Mạng di động ảo là gì, vì sao Masan quyết chi 300 tỷ thâu tóm một công ty mới hoạt động hơn 2 năm và đang thua lỗ nặng?
Việt Nam có hai nhà cung cấp mạng di động ảo (Mobile Virtual Network Operator - MVNO), một hiện thuộc sở hữu của Masan Group, đơn vị còn lại thuộc về Bitexco Group.
Công ty The Sherpa (thuộc Masan Group) vừa chi ra gần 300 tỷ đồng mua lại 70% cổ phần Mobicast (sở hữu thương hiệu mạng di động Reddi) qua đó mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Định giá của Mobicast rơi vào khoảng 423 tỷ đồng.
Được thành lập vào năm 2016, Mobicast chính thức nhận được giấy phép vận hành mạng di động ảo năm 2019. Reddi hướng vào nhóm khách hàng trẻ, cung cấp cho khách hàng trải nghiệm trực tuyến và hướng đến chuyển đổi thành siêu ứng dụng dựa trên cốt lõi là dịch vụ di động.
Các công ty cung cấp dịch vụ di động kiểu MVNO không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông mà hợp tác với các nhà khai thác mạng di động truyền thống (MNO) để sử dụng các dịch vụ truyền dẫn dựa trên phổ tần sóng điện từ cùng với cơ sở hạ tầng mạng di động của MNO để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người tiêu dùng.
Đây là một mô hình hợp tác win – win: các MNO được hưởng lợi nhờ công suất sử dụng mạng gia tăng, trong khi các MVNO có mô hình kinh doanh tinh gọn nhờ tận dụng hạ tầng mạng truyền dẫn và thu phát sóng đã có sẵn. Trên thế giới, MVNO là mô hình kinh doanh viễn thông rất phổ biến. Ví dụ như tại Anh, gần 20% thị phần trong tổng thị trường di động thuộc về các nhà mạng MVNO.
Theo báo cáo nghiên cứu được phát hành bởi ResearchAndMarkets, doanh thu toàn cầu của thị trường MVNO sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng CAGR 7,1% trong giai đoạn 2021 – 2031, dự kiến đạt 140 tỷ USD vào năm 2031. Châu Âu được dự báo là thị trường MVNO lớn nhất. Các công ty lớn trong lĩnh vực MVNO toàn cầu hiện có: AT&T, Verizon Communications, T-Mobile, Lycamobile, CITIC Telecom International Holding…
Quay trở lại với Reddi, thương hiệu mạng này sử dụng hạ tầng của VNPT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Đối thủ chung phân khúc của Reddi là Indochina Telecom, công ty thuộc Bitexco Group chính là đơn vị tiên phong trong MVNO tại Việt Nam.
Doanh thu của Reddi là không đáng kể trong hai năm đầu gia nhập thị trường, đi cùng mức lỗ tương đối lớn. Tuy nhiên, tình cảnh này có thể thay đổi khi nhà mạng được tích hợp vào hệ thống của Masan.
Trong thông cáo, Masan cho biết việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu để tập đoàn số hoá hệ sinh thái tiêu dùng "Point of Life". Masan có kế hoạch tiếp cận khách hàng trong các lĩnh vực từ nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính đến dịch vụ số, chiếm tới 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Reddi được tiếp cận độc quyền đến tập khách hàng của Masan thông qua các điểm bán hàng trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc. Đây là lợi thế giúp Reddi tiết giảm đáng kể chi phí thu hút khách hàng và cho phép công ty dùng khoản tiết kiệm này để tái đầu tư vào phát triển các giải pháp tiêu dùng số. Hiện tại, 44% thuê bao di động vẫn chủ yếu dùng dịch vụ thoại và SMS.
Masan đang từng bước để tích hợp các sản phẩm, dịch vụ khác nhau vào điểm bán hàng của VinCommerce. Kể từ đầu năm, lần lượt nhãn đồ uống Phúc Long, dịch vụ tài chính của Techcombank và giờ là dịch vụ di động Reddi được đưa vào hệ thống. Tính cả thương vụ Phúc Long, Masan đã chi gần 650 tỷ đồng cho việc M&A tăng cường các thương hiệu cho Point of Life. VinCommerce hiện đang "đi hai chân", vừa mở rộng số lượng cửa hàng, tăng cường số lượng dịch vụ, bên cạnh vẫn phải đạt mục tiêu biên lợi nhuận.
Khi đa dạng hoá dịch vụ, Masan chắc chắn sẽ dần phải tinh chỉnh mô hình kinh doanh của mình cho phù hợp bên cạnh năng lực nhân viên bán hàng trở nên đa nhiệm hơn. Tuy nhiên, tính hiệu quả của mô hình đến đâu thì vẫn cần thời gian để có thể chứng minh. Bên cạnh việc hướng đến tính thiết yếu, việc nâng cao trải nghiệm người dùng cũng là yếu tố cần chú ý để chất lượng không tỷ lệ nghịch với số lượng dịch vụ cung cấp.