MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặn chát đời muối

25-05-2020 - 07:21 AM | Thị trường

Trên những ô ruộng trắng xóa, hầm hập hơi nóng ban trưa, diêm dân miệt mài cào, xúc, loại bỏ tạp chất trước khi muối đóng thành viên. Hạt muối trên ruộng tỏa đi khắp nơi theo guồng chân cánh chị em, có người cả tuổi thanh xuân vắt ngang gánh muối rong.

Bài 1: Đời cõng nắng

Đất trời xứ Nghệ đang ở giữa những đợt nắng nóng gay gắt. Với nhiều người, nắng nóng quả là khắc nghiệt, nhưng với bà con diêm dân, đó thực sự là những ngày vui.

Những dấu hỏi nơi chảo lửa

Niềm vui bay lên từ những nhọc nhằn trĩu nặng. Bất chấp cái nắng cái gió thiêu đốt, hàng trăm diêm dân vẫn phơi mình trên những ô ruộng trắng xóa. Trên cánh đồng muối rộng 51 ha của HTX Vạn Nam (xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), không khó để bắt gặp hình ảnh những tấm lưng cong hình dấu hỏi đang miệt mài cào đất dưới trời nắng như đổ lửa. Làm muối với bà con vùng ven biển đã trở thành nghề chính, gắn bó máu thịt.

Cặm cụi dùng chiếc cào đập tan lớp đất được hong khô từ dòng nước mặn đưa vào, cụ Đặng Văn Phát (85 tuổi, xóm Vạn Nam, xã Diễn Vạn) khấp khởi mừng vì trời nắng to. Mười hai giờ trưa, nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 40 độ C, cánh đồng muối bốc hơi, cái nóng như rang áp vào đôi bàn chân, phả vào mặt, cụ Phát vẫn bì bõm dầm chân trần dưới ruộng để cào đất.

Từng giọt mồ hôi lấm tấm rơi, lăn dài xuống hai gò má đen sạm, rồi mới chạm cằm, chưa kịp đáp đất đã bị hong khô. “Gia đình tôi 3 đời làm muối. Nghề này vất vả lắm cháu ạ! Nắng nóng, người ta ở trong bóng mát, còn mình phải ra phơi trời, hầu như chẳng có thời gian nghỉ trưa. Vất vả, nhọc nhằn là vậy, nhưng thu nhập chẳng được là bao, cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình”, cụ Phát thở dài.

Một ngày của diêm dân bắt đầu từ sáng tinh mơ đến lúc gà lên chuồng, chân tay ai nấy đều nứt toác, xám xịt, tóc, da cháy khét màu nắng… Cái nắng bỏng rát, vị muối mặn chát đã thẩm thấu vào da thịt, vào số phận của hàng trăm người dân làng muối tự kiếp nào. Hơn 70 năm trong nghề, hơn 70 mùa hè khắc nghiệt đi qua, chưa bao giờ cụ Phát thử đo nhiệt độ cánh đồng muối lúc ban trưa, chỉ biết nắng càng gắt, càng chói, muối càng trở mình kết tinh cao, tạo ra những hạt mẩy căng, óng ánh dưới nắng trời. Đó chính là lúc diêm dân hồ hởi ra đồng, chạy đua với ánh mặt trời để cào, xúc và loại bỏ tạp chất trước khi muối đóng thành viên.

Cào được chừng một giờ, cụ Phát tìm chỗ tạm trốn nắng. Căn lều dựng giữa đồng, được tạo nên bởi vài tấm bạt rách, vài ba tàu lá chuối đã ngả màu vàng úa. Khá đơn giản và sơ sài. Cụ ngồi đó, nhấp vội ngụm nước chè, đảo đôi mắt nhìn khắp bốn bề toàn nắng. Xa xa, bóng hàng trăm diêm dân đang hì hục cào đất, tưới nước mờ dần.

Mặn chát đời muối - Ảnh 1.

Cụ Đặng Văn Phát dầm chân trần dưới ruộng để cào đất dưới nắng hè gay gắt

Với hàng trăm hộ dân xóm biển, mùa muối từ lâu đã trở thành mùa canh tác nuôi sống gia đình họ. Vụ muối của diêm dân thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 (dương lịch), cao điểm là tháng 6, tháng 7 khi những đợt nắng gắt phả hơi lửa xuống mặt đất. Kéo vội vạt áo bám đầy bùn đất lau dòng mồ hôi đang chảy ròng ròng trên mặt, bà Đặng Thị Thao (55 tuổi, xóm Vạn Nam) than thở: “Làm muối rất cực. 5 giờ sáng đã phải dậy ra đồng đến tối mịt mới về. Từ đầu mùa đến giờ, gia đình bà làm quần quật cả ngày lẫn đêm mới thu về được hơn 3 triệu đồng. Đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, muối cũng không bán được, chất đống trong kho”.

Hơn 40 năm làm nghề, bà Thao cho biết, quy trình để có hạt muối ngon, trắng tinh khiết không hề đơn giản. Diêm dân phải chọn thật kỹ nền đất trong lòng ruộng với độ bằng phẳng đều, để sau khi nạo vét tạp chất và đầm nén, đất mặt đáy ổn định sẽ cho độ kết dính cao, bảo vệ chắc chắn cho cả khung và chân ruộng. Trong suốt quá trình sản xuất, nếu độ kết dính mặt đáy không đảm bảo, đất bùn dưới lòng ruộng bị xì tràn lan sẽ không kết tinh được muối. Bên cạnh đó, độ mặn của nước biển dẫn vào phải cao thì độ bốc hơi nước trong thời gian hong nắng sẽ nhanh và sớm kết tinh.

Theo kinh nghiệm của diêm dân, chỉ cần phơi nắng đủ một ngày là những hạt muối trắng ngần dần dần hiện ra. Đổi lại, diêm dân phải oằn mình trong những cơn nắng oi nồng, mồ hôi thấm đẫm bao gánh muối nhọc nhằn. Trời nắng đã vậy, trời mưa lại càng khổ ải hơn. “Nhớ những đêm nằm nghe gió lùa về cùng vài ba giọt mưa tí tách, cả làng lại hò nhau ra đồng đậy bạt che chắn để hạt mưa không làm hỏng vựa muối chưa kịp thu về. Có nhà cẩn thận dựng lều ngủ ngay ngoài đồng, sáng sớm trở về với mái đầu bạc phếch như tuyết”, bà Thao kể.

Sản xuất đã khó, tiêu thụ sản phẩm lại càng khó hơn. Đã không ít lần, diêm dân lao đao, khóc ròng vì giá muối bèo bọt. Nghề làm muối phụ thuộc thời tiết, giá thấp, phập phù, nên đời sống người dân bao đời nay vẫn bấp bênh, đầy rẫy khó khăn. Vất vả là vậy, cõng nắng, cõng mưa, cõng cả những nhọc nhằn trên đôi vai gầy chai sạn, nhưng diêm dân thu lại không đáng là bao. “Hơn 10 tiếng phơi mình dưới nắng như thiêu đốt, vắt kiệt sức lao động cũng chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng”, bà Thao cho biết.

Người già bám trụ

Nhiều cư dân nơi đây giờ chẳng còn mặn mà với nghề cha ông để lại. Nhiều người trẻ lớn lên rồi tìm hướng đi khác, tránh những tháng ngày cơ cực dưới nắng gắt mùa hè. Giờ đây, lực lượng sản xuất muối ở xã Diễn Vạn chủ yếu là người già. Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, “gần đất xa trời”, nhưng họ vẫn lê bước ra đồng, bám trụ với nghề, gắn kết với những ô muối mặn chát kết tinh từ vị mặn mòi của biển, từ mồ hôi, nước mắt của người.

Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu (Nghệ An), cho biết, trước đây, diện tích sản xuất muối giảm từ 120,6 ha năm 2019 xuống còn 99,6 ha năm 2020 với sản lượng 6.435 tấn, do thu nhập từ muối thấp, muối thủ công không không cạnh tranh được với muối công nghiệp. “Toàn huyện đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đầu tư cơ sở hạ tầng; kêu gọi và tạo điều kiện để doanh nghiệp ký hợp đồng mua muối chế biến và phục vụ tiêu dùng; đa dạng các sản phẩm muối; củng cố, nâng cao hiệu quả của các HTX... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo ổn định đời sống diêm dân”, ông Hiếu nói.

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 698 ha với 5.027 hộ sản xuất muối. Năm 2019, sản lượng muối toàn tỉnh đạt 58.435 tấn, tập trung tại các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu…

Bao đời nay, những diêm dân như cụ Phát, bà Thao gắn chặt đời mình với hạt muối, dẫu chịu nhiều vất vả, đắng cay. Ở xã Diễn Vạn, mỗi hộ làm muối đều có ít nhất một người theo nghề bán muối rong. "Ai muối không, ai muối nào…!".


Theo Thu Hiền

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên