MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mạng lưới điểm giao hàng chặng cuối: Yếu tố giúp thị trường thương mại điện tử phát triển bền vững

26-03-2024 - 07:20 AM | Kinh tế số

Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trong khu vực đã chỉ ra rằng năng lực logistics có quan hệ mật thiết và đồng biến với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Nội dung chính:

-Cơ hội ngành logistics với sự bùng nổ của ngành TMĐT

- Thách thức của mô hình logistics hiện tại 

- Giải pháp phát triển ngành logistics

  ----------

Mô hình chuyển phát trọn gói đang gặp không ít thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu cả về chi phí và chất lượng dịch vụ từ phía doanh nghiệp logistic, doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), và người mua hàng. Mô hình chuyển phát nào sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics, một trong những cấu phần quan trọng của TMĐT?

Thương mại điện tử và bài toán logistics

Trong nhiều năm liên tiếp, nền kinh tế kỹ thuật số (là nền kinh tế dựa trên kết nối internet như thương mại điện tử, tài chính số, truyền thông trực tuyến, du lịch trực tuyến, gọi xe số và đặt đồ ăn trực tuyến) tại Việt Nam duy trì mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo e-Conomy SEA, quy mô thị trường này ở Việt Nam đạt mức 30 tỷ USD vào năm 2023 và được kỳ vọng sẽ chạm mốc 90-200 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, thị trường TMĐT đóng góp hơn 50% giá trị, đạt x16 tỷ USD và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số (tăng 11% so với năm 2022).

Rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã có tăng trưởng doanh thu đột phá nhờ tham gia vào các sàn TMĐT, thay vì mở các cửa hàng vật lý như trước.

Xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số và TMĐT cũng đang diễn ra mạnh mẽ trên khu vực Đông Nam Á, với quy mô vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2019, đạt 194 tỷ USD vào năm 2022 (tăng gần gấp đôi sau chỉ 3 năm) và được kỳ vọng sẽ sớm đạt tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030, cũng theo Báo cáo e-Conomy SEA.

Khi ngày càng nhiều lĩnh vực của nền kinh tế được số hóa, cùng với xu hướng người tiêu dùng gia tăng tương tác và mua sắm trực tuyến, kinh tế kỹ thuật số ngày càng đóng vai trò quan trọng và được xem là yếu tố thúc đẩy và hỗ trợ sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Mạng lưới điểm giao hàng chặng cuối: Yếu tố giúp thị trường thương mại điện tử phát triển bền vững
- Ảnh 1.

Dù duy trì mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam hiện còn đóng góp khiêm tốn vào tổng GDP, quanh mức 7% GDP của năm 2023. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành năm 2022 đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Do đó, kinh tế kỹ thuật số nói chung và TMĐT nói riêng còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trong khu vực đã chỉ ra rằng năng lực logistics có quan hệ mật thiết và đồng biến với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp TMĐT. Sự tăng trưởng nhanh chóng của TMĐT trong thời gian qua dẫn đến nhu cầu cao của các hoạt động logistics phục vụ ngành. Ở chiều ngược lại, năng lực logistics phát triển có tác động tích cực đến tăng trưởng ngành TMĐT, khi giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, thuận tiện, và hiệu quả, góp phần gia tăng nhu cầu xã hội với các hoạt động kinh tế số.

Trong toàn bộ quy trình logistics, chuyển phát chặng cuối (last-mile delivery) là bước chiếm tỷ trọng lớn nhất (ước chiếm 75%) tổng chi phí của hoạt động logistics trong TMĐT và trực tiếp tác động đến hiệu quả của quá trình vận hành TMĐT. Khi nhu cầu về logistics cho TMĐT ngày một cao, các yêu cầu của khách hàng về việc chuyển phát hàng hóa thành công trong thời gian nhanh nhất và nhận hàng thuận tiện nhất cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho hoạt động chuyển phát chặng cuối, đặc biệt là trong mô hình chuyển phát trọn gói từ tay người giao đến tay người nhận (door-to-door delivery).

Đối với doanh nghiệp chuyển phát, thách thức của mô hình nằm ở chi phí vận hành lớn, một phần nguyên nhân đến từ tỷ lệ giao hàng thất bại. Giao hàng thất bại làm phát sinh các chi phí phát hàng lại, thay đổi thời gian giao hàng hoặc yêu cầu đổi trả sản phẩm, dẫn đến rủi ro thiếu hiệu quả trong việc quản lý vận hành đội xe và tuyến đường vận chuyển như nhiều xe, phương tiện hoặc bưu tá cùng đến một địa điểm nhiều lần trong ngày. Thách thức của mô hình còn đến từ phía người mua hàng, khi khách hàng yêu cầu ngày càng khắt khe về sự tiện lợi và linh hoạt trong giao hàng.

Mô hình chuyển phát tại điểm (Out-of-home delivery – OOH): giải pháp của ngành logistics

Với tiềm năng tăng trưởng và những thách thức đặt ra cho sự phát triển của TMĐT, rất nhiều doanh nghiệp logistics và chuyển phát hàng đầu thế giới và khu vực đã tích cực áp dụng các giải pháp thông minh để cải thiện hiệu quả giao hàng chặng cuối. Trong đó, nổi bật là mô hình OOH – chuyển phát tới một địa điểm nhận hàng chung thay vì tại nhà hay nơi làm việc của khách hàng. Mô hình này cho phép khách hàng lựa chọn đa dạng điểm giao hàng, bao gồm hình thức đặt hàng và nhận hàng tại điểm giao nhận chung PUDO (Pick-Up and Drop-Off) có người phục vụ, PUDO không có người phục vụ; hay ngân hàng tủ đồ, tủ đồ cá nhân hoặc tủ đồ chia sẻ.

Mô hình này thúc đẩy TMĐT phát triển bền vững thông qua việc nâng cao tỷ lệ giao hàng thành công, thậm chí trong lần đầu chuyển phát, khi cho phép khách hàng chủ động lựa chọn địa điểm và linh hoạt thời gian nhận hàng, thuận tiện với nhu cầu của từng cá nhân. Đây cũng là tiền đề để các đơn vị chuyển phát tối ưu hóa chi phí logistics, gia tăng hiệu quả vận hành, cũng như giảm phát thải carbon, với nền tảng hệ thống tuyến vận chuyển được quy hoạch rõ ràng.

Mạng lưới điểm giao hàng chặng cuối: Yếu tố giúp thị trường thương mại điện tử phát triển bền vững
- Ảnh 2.

Tại Việt Nam, mô hình OOH vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Nhưng cũng đã có những dấu hiệu rất khả quan. Khảo sát của EY-Parthenon năm 2022 trên hơn 1.300 người tham gia ở cả thành thị và nông thôn cho thấy thị trường Việt Nam có tiềm năng đối với mô hình OOH, với hơn 60% khách hàng có nhu cầu và sẵn sàng sử dụng dịch vụ giao nhận PUDO. Gần một nửa trong số đó chia sẻ sẵn sàng di chuyển dưới 500m để nhận hàng và 30% khách hàng sẵn sàng di chuyển bất kỳ khoảng cách nào để sử dụng dịch vụ.

Theo Last Mile Logistics, số bưu kiện tại Trung Quốc vào năm 2021 đã chiếm khoảng 59% tổng bưu kiện được giao trên toàn thế giới, với hơn 60% bưu kiện được giao ngay trong ngày nhờ vào các trung tâm hoàn tất đơn hàng quy mô nhỏ (micro-fulfillment center), thường ở các vị trí trong thành phố để đưa hàng hóa thương mại điện tử đến gần khách hàng hơn, cho phép rút ngắn thời gian giao hàng. Tuy nhiên chi phí đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống này khiến cho biên lợi nhuận ngành chuyển phát tại Trung Quốc vốn đã mỏng lại còn mỏng hơn. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy mô hình OOH phát triển tại Trung Quốc. Với quy mô hàng trăm ngàn điểm (và dự báo tiếp tục tăng trưởng trung bình 25% mỗi năm), mô hình OOH đã hỗ trợ giao nhận khoảng 40% số lượng bưu kiện và tối ưu chi phí chuyển phát ở Trung Quốc.

Việc phát triển mạng lưới mô hình OOH hiệu quả, hay rộng hơn, phát triển và tăng cường năng lực ngành logistic, sẽ không chỉ là câu chuyện của các doanh nghiệp chuyển phát mà còn cần chính sách và quy hoạch từ các cơ quan quản lý.

Có thể tham khảo một số ví dụ từ các quốc gia khác. Năm 2018, Trung Quốc đã ban hành Ý kiến về Thúc đẩy sự phối hợp phát triển của TMĐT và Chuyển phát Logistics, trong đó cho rằng cần tăng cường đổi mới và nâng cao năng lực dịch vụ chuyển phát chặng cuối, đồng thời khuyến khích tích hợp mô hình PUDO thông minh vào các dịch vụ tiện lợi, các dự án sinh kế và áp dụng các mô hình giao hàng thông minh khác.

Trong khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Singapore trực tiếp mở đường cho việc áp dụng rộng rãi mô hình OOH bằng việc đầu tư xây dựng 1.000 tủ khóa làm điểm nhận hàng cho các cư dân thuộc các khu chung cư cao tầng và cho phép các nhà cung cấp dịch vụ giao hàng sử dụng miễn phí. Các tủ khóa này giúp giảm thiểu 44% khoảng cách vận chuyển và từ đó cải thiện hiệu quả chuyển phát. 96% trong số 10.000 cư dân được khảo sát cho biết các tủ khóa mang đến sự tiện lợi và họ sẽ tiếp tục sử dụng nó trong tương lai.

Hoa Kỳ và một số nước châu Âu như Đức, Pháp cũng đã ban hành các chính sách liên quan về chuyển phát chặng cuối thông minh.

Việc xây dựng hệ thống hạ tầng logistics cho TMĐT, với các mô hình giao nhận hàng hóa và mạng lưới các điểm nhận hàng được quy hoạch chủ động và rõ ràng hơn, là một trong những yếu tố cần thiết để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường TMĐT tại Việt Nam. Mô hình chuyển phát door-to-door phát triển khá tự phát và đắt đỏ như hiện nay không chỉ dẫn đến việc các nhà chuyển phát cạnh tranh nhau bằng cách chịu lỗ để giảm giá, mà còn có xu hướng chỉ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà sản xuất ở các quy mô lớn và đã có giá thành sản phẩm cạnh tranh. Một hệ thống giao nhận hàng TMĐT chi phí hiệu quả sẽ hỗ trợ cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ và vừa, vốn chiếm tỷ trọng lớn tại Việt Nam, phát triển tốt hơn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong nền kinh tế số.

Tác giả:

-Bà Đào Thiên Hương, Lãnh đạo EY-Parthenon – Tư vấn Chiến lược tại Việt Nam 

- Ông Nguyễn Xuân Bách, Chủ nhiệm Cấp cao, EY-Parthenon – Tư vấn Chiến lược, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam  

(Quan điểm trong bài báo này là của các tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.)

Phương Phương (ghi)

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên