Mạng lưới đường sắt cao tốc nối 700 thành phố: TQ đã hết cái thời muốn vực dậy nền kinh tế bằng rất nhiều tiền
Bất cứ khi nào đối mặt với suy thoái kinh tế trong quá khứ, Trung Quốc thường sử dụng các dự án xây dựng quy mô lớn tiêu tốn hàng tỷ USD để nhanh chóng bơm tiền vào nền kinh tế.
- 25-09-2020Trung Quốc: Nỗ lực san phẳng nông thôn, trang trại để xây 'khu đô thị xanh' nhưng người dân vẫn không đến ở
- 25-09-2020Khi TikTok dễ dàng kiếm hàng chục tỷ USD trên đất Mỹ, kỳ lân một thời WeWork bán mình ở Trung Quốc lấy 200 triệu USD
- 25-09-2020Bên trong cuộc sống của các phú nhị đại Trung Quốc: Tiệc tùng thâu đêm, 'đốt tiền' không tiếc tay, nhưng luôn cô độc và thất bại khi thoát khỏi cái bóng của gia đình
Tuy nhiên, ngày nay, Trung Quốc đã có mạng lưới đường sắt cao tốc nối liền 700 thành phố, đường cao tốc vô cùng hiện đại với tổng chiều dài vượt cả hệ thống đường cao tốc liên bang của Mỹ và sở hữu 81 trong số 100 cây cầu cao nhất thế giới .
Hiện nay, một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã đề xuất phương pháp mới để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ đại dịch Covid-19: Cải tạo thang máy.
The New York Times (Mỹ-NYT) cho biết, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các cộng sự hy vọng có thể cải tạo khoảng 3 triệu tòa nhà chung cư cũ không có thang máy. Chi phí cho những dự án này thường không quá 100.000 USD.
Mục tiêu thu hẹp tham vọng phản ánh sự phát triển của Trung Quốc từ một quốc gia có dân số trẻ nhưng nghèo tới quốc gia có dân số già với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.
Mặc dù Trung Quốc vẫn muốn tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn nhưng chúng không còn mang lại hiệu quả kinh tế như trước. Đường sắt cao tốc và đường cao tốc đã kết nối tất cả các thành phố lớn, do đó nếu xây dựng đường sắt và đường cao tốc với chi phí cao để kết nối các cộng đồng nhỏ hơn ở các khu vực miền núi thì nợ của Trung Quốc tiếp tục tăng khiến làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế một cách nghiêm trọng.
Mặc dù tác dụng của việc lắp đặt thang máy đối với tăng trưởng kinh tế là nhỏ nhưng nó mang lại lợi ích xã hội cho quốc gia có dân số già nhanh. Một xã hội Trung Quốc ngày càng giàu có cũng đang đặt ra nhiều yêu cầu hơn đối với giới chức nước này.
Đối với người lớn tuổi, leo cầu thang ở các chung cư cũ là một thử thách. Ảnh: NYT
Khó khăn của những chung cư cũ
Kong Ting sống trên tầng 10 của một chung cư không có thang máy ở Quảng Châu, suốt 9 tháng mang thai, cô phải mệt mỏi lên xuống 162 bậc thang của chung cư nhiều lần mỗi ngày. "Khó khăn nhất là mỗi lần đi mua rau và chuyển nước uống đóng chai", cô nói với NYT.
Hàng ngày, cô thường ngồi trên sân tầng ba của tòa nhà để phàn nàn với những người hàng xóm, nhiều người trong số họ lớn tuổi hơn cô. Năm ngoái, hầu hết các chủ căn hộ trong tòa nhà này đã chi 4.3000 USD, cùng với một khoản trợ cấp lớn của thành phố để lắp đặt một thang máy loại nhỏ ở mặt bên tòa nhà.
Các tòa nhà trên khắp Trung Quốc đều cần được nâng cấp tương tự.
Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu mở cửa vào những năm 1970, một lượng lớn lao động trẻ từ nông thôn đổ về các nhà máy mới xây dựng. Trong 25 năm sau đó, dân số thành thị Trung Quốc dường như tăng gần bằng dân số của toàn nước Mỹ.
Để cung cấp nhà ở cho những cư dân thành thị mới này, chính quyền các thành phố và các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước đã vội vã xây dựng các tòa nhà chung cư cơ bản từ 7 đến 10 tầng. Khu phức hợp dân cư khổng lồ kiểu Liên Xô nhanh chóng chiếm lĩnh cảnh quan đô thị, đặc biệt là ở các trung tâm sản xuất như Quảng Châu.
Các tòa nhà này hầu như không có thang máy. Trung Quốc lúc đó còn rất nghèo. Hầu như không có nhà máy nào sản xuất thang máy. Thang máy nhập khẩu có giá rất cao.
Việc thiếu thang máy đang trở thành một vấn đề quan trọng trong xã hội đang già đi nhanh chóng này.
Vào cuối những năm 1960, Mao Trạch Đông khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Khẩu hiệu lúc bấy giờ là "Dân đông nước mạnh".
Hiện trường xây dựng thang máy tại các khu chung cư cũ ở Quảng Châu. Ảnh: NYT
Bắt đầu từ năm nay, những đứa trẻ sinh ra từ những năm 1960 đã bước vào tuổi 60, độ tuổi mà nhiều người Trung Quốc nghỉ hưu. Kể từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách một con nghiêm ngặt từ những năm 1970, những người đang bước vào tuổi nghỉ hưu này không có nhiều con cháu để phụng dưỡng.
Khi số lượng người cao tuổi ở Trung Quốc tăng mạnh, "nếu như không chuẩn bị trước, thách thức này có thể lớn hơn dự kiến", Lu Jiehua, Giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Bắc Kinh cho biết.
Do không có thang máy nên nhiều cư dân sống tại các khu chung cư cũ không có thang máy bị kẹt ở nhà, ăn uống thì thường chỉ gọi đồ ăn ngoài, không thể gặp gỡ bạn bè hay ra ngoài đi dạo.
Vào một buổi chiều gần đây, bên ngoài một phòng khám ở Quảng Châu, Jiang Weixing, một cụ bà tóc bạc ở độ tuổi 90, ngồi trên xe lăn để phơi nắng. Cụ vừa khám bệnh xong ở đây và đang đợi một chiếc taxi chuyên dụng có thể chở xe lăn để đưa cụ và hai người thân về nhà.
Một chiếc thang máy mới được lắp đặt gần đây trong tòa nhà cao tầng nơi gia đình cụ sinh sống, trước khi lắp thang máy, cụ hầu như không bao giờ đi ra ngoài, bởi vì mỗi lần ra ngoài đều phải cần hai ba người hỗ trợ khiêng cụ xuống tầng.
Bất bình đẳng kinh tế
NYT nhận định, thang máy hoặc thiếu thang máy, đã trở thành một nguyên nhân làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế ở Trung Quốc.
Quảng Châu là một thành phố khá giàu có về kinh tế và tiến bộ về mặt xã hội, có khả năng trợ cấp cho các dự án lắp đặt thang máy, đã bổ sung khoảng 6.000 thang máy trong các tòa nhà cũ - gần bằng các địa phương khác của Trung Quốc cộng lại. Ở Bắc Kinh, chính quyền thành phố đã chi trả gần như toàn bộ chi phí lắp đặt thang máy, với 93.000 USD cho việc lắp đặt trong các tòa nhà chung cư của thành phố.
Nhiều thành phố kinh tế kém hơn không có đủ kinh phí để lắp đặt thang máy, hoặc có rất ít kinh phí. Thành phố Trạm Giang, nằm ở phía tây nam của tỉnh Quảng Đông, chỉ có thể trợ cấp ít ỏi 3.000 USD cho mỗi tòa nhà chung cư.
Nhà máy sản xuất lắp đặt thang máy ở Trung Quốc. Ảnh: NYT
Không phải cư dân nào cũng ủng hộ dự án thang máy, đặc biệt là những cư dân sống ở tầng mặt đất. Việc lắp đặt thang máy thường chặn một hoặc nhiều cửa sổ của cư dân ở tầng mặt đất, nhưng hầu như lại không mang lại lợi ích cho họ.
Chen Xin, 52 tuổi, là chủ một căn hộ tầng mặt đất ở Quảng Châu. Ban đầu, bà phản đối việc lắp đặt thang máy trong các khu chung cư, vì thang máy sẽ chặn cửa trước nhà bà, buộc bà phải ra vào bằng cửa phụ và đi qua một khoảng sân. Sau khi những người ở tầng trên đưa cho bà 3.500 USD, bà đã đồng ý.
Để tránh cãi vã và kiện cáo, Quảng Châu đã phải thiết lập các quy tắc cho các dự án bổ sung thang máy.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đưa đề án lắp đặt thang máy vào chương trình nghị sự quốc gia trong báo cáo công tác chính phủ tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc hồi tháng 5 vừa qua. Từ quan điểm kinh tế, một chính sách quốc gia có thể giúp giảm tác động kinh tế của đại dịch đối với tầng lớp lao động.
Xây dựng các tháp thang máy bằng bê tông hoặc kính và thép ở mặt bên của các tòa nhà chung cư là một dự án sử dụng nhiều lao động có thể mang lại cơ hội việc làm cho một bộ phận trong số hàng triệu công nhân nhập cư Trung Quốc vẫn đang thất nghiệp.
Việc xây dựng các tháp thang máy ở các mặt bên của các tòa nhà chủ yếu là nhiệm vụ của các nhà thầu tư nhân nhỏ ở Trung Quốc. Sau khi nhà thầu nhận được dự án, họ sẽ mua thang máy từ một công ty đa quốc gia - thường là Otis, Schindler, Kone, Mitsubishi Electric hoặc Hitachi - hoặc một số công ty sản xuất nhỏ của Trung Quốc, chẳng hạn như Kuaiyi (Quảng Châu).
Theo NYT, mặc dù nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu trong nước để kích thích nền kinh tế, đồng thời kêu gọi xóa đói giảm nghèo và cải thiện nhà ở cho người cao tuổi nhưng ông vẫn chưa bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch lắp đặt thang máy trên toàn quốc.
Những đơn vị như quân đội, cơ quan an ninh quốc gia và các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn - nhận được ít lợi ích từ các dự án thang máy như vậy. Trọng tâm của họ là xây dựng các tuyến đường sắt và đường cao tốc để quân đội Trung Quốc có thể nhanh chóng triển khai tới các điểm nóng ở xa, như biên giới Trung Quốc - Ấn Độ.
Đơn vị hỗ trợ đắc lực
Các chuyên gia nhà đất Trung Quốc khẳng định, nước này sẽ giải quyết được tình trạng thiếu thang máy. "Mỗi bên chi ra một số tiền thì vấn đề sẽ được giải quyết", Huo Jinhai, một kỹ sư cấp cao tại Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn cho biết.
Dự án thang máy có một đơn vị hỗ trợ đắc lực: Bộ tài chính.
Loại hỗ trợ này là rất đặc biệt. Mặc dù nhiều chính quyền địa phương và cấp tỉnh đang nợ sâu, Bộ Tài chính Trung Quốc vẫn đang kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu của chính phủ trung ương.
Quan chức nổi tiếng nhất của Bộ Tài chính với chủ trương thắt lưng buộc bụng là Jia Kang từng là Giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học Tài chính Bộ Tài chính. Cuối cùng, sau khi ông nghỉ hưu, Bộ Tài chính đã thành lập một tổ chức tư vấn có ảnh hưởng gần đó - Viện Nghiên cứu Kinh tế học nguồn cung mới Hoa Hạ do ông chịu trách nhiệm.
Với vai trò mới này, Jia Kang mạnh bạo chủ trương chi tiền cho các dự án thang máy.
Ông Jia Kang 66 tuổi và người vợ 63 tuổi Jiang Xiaoling đã mua một căn chung cư nhỏ ở tầng mặt đất vài năm trước. Sau đó, khi tiền tiết kiệm tăng lên, ông mua một căn hộ lớn hơn ở tầng ba. Họ đi lại giữa hai căn hộ nhiều lần trong ngày nên hy vọng sẽ thang máy sẽ được lắp trong tòa nhà để không phải leo cầu thang bộ.
Jia Kang nói: "Những năm gần đây, vợ tôi thường phàn nàn, 'Tại sao chúng ta phải chịu đựng những điều kiện như thế này?'".
Tổ Quốc