MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Make in Vietnam và cái mào taxi

Sau 30 năm lắp ráp, gia công, đã đến lúc Việt Nam có đủ điều kiện để chuyển sang sáng tạo làm ra các sản phẩm công nghệ Việt. Cơ hội đến và không bao giờ trở lại. Chúng ta cần hành động ngay - Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ VN.

Chiếc “chìa khóa” cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng hay “câu trả lời” cho những “trăn trở ngàn năm”- như cách nói của Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Mạnh Hùng đã được đưa ra hôm qua. Đó chính là “Make in Vietnam”.

Make in Vietnam. Không có lỗi đánh máy nào ở đây cả. Bởi Make in Vietnam, như giải thích của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là “Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”.

Đã có nhiều cảnh báo về những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Chẳng hạn “điểm giới hạn” của mô hình phát triển truyền thống, dựa chủ yếu vào các yếu tố lao động giá rẻ, tài nguyên đất đai...

Đã có nỗi nhức nhối khi NSLĐ “thấp hơn cả Lào” hay “10 người Việt Nam làm không bằng một người Singapore”.

Đã có những lo lắng khi hầu hết các thành tố của công nghiệp luôn và vẫn chỉ là “lắp ráp gia công” với ngay cả “con vít” cho Canon cũng không làm nổi.

30 năm lắp ráp gia công, dựa vào lao động giá rẻ và đất đai đã là đủ. Bởi “nếu cứ mãi tiếp tục lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán NSLĐ và thoát bẫy thu nhập trung bình”. Với tuyên bố của Thủ tướng, Chính phủ đang mang tới một thông điệp mạnh mẽ về việc chuyển đổi mô hình phát triển với “chìa khóa” là Make in Vietnam, là giá trị gia tăng tạo ra từ công nghệ, từ chất xám, là việc từ một công xưởng của thế giới trở thành một quốc gia sáng tạo.

Chúng ta đang có một xuất phát điểm khá tốt với 77,1 triệu người, tức là hơn 80% dân số sử dụng Internet, đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những quỹ đầu tư mạo hiểm, nhiều hơn những DN, thậm chí tập đoàn công nghệ. Và minh chứng là trong 10 năm qua, các DN công nghệ VN về giá trị đã chiếm trên 15% GDP và gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế.

Chỉ có điều, Make in Vietnam không phải không có những rào cản. Hôm qua, trước diễn đàn, Tổng Giám đốc Công ty VCCorp Nguyễn Thế Tân nói thế này: “Các DN công nghệ VN rất muốn làm, đầy đủ nguồn lực để làm, thừa quyết tâm để làm nhưng không dám làm... vì nghi ngại”. Lý do: Rào cản nằm ở tư duy cũ. Lý do: Cái “mào taxi” khiến “cái cũ kéo lùi cái mới”. Và lý do: "Liệu một xã hội khủng long có thể xây dựng khung pháp lý cho loài người, cấp phép cho sinh vật dạng người được tồn tại?”.

Make in Vietnam thành công đến mức độ nào vì thế không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực tự thân của DN, vào quyết tâm của Chính phủ mà còn phụ thuộc vào việc phá bỏ tư duy quản lý cũ mà chuyện “Cái mào taxi” chỉ là một ví dụ mà thôi.

Theo Anh Đào

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên