MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mang 'kỳ quan công nghệ' ra đại dương, Mỹ đánh cắp trót lọt tàu ngầm Liên Xô: Kết cục ê chề!

01-06-2024 - 14:00 PM | Tài chính quốc tế

Mỹ mất 6 năm để lên kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ này trong bí mật, cuối cùng lại bị phanh phui ngay trong nước.

Chiếc Hughes Glomar Explorer dài 188 mét đã thu hút rất nhiều sự chú ý vào năm 1974. Tàu khai thác biển sâu của Mỹ - được cho là sản phẩm của tỷ phú lập dị, ông trùm kinh doanh Mỹ Howard Hughes - là một trong những con tàu lớn nhất cùng loại, to đến mức không thể đi qua Kênh đào Panama.

Nhưng kích thước của con tàu không phải là nguyên nhân khiến nó được quan tâm rộng rãi, mà là sứ mệnh của nó - khai thác các nốt mangan từ đáy đại dương.

Mang 'kỳ quan công nghệ' ra đại dương, Mỹ đánh cắp trót lọt tàu ngầm Liên Xô: Kết cục ê chề!- Ảnh 1.

Con tàu khổng lồ Hughes Glomar Explorer dài 188 mét. Ảnh: Getty Imgaes

Vì vậy, khi tàu Hughes Glomar Explorer (gọi tắt là tàu Glomar) di chuyển 2.896 km về phía tây bắc Hawaii trong vùng biển hoang vu rộng lớn hướng tới Thái Bình Dương, nhiều người đã chú ý – trong đó có các thành viên của Hạm đội Đỏ. Khi các tàu Liên Xô đi ngang qua Glomar, họ không biết nhiệm vụ thực sự của con tàu là gì.

Quả thực, nỗ lực khai thác nốt sần đa kim ở đáy đại dương chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Tàu Glomar của Mỹ thực chất đang tham gia vào một nhiệm vụ bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có tên là "Dự án Azorian".

Sứ mệnh táo bạo này chính là đánh cắp tàu ngầm Liên Xô giữa thanh thiên bạch nhật.

Theo kế hoạch, người Mỹ sẽ sử dụng hệ thống thủy lực ẩn bên trong con tàu Glomar để thả một 'móng vuốt' xuống độ sâu 5.000 mét của Thái Bình Dương để kéo một tàu ngầm hạt nhân bị mất tích của Liên Xô được cho là chứa đầy tên lửa đạn đạo trang bị vũ khí hạt nhân và những bí mật chưa được kể thời Chiến tranh Lạnh (1946-1991).

Tàu ngầm Liên Xô K-129: Mảnh ghép quan trọng nhất của CIA

Andrew Hammond, nhà sử học và người phụ trách Bảo tàng Điệp viên Quốc tế (trụ sở tại thủ đô Washington, D.C., Mỹ) nói ngắn gọn: "Để hiểu về sứ mệnh này, cần lùi lại về phía sau để nhìn thấu` bức tranh toàn cảnh".

Mảnh ghép đầu tiên và quan trọng nhất của bức tranh đó bắt đầu bằng việc tàu K-129, một tàu ngầm hạt nhân lớp Golf II phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Liên Xô, bị chìm vào năm 1968.

Mang 'kỳ quan công nghệ' ra đại dương, Mỹ đánh cắp trót lọt tàu ngầm Liên Xô: Kết cục ê chề!- Ảnh 2.

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Golf II K-129 của Liên Xô, số hiệu 722, bị chìm năm 1968. Ảnh: CIA

K-129 được hạ thủy vào tháng 5/1959. Sau khi nâng cấp vào giữa những năm 1960, nó có một bộ hệ thống điện tử mới và mang theo một trong những vũ khí mới nhất của Liên Xô: Ba tên lửa đạn đạo có gắn đầu hạt nhân R-21 phóng từ tàu ngầm - chúng là những tên lửa hạt nhân đầu tiên mà tàu ngầm Liên Xô có thể phóng khi đang lặn.

Vào ngày 24/2/1968, K-129 và phi hành đoàn gồm 98 người khởi hành từ căn cứ ở Bán đảo Kamchatka với nhiệm vụ hoạt động trong điều kiện tắt vô tuyến trong hai tuần đầu tiên trên biển. Tuy nhiên, đến ngày 8/3, K-129 vẫn chưa báo cáo. Sau ngày thứ hai không báo cáo, Liên Xô gấp rút phát động một chiến dịch tìm kiếm lớn.

36 tàu đã lùng sục trên một vùng diện tích rộng 2,5 triệu mét vuông của Thái Bình Dương. 53 trực thăng đã thực hiện hơn 286 chuyến bay trong hơn hai tháng liên tục để lùng sục tung tích K-129.

Liên Xô thậm chí còn triển khai tìm kiếm bằng tàu ngầm sử dụng công suất tối đa của sonar nhưng sau nhiều tháng hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, sóng cao tới gần 14 mét, mọi tia hy vọng đều tắt.

Tình báo Mỹ cho thấy rõ ràng rằng Liên Xô không chắc chắn chính xác con tàu đã chìm ở đâu và đã ngừng tìm kiếm sau nhiều tháng nỗ lực.

Nhưng phía Mỹ lại khác. Nhờ công nghệ cao hơn, Mỹ đã có được bức tranh rõ ràng về tọa độ nơi K-129 bị chìm. Nhưng Washington phải mất 6 năm để vạch ra một sứ mệnh, chế tạo các thiết bị cần thiết, đưa tàu Glomar đến địa điểm định sẵn rồi bí mật nỗ lực kéo tàu ngầm lên khỏi đáy đại dương.

Vào tháng 7/1969, công việc thực sự bắt đầu. CIA đã tranh thủ sự giúp đỡ của tài phiệt Hughes để che đậy mục đích cuối cùng vì ít ai có thể nghi ngờ tham vọng của 'tỷ phú lập dị' này trong việc công khai ủng hộ sứ mệnh đóng một con tàu khai thác khổng lồ và đưa nó tới Thái Bình Dương để tìm kiếm các nốt mangan.

Đến tháng 10/1970, các kỹ sư CIA và các nhà thầu được chính phủ Mỹ cho phép xác định cách duy nhất để nâng tàu ngầm Liên Xô lên là một tời hạng nặng gắn trên một con tàu được sửa đổi đặc biệt.

Sống chính của con tàu được đặt vào tháng 11/1971, và việc chế tạo Glomar yêu cầu máy móc được thiết kế đặc biệt vì kích thước khổng lồ của nó. Con tàu được tạo ra trông giống như một giàn khoan dầu, nhưng có một cần trục ống chuyển, hai chân đế cao, càng cơ khí (cơ cấu bắt dạng móng vuốt) và một bệ trung tâm được gọi là "Moon pool" dùng để thả cột ống khoan xuống biển.

Sứ mệnh ám ảnh

Tàu Glomar sau đó đã đến thành phố cảng Long Beach, California, Mỹ để chuẩn bị thêm trước khi lên đường làm nhiệm vụ bí mật. Ngày 4/7/1974, một ngày sau khi Tổng thống Richard Nixon trở về sau chuyến đi tới Moscow, Glomar đến địa điểm phía trên xác tàu ngầm đắm.

Sự việc này tất nhiên không thể qua mắt nổi Hải quân Liên Xô. Liên Xô cử tàu và trực thăng đi giám sát Glomar, có thời điểm tàu Liên Xô tiến rất gần đến Glomar, chỉ cách hơn 180 mét.

Gần 200 thành viên thủy thủ đoàn Glomar đã âm thầm xếp các thùng hàng trên sàn trực thăng của tàu để ngăn không cho trực thăng Liên Xô đổ bộ.

Một tài liệu của CIA về sau được giải mật có đoạn: "Sẵn sàng tiêu hủy khẩn cấp các tài liệu có thể ảnh hưởng đến sứ mệnh nếu Liên Xô cố gắng lên tàu".

Mang 'kỳ quan công nghệ' ra đại dương, Mỹ đánh cắp trót lọt tàu ngầm Liên Xô: Kết cục ê chề!- Ảnh 3.

Hình ảnh minh họa cách tàu Glomar 'bắt' tàu ngầm K-129 của Liên Xô.

Khi sóng ập vào tàu Glomar, thủy thủ đoàn đã hạ càng cơ khí và chạm đến chiếc tàu ngầm Liên Xô dài 40 mét. Sau khi kẹp được thân tàu K-129, phương tiện trên tàu Mỹ từ từ kéo toàn bộ chiếc tàu ngầm lên khỏi đáy đại dương.

Mọi việc diễn ra căng thẳng đến mức khiến những người có mặt tại tàu phải nín thở. Glomar đang làm rất tốt, suôn sẻ đến mức sự việc xảy ra sau đó khiến toàn bộ thủy thủ đoàn bị ám ảnh.

Khi K-129 đi được nửa đường, ở độ sâu cách đáy đại dương khoảng 2.700 mét, bỗng tàu ngầm vỡ ra. Phần tàu vỡ dài 30 mét rơi trở lại đáy đại dương.

Glomar không bỏ cuộc, nỗ lực tiếp tục kéo phần còn lại lên và cuối cùng thu được một phần của K-129.

"Hình ảnh tàu ngầm vỡ ra vẫn ám ảnh chúng tôi mãi" - Sherman Wetmore, kỹ sư trưởng của Glomar về sau nói với CIA.

Thủy thủ đoàn phải mất tổng 8 ngày mới kéo được phần còn lại của tàu ngầm vào bên trong tàu Glomar. Tháng 8/1974, họ đưa một phần K-129 về Hawaii để kiểm tra.

Sáu năm trôi qua, Dự án Azorian vẫn chưa hoàn thành được kế hoạch lớn của mình mà chỉ hoàn thành được một phần nỗ lực. Khi Dự án Azorian rục rịch cho kế hoạch thứ hai, bí mật về Glomar mới bắt đầu sáng tỏ ra công chúng.

Los Angeles Times phanh phui sự việc & câu nói quen thuộc của CIA

Trong một sự kiện không liên quan, văn phòng của tỷ phú Hughes ở Los Angeles, bang California, Mỹ đã bị trộm đột nhập. Những tay trộm này đã truy cập được vào các tài liệu bí mật cho thấy sự móc nối giữa ông trùm kinh doanh, tàu Glomar với CIA.

Đích thân Giám đốc CIA William E. Colby đã kêu gọi những người đã biết về Azorian không tiết lộ dự án. CIA ra sức ngăn chặn thông tin rò rỉ. Nhưng nỗ lực đó bất thành khi vào tháng 2/1975, chính tờ Los Angeles Times (Mỹ) - một trong 10 tờ báo lớn nhất tại Mỹ - đã phanh phui sự việc và khiến chính quyền của Tổng thống lúc đó là Gerald Ford phải cam đoan không thực hiện thêm bất cứ sứ mệnh nào tương tự.

Vụ việc cũng khiến CIA phải đưa ra cụm từ nổi tiếng đến tận ngày nay, đó là: "Chúng tôi không thể xác nhận cũng như không thể phủ nhận các cáo buộc".

CIA viết trên website của mình: "Mặc dù Dự án Azorian không đạt được các mục tiêu tình báo đầy đủ nhưng CIA vẫn coi sứ mệnh này là một trong những chính biến tình báo lớn nhất trong Chiến tranh Lạnh. Sau cùng, Dự án Azorian vẫn là một kỳ công về mặt kỹ thuật, thúc đẩy công nghệ khai thác mỏ dưới đại dương sâu và công nghệ nâng hạng nặng".

Mang 'kỳ quan công nghệ' ra đại dương, Mỹ đánh cắp trót lọt tàu ngầm Liên Xô: Kết cục ê chề!- Ảnh 4.

Tàu Glomar về sau được đưa đến Trung Quốc để tháo dỡ năm 2015. Ảnh: U.S. Government photo

Nhà sử học Mỹ Andrew Hammond, phụ trách Bảo tàng Điệp viên Quốc tế, nhận định: Nếu Liên Xô được biết đến là bên dùng trí thông minh của con người ưu việt nhất trong cuộc đối đấu trong Chiến tranh Lạnh thì Mỹ lại vượt trội về trí thông minh kỹ thuật. Glomar là ví dụ lớn nhất và công khai nhất.

Sau những ồn ào, tàu Glomar tiếp tục hoạt động ít bí mật hơn, xử lý một số chuyến khai thác dưới đại dương trước khi trải qua hơn một phần tư thế kỷ không sử dụng. Vào những năm 1990, một công ty dầu khí đã khôi phục con tàu, khi đó được gọi là GSF Explorer, để khoan và thăm dò dầu dưới biển sâu cho đến khi nó bị tháo dỡ ở Trung Quốc vào năm 2015.

Một món đồ không bị đưa đến bãi phế liệu là những tấm ván boong tàu được lấy khỏi Glomar vào những năm 1970. CIA dự định tặng nó cho Tổng thống Nixon như một vật kỷ niệm về việc ông đã ủng hộ sứ mệnh, nhưng trước khi CIA kịp trao tấm ván cho Nixon, ông đã từ chức.

Tham khảo: Popular Mechanics, CIA, Business Insider


Theo Trang Ly

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên