MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Màn chốt deal của Nobita: Khi Shark Phú muốn bỏ ít tiền nhất nhưng muốn lấy người, Shark Bình sẵn sàng chi tiền nhưng phải có cổ phần để đi đường dài, tốt nhất là chọn cả hai

15-07-2021 - 13:15 PM | Doanh nghiệp

Màn chốt deal của Nobita: Khi Shark Phú muốn bỏ ít tiền nhất nhưng muốn lấy người, Shark Bình sẵn sàng chi tiền nhưng phải có cổ phần để đi đường dài, tốt nhất là chọn cả hai

Shark Tank mùa 4 đã chứng kiến màn gọi vốn độc đáo của startup Nobita, giải pháp cho các nhà bán hàng online khiến Shark Bình và Shark Phú phá lệ, nâng mức định giá để chiêu dụ nhân tài.

Công ty ECRM được 2 thành viên Kim Cương và Chu Đức thành lập từ năm 2016. Đến năm 2020, cả hai cho ra đời Nobita ECRM - 1 giải pháp hữu ích dành người kinh doanh online. 

Được biết, CEO của công ty - Kim Cương đã khởi nghiệp từ năm cuối Đại học và 2017 đạt danh hiệuvDoanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc. Trong khi CMO Chu Đức (Donnie Chu) người cực nổi tiếng trong ngành Digital Commerce, quản lí khá nhiều Cộng đồng trên Fb.

Màn chốt deal của Nobita: Khi Shark Phú muốn bỏ ít tiền nhất nhưng muốn lấy người, Shark Bình sẵn sàng chi tiền nhưng phải có cổ phần để đi đường dài, tốt nhất là chọn cả hai - Ảnh 1.

Theo giới thiệu, phần mềm Nobita đã hỗ trợ 9.000+ doanh nghiệp kinh doanh online giảm bớt đến 50% chi phí vận hành mỗi tháng bằng các giải pháp như: Giúp các shop kinh doanh online vận hành tự động, giảm tối đa nhân sự dư thừa; Tối ưu và chuẩn hóa các quy trình: lên đơn, vận đơn, kiểm kho,...giảm tuyệt đối thất thoát; Tự động hoá các chiến dịch marketing và chăm sóc khách hàng giúp tối ưu trải nghiệm khách hàng, gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp; Lên đơn siêu tốc, check tồn kho sản phẩm chính xác ngay tại giao diện lên đơn giúp tối ưu, giảm tải công việc cho nhân sự; Thông tin đơn hàng hoàn chỉ cần quét mã qua app là về kho mà không cần sự can thiệp; Tích hợp những đơn vị vận chuyển hàng đầu như: Viettel Post, GHN, GHTK, J&T Express,...ngay trên Nobita, tự động thông báo trạng thái đơn hàng đầy đủ chi tiết cho khách hàng qua đa kênh bán : facebook, zalo, sms, email.

Kim Cương và Chu Đức lên gọi vốn 500.000 USD cho 7% cổ phần của công ty, định giá pre-money là 6,64 triệu USD (tương đương khoảng 152 tỷ đồng).  CEO của Nobita cho biết doanh thu 2021 dự kiến đạt 30 tỷ đồng, lợi nhuận 20%. Trong khi Chu Đức cho rằng, mức định giá này không hề cao, GMV (tổng giá trị giao dịch) qua hệ thống hàng tháng là từ 350 – 500 tỷ tháng, dự kiến tăng trưởng lên 1.000 tỷ vào cuối quý 3 năm nay.

Ban đầu, Shark Phú đưa ra đề nghị 500.000 USD cho 25% cổ phần, định giá công ty premoney là 1,5 triệu USD (khoảng 34,5 tỷ đồng). Shark Hưng đề nghị 500.000 USD cho 35% cổ phần và Shark Linh đề nghị 500.000 USD cho 45% cổ phần.

Shark Bình đề nghị 500.000 USD cho 20% cổ phần, định giá premoney 2 triệu USD, cao hơn tất cả các shark còn lại. Nghe thấy vậy, Shark Phú nâng offer lên 500.000 USD cho 19% cổ phần, cao hơn Shark Bình 1%.

Kim Cương đề nghị ngoài đầu tư cổ phần thì các Shark có thể cho vay, sau này tiền vay có thể chuyển thành cổ phần, có cam kết KPI và đưa ra con số 400.000 USD cho 15% cổ phần, 100.000 USD là cho vay chuyển đổi, định giá công ty 2,26 triệu đô. 

