MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mải miết bán dầu giá rẻ cho các “vị cứu tinh”, Nga đang trao đi ngôi vương năng lượng cho các quốc gia châu Á mà không hề hay biết

28-12-2022 - 07:40 AM | Thị trường

Các chuyên gia cho rằng sự cô lập của Nga với các thị trường toàn cầu đang làm suy yếu nền kinh tế của nước này và sẽ phá hủy vị thế “siêu cường năng lượng” của chính quyền ông Putin.

Mải miết bán dầu giá rẻ cho các “vị cứu tinh”, Nga đang trao đi ngôi vương năng lượng cho các quốc gia châu Á mà không hề hay biết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cuộc đua tìm khách hàng thay thế châu Âu

Trong những tháng đầu tiên sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, khả năng phục hồi của Nga đã khiến các chuyên gia ngạc nhiên. Tuy nhiên ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự cô lập ngày càng sâu sắc sẽ dẫn đến những hậu quả về kinh tế trong nhiều năm tới cho Nga và vị thế siêu cường năng lượng của chính quyền ông Putin bị suy giảm đáng kể.

Kể từ khi hứng chịu những đòn trừng phạt ban đầu của phương Tây, Nga phần lớn đã trả đũa bằng cách đóng cửa đối với phương Tây, độc quyền giao dịch với các quốc gia “thân thiện” và củng cố quan hệ đối tác với các quốc gia có thể cam kết kinh doanh với một quốc gia đang bị bỏ rơi.

Nga đã nhận lại được những bước đệm nhất định. Sau khi dừng dòng khí đốt quan trọng của châu Âu và bán nguồn cung cấp nhiên liệu còn sót lại cho các khách hàng như Trung Quốc và Ấn Độ, việc bán năng lượng cho 2 quốc gia châu Á này đã mang lại cho Nga hơn 24 tỷ USD chỉ trong 3 tháng đầu tiên sau khi xung đột xảy ra.

Theo Yuriy Gorodnichenko, một nhà kinh tế học của UC Berkeley, bên dưới sự thể hiện kiên cường đầy thách thức của ông Putin, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga sẽ phải trả giá đắt cho việc bị cô lập trong thời gian dài.

Quốc gia này ghi nhận GDP 1,78 nghìn tỷ USD vào năm 2021, giảm so với 2,06 nghìn tỷ USD bảy năm trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính GDP sẽ giảm thêm 6% trong năm nay.

Điều này là hậu quả của việc Nga bị giảm số lượng sản phẩm mà họ có thể mua. Họ chỉ có thể mua hàng hóa nông nghiệp của Ấn Độ, mua hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.

"Và khi bạn giới hạn mình ở một quốc gia cụ thể, bạn thường không nhận được chất lượng cao nhất hoặc giá tốt nhất", nhà phân tích nói thêm.

Điều đó có nghĩa là lệnh cấm thanh toán của Nga đối với đồng USD "không thân thiện" - chiếm 88% giao dịch ngoại hối toàn cầu - là một rào cản lớn, cho phép người bán tính phí bảo hiểm và khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Mải miết bán dầu giá rẻ cho các “vị cứu tinh”, Nga đang trao đi ngôi vương năng lượng cho các quốc gia châu Á mà không hề hay biết - Ảnh 2.

Ảnh: Insider

Những vị cứu tinh "nguy hiểm"

Theo trích dẫn dữ liệu từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, kể từ sau xung đột, thương mại giữa Nga với các quốc gia bị trừng phạt đã giảm 60% và thương mại với các quốc gia không bị trừng phạt đã giảm 40%.

Tất cả những điều này tạo ra một cú đấm đặc biệt mạnh mẽ cho xuất khẩu năng lượng của Nga.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào năm ngoái, doanh số bán dầu và khí đốt chiếm 45% GDP của Nga. Tuy nhiên, việc thúc đẩy và duy trì sản xuất năng lượng trong dài hạn phụ thuộc vào khả năng mua máy móc và công nghệ cần thiết để cung cấp năng lượng cho ngành, phần lớn được sản xuất ở phương Tây.

"Nhiều bộ dụng cụ và máy móc thăm dò mỏ dầu là công nghệ cực kỳ cao. Đó là hệ thống GPS và robot điều khiển mọi thứ nằm sâu dưới lòng đất. Đó không chỉ là một nhóm người với một cái ống lớn và một đống búa tạ," Zagorsky nói.

Việc không thể đầu tư vào công nghệ đó sẽ là rào cản lớn đối với sự thống trị của Nga trên thị trường năng lượng trong tương lai, đặc biệt là khi châu Âu thiếu năng lượng đang chi hàng tỷ USD để tăng sản lượng trong thập kỷ tới.

Điều này cũng phức tạp hơn khi Nga đang bán dầu của mình cho 1 số khách hàng chọn lọc, giúp cho Nga và Ấn Độ mua được dầu Nga với giá được chiết khấu cực mạnh và sau đó bán cho các khách hàng khác để kiếm lời. Việc bán dầu giá rẻ như vậy không chỉ cắt giảm doanh thu năng lượng của Nga mà còn buộc ông Putin đang phải nhượng lại phần lớn quyền lực của mình trên thị trường dầu mỏ.

Mặc dù Bộ tài chính Nga không công bố các báo cáo hàng tháng, nhưng các tài liệu nội bộ do Bloomberg xem xét cho thấy Nga đã phải gánh chịu những thiệt hại trực tiếp hàng tỷ USD từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và thặng dư ngân sách của nước này đã giảm 137 tỷ rúp, tương đương 2,1 tỷ USD tính đến tháng 8.

Don Hanna, một nhà kinh tế tại UC Berkeley nói với Insider: “Việc họ không công bố nhiều dữ liệu kinh tế cho thấy rằng họ biết có những khoản sụt giảm mạnh, nhưng họ muốn che giấu mức độ của những chi phí đó. Tất cả những điều đó nhằm che đậy hậu quả của xung đột tại Ukraine đối với nền kinh tế Nga."

Theo Insider, Bloomberg

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên