MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Mái tranh di động" cách chống chọi với nắng nóng của người Hà Tĩnh

28-04-2019 - 20:04 PM | Thị trường

Trong những ngày nắng nóng này, nông dân Hà Tĩnh có một công cụ chống nắng hữu hiệu khi ra đồng là chiếc áo tơi, thứ được ví như “mái tranh di động", vừa bền vừa rẻ. Nghề chằm tơi ở Hà Tĩnh cũng nhờ vậy được duy trì và tạo thêm thu nhập cho bà con khi nông nhàn.

Nghề truyền thống

Chúng tôi tìm về thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), làng có truyền thống chằm áo tơi đã 300 năm. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, áo tơi tưởng chừng như bị lãng quên. Trải qua bao thăng trầm, biến động cùng lịch sử, nghề chằm áo tơi ở xóm Yên Lạc vẫn tồn tại và giữ được nét riêng độc đáo của nó.

Mái tranh di động cách chống chọi với nắng nóng của người Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Toàn cảnh xã Quang Lộc

Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lúc cao điểm lên tới 41 – 42 độ C, vừa chằm tơi vừa trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Sỵ, thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc cho biết "nghề chằm tơi này có từ lâu đời, từ khi còn nhỏ tôi được cha ông truyền lại. Trước đây, chằm tơi có 2 mùa là tơi mùa nắng và tơi mùa mưa, nhưng giờ mùa mưa đã có áo mưa nên chỉ làm tơi mùa nắng".

Mái tranh di động cách chống chọi với nắng nóng của người Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Sỵ vừa chẻ mây vừa trò chuyện

"Để làm được áo tơi, phải lên rừng lấy lá, sấy qua lửa sau đó mới đem phơi rồi mới tiến hành lấy lá để chằm tơi. Thời gian để làm mỗi chiếc tơi là khoảng 1 tiếng đồng hồ, giá mỗi chiếc tơi dao động từ 60-70 ngàn đồng nên cũng có thêm thu nhập cho gia đình", chị Sỵ thông tin thêm.

Mái tranh di động cách chống chọi với nắng nóng của người Hà Tĩnh - Ảnh 3.
Mái tranh di động cách chống chọi với nắng nóng của người Hà Tĩnh - Ảnh 4.

Để làm được áo tơi người dân phải lên rừng lấy lá, sau đó về đem phơi

Ông Thân Viết Đức năm nay đã hơn 60 tuổi, có thâm niên làm nghề chằm tơi cả mấy chục năm nay cho biết để có lá chằm tơi, ông cùng người dân ở đây phải lên rừng ở tận huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) để lấy lá bởi "lá tơi giờ hiếm, trước đây trong làng có, nhưng nhiều năm trở lại đây do phong trào xây xóa bỏ vườn tạp nên đã chặt phá hết. Giờ để làm được 100 cái tơi, một người phải lên rừng 1,5 ngày để lấy lá".

Áo tơi chống nắng nóng

Không phải là người gốc địa phương, bà Nguyễn Thị Thái, về làm dâu tại thôn Yên Lạc và cũng học nghề từ đó. Sau 30 năm, việc chằm tơi giờ đây đối với bà đã quá quen thuộc. Vừa làm bà vừa kể "tơi này là làm để chống nắng, đối với người dân quê khi ra đồng thì đây là vật dụng chống nắng hữu hiệu nhất, lúc còn trẻ mỗi ngày tôi làm cả chục cái, nhưng giờ già rồi thì bình quân làm được ngày 5-6 cái".

Mái tranh di động cách chống chọi với nắng nóng của người Hà Tĩnh - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Thái vừa chằm tơi vừa trò chuyện

Áo tơi, một sản phẩm đặc trưng của người dân nông thôn Hà Tĩnh. Những chiếc áo tơi được sử dụng như những “mái tranh” di động là cách mà bà con sử dụng để chống lại cái nắng như thiêu như đốt.

Áo  được chằm từ lá tơi, lá cọ và dây mây, dùng để che nắng che mưa. Làng nghề chằm tơi Yên Lạc xã Quang Lộc huyện Can Lộc, có khoảng 100 hộ sản xuất áo tơi. Bắt đầu từ cuối tháng 2 âm lịch đến giữa tháng tư là mùa sản xuất cao điểm. Mặc dù mới đầu mùa nắng nhưng áo tơi sản xuất đến đâu là bán hết ngay đến đó.

Mái tranh di động cách chống chọi với nắng nóng của người Hà Tĩnh - Ảnh 6.

Áo tơi được xem là vật dụng chống nắng hữu hiệu của người nông dân khi ra đồng

Ông Đặng Hồng Kiệm, Chủ tịch UBND xã Quang Lộc cho hay "nghề này đã giúp cho người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay số người chằm tơi ngày càng ít đi, một phần vì lá để chằm tơi trở nên khan hiếm hơn, phần nữa do nghề chằm tơi tiêu thụ được ít sản phẩm hơn vì thế người dân nơi đây đang trăn trở tìm cách giữ nghề truyền thống".

Mái tranh di động cách chống chọi với nắng nóng của người Hà Tĩnh - Ảnh 7.
Mái tranh di động cách chống chọi với nắng nóng của người Hà Tĩnh - Ảnh 8.

Nghề chằm tơi được xem như nghề tổ truyền của người dân thôn Yên Lạc

Với nông dân Hà Tĩnh, dù cuộc sống đã nhiều đổi thay, phương thức sản xuất đã có nhiều cải tiến nhưng từ bao năm nay chiếc áo tơi vẫn là dụng cụ bền chắc, rẻ tiền, giúp chống chịu với thời tiết khắc nghiệt.

Theo Anh Đức

Lao động

Trở lên trên