Cuối cùng, Shark Phú và Shark Bình bắt tay nhau, Shark Bình đầu tư 400.000 USD lấy 15% cổ phần, Shark Phú cho vay 100.000 USD dưới dạng chuyển đổi, với discount 25% cho vòng sau.   

Theo ông Vũ Minh Trường - NCS Tiến sĩ Lãnh Đạo Chiến Lược, ĐH James Madison, mức định giá của Shark Phú là cao nhất nhưng cách của Shark Bình thì công ty lấy được nhiều tiền nhất. Khi không biết chọn cái nào, startup chọn lấy cả 2. Shark Phú muốn bỏ ít tiền nhất nhưng có thể lấy được người. Shark Bình sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn nhưng phải có cổ phần để đi đường dài. CEO sẽ có được cả 2 Shark hỗ trợ và cả 2 Shark đều có thứ mình muốn. Sáng tạo khi đàm phán, mở rộng miếng bánh thì ai cũng có phần mình muốn.

Màn chốt deal của Nobita: Khi Shark Phú muốn bỏ ít tiền nhất nhưng muốn lấy người, Shark Bình sẵn sàng chi tiền nhưng phải có cổ phần để đi đường dài, tốt nhất là chọn cả hai - Ảnh 2.

Chia sẻ bên lề, Shark Phú cho biết quyết định nâng mức định giá Nobita là do tin tưởng vào đội ngũ founder và mô hình kinh doanh.

"Khi các bạn hát tôi vẫn chưa hình dung ra các bạn làm gì, nhưng sau khi nghe trình bày, tôi thấy hai founder trẻ trung, có tướng mạo sáng sủa, thông minh và quyết liệt. Bộ nhận diện thương hiệu Nobita rất smart và chuyên nghiệp, do các bạn tự thiết kế, tôi đánh giá cao về khả năng tư duy logic của các bạn. Đội ngũ founder của Nobita có một bạn có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử (chuyên môn) và một bạn giỏi về IT. Mô hình kinh doanh đã vượt qua điểm hoà vốn và bắt đầu có lợi nhuận, dòng tiền đủ trang trải chi phí và cam kết doanh số khá ấn tượng. Các bạn tập trung giải quyết nhu cầu rất lớn đối với các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh online, đây là thị trường sẽ tăng trưởng rất lớn trong tương lai. Đây là cơ hội kinh doanh rất lớn, bản thân Sunhouse cũng đang củng cố bộ phận kinh doanh online của mình, do đó tôi thấy mô hình của các bạn phù hợp với hệ sinh thái của Sunhouse", Shark Phú chia sẻ.

Quan trọng hơn, theo Shark Phú, khoản đầu tư này "khá là chắc chắn". "Xét về hiệu quả đầu tư, khoản đầu tư này có khả năng hoàn vốn tốt trong tương lai, đây là điểm khá chắc chắn và tôi tin các bạn sẽ thành công. Bản thân tôi rất quan tâm đến con người, nhìn tướng mạo, đánh giá mô hình kinh doanh, khả năng sinh lời và khả năng bảo toàn vốn nên tôi quyết định trả giá cao lên cho thương vụ này", Shark Phú nhận xét. 

Theo Shark Phú, đội ngũ Sunhouse sẽ giúp đội ngũ Nobita cải thiện trải nghiệm khách hàng, kết hợp với hệ sinh thái của Shark Bình thì Shark Phú tin Nobita sẽ phát triển rất nhanh.

Với Shark Bình, vị cá mập này cho biết trong hệ sinh thái kinh tế số của Nexttech có gần 30 nền tảng khác nhau trong việc hỗ trợ chuyển đổi số của doanh nghiệp, thậm chí Nexttech cũng có một sản phẩm tương tự như Nobita, quản lý bán hàng cho các nhóm bán hàng online. "Tuy nhiên nếu hệ sinh thái của Nexttech có thể kết nạp thêm khách hàng, doanh nghiệp gia nhập hệ sinh thái để mạnh thêm để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Việt Nam thì chúng tôi tiếp tục đầu tư, và không có áp lực phải exit sớm để kiếm lợi nhuận từ khoản đầu tư của mình", Shark Bình chia sẻ.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên