 AM | Tài chính quốc tế

‘Made in Germany’ từng được dùng để chỉ đồ nhái: Điều gì làm nên cú ngoặt khiến hàng Đức có thể dùng được cả trăm năm?

Ít ai biết rằng, dòng chữ Made in Germany từng để đánh dấu “hàng nhái, hàng kém chất lượng”. Vậy điều gì đã làm thay đổi lịch sử, khiến dòng chữ này trở thành sự khẳng định về chất lượng và lòng tin?

“Made in Germany” xuất phát từ Anh?

Những sản phẩm ngày nay với dòng chữ “Made in Germany” được xem như bảo chứng của chất lượng. Nhưng cả trăm năm trước đây, dòng chữ “Made in Germany” không có nghĩa là sản phẩm sản xuất tại Đức mà như một lời “cảnh báo” về sản phẩm kém chất lượng.

Nước Đức thực hiện công nghiệp hoá muộn hơn so với Anh và Pháp. Vì thế, người dân Đức bắt đầu học hỏi những kỹ thuật của các nước khác. Vào khoảng thế kỷ 19, những doanh nhân Đức đã bất chấp mà thực hiện gián điệp công nghiệp, đánh cắp ý tưởng, sao chép sản phẩm và làm hàng giả.

Vì thế, Quốc hội Nghị viện Anh ngày 23/8/1887 đã thông qua Đạo luật về thương hiệu mới. Luật này yêu cầu đánh dấu tất cả hàng hoá của Đức nhập khẩu vào nước Anh bằng dòng chữ “Made in Germany”. Đây cũng là nỗ lực để kêu gọi “người Anh mua hàng Anh”.

Nhà sử học kinh tế Werner Abelshauser tại Đại học Bielefeld ở Đức cho biết rằng luật này đặc biệt nhắm vào Đức. Abelshauser tin rằng việc tạo ra luật sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng Anh tránh mua đồ kém chất lượng.

Tuy nhiên, kế hoạch đã bị phản tác dụng. Đức vốn là “trung tâm khoa học thế giới”, nhưng vẫn chưa áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên sản phẩm chưa đạt yêu cầu. Cho đến những năm 1980, sau khi các nhà khoa học Đức tìm hiểu được cách thức Mỹ phát triển các sản phẩm, Đức bắt đầu thực hiện đổi mới.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu vào năm 1914, nhãn hiệu "Made in Germany" thu hút nhiều sự chú ý hơn. Nhưng hàng hóa có dòng chữ này không được phép rao bán trên các thị trường do người Anh và đồng minh của họ kiểm soát.

Nhưng nước Đức đã trỗi dậy như phượng hoàng từ đống tro tàn của hai cuộc thế chiến. Câu chuyện Made in Germany thực sự thay đổi sau Thế chiến II. Khi ấy, mọi người nhận ra rằng Đức, khác Mỹ, không cung cấp các mặt hàng sản xuất hàng loạt. Thay vào đó tập trung vào khả năng cung cấp sản phẩm chất lượng, độ bền cao và chính xác.

Nhờ nền tảng khoa học vốn có, nền kinh tế Đức nhanh chóng có bước đột phá. Cuối cùng, dòng chữ "Made in Germany" ngày nay trở thành một dấu hiệu nhận biết của một sản phẩm chất lượng hàng đầu thế giới.

‘Made in Germany’ từng được dùng để chỉ đồ nhái: Điều gì làm nên cú ngoặt khiến hàng Đức có thể dùng được cả trăm năm? - Ảnh 1.

Chất lượng là điều tiên quyết

Abelshauser cho biết: “Nền kinh tế Đức, thậm chí cho đến ngày nay, vẫn chuyên về quan hệ khách hàng thân thiết. Họ cung cấp theo các yêu cầu chính xác của khách hàng, cho dù là dự án cơ sở hạ tầng hay máy móc thông minh". Nó hoàn toàn trái ngược với các hệ thống sản xuất hàng loạt.

Các sản phẩm được sản xuất theo kiểu này càng trở nên phổ biến, các doanh nghiệp Đức càng bắt đầu tận dụng nhãn "Made in Germany" để tiếp thị và quảng cáo một cách quyết đoán hơn. Và phương pháp này hoạt động hiệu quả.

Nhãn “Made in Germany” vẫn tiếp tục được đánh giá cao cho đến tận ngày nay và là lý do quan trọng khiến mọi người quyết định mua một sản phẩm. Abelshauser khẳng định điều đó, đặc biệt là trong các ngành mà các sản phẩm của Đức dẫn đầu thế giới như xe cộ, điện tử và hóa chất.

Ưu thế của sản phẩm “Made in Germany” không phải giá cả. Bản thân người dân Đức cũng thừa nhận hàng Đức chất lượng nhưng không rẻ. Họ không chấp nhận chuyện sản phẩm tốt mà giá lại rẻ.

Thay vào đó, ưu thế của những sản phẩm Đức là chất lượng cao. Các sản phẩm của những doanh nghiệp Đức thường có đẳng cấp dẫn đầu thế giới và ít có đối thủ cạnh tranh.

Nhìn chung, các sản phẩm “Made in Germany” không tham gia chạy đua về giá cả. Các công ty hiểu rằng giá cả không quyết định được tất cả. Họ cần có lợi nhuận, nhưng không chạy theo lợi nhuận một cách mù quáng và hướng tới sự phát triển bền vững.

Tổng hợp

Thiên Di

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên