MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mang thai ở tuổi vị thành niên: Sinh con khi vẫn còn là trẻ con, các bà mẹ trẻ phải vật lộn để đối mặt với "phước lành Chúa ban", "cơm áo gạo tiền" đè nặng trên những đôi vai non nớt

19-02-2022 - 11:30 AM | Tài chính quốc tế

Erlyn đang chuẩn bị đồ ăn trong khi ôm con trai nhỏ

Erlyn đang chuẩn bị đồ ăn trong khi ôm con trai nhỏ

Mỗi ngày có khoảng 500 cô gái Philippines sinh con khi còn trong độ tuổi vị thành niên.

Số phận bất hạnh

Cô gái Erlyn mới 18 tuổi đã phải thôi học sau khi người anh trai qua đời vì bệnh hen suyễn vào năm 2019. Bạn của cô, Daisy, hiện 16 tuổi, cũng đã mất mẹ vào năm 2017. Nguyên nhân cái chết của bà không rõ ràng vì gia đình nghèo khó đến nỗi không có tiền để khám bệnh.

Trong lúc suy sụp và rất cần tiền, Erlyn nhận một công việc đấm bóp. Tại đây, cô gặp một người đàn ông ngoài 30 tuổi, người này đã nhanh chóng trở thành chồng cô. Mặt khác, Daisy chuyển về sống với bạn trai vào năm 15 tuổi, hiện tại đã trở thành chồng cô, anh bằng tuổi cô và cũng bỏ học giữa chừng.

Một khoảng thời gian sau, Erlyn sinh con trai Hades vào tháng 12/2020 và cậu bé do Daisy sinh tên là Reysy Vee chào đời vào tháng 10 năm ngoái. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Philippines, mỗi ngày có khoảng 500 cô gái đang tuổi vị thành niên sinh con. Vào tháng 6/2021, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ký một sắc lệnh hành pháp tuyên bố việc ngăn chặn tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên là "ưu tiên quốc gia".

Mang thai ở tuổi vị thành niên: Sinh con khi vẫn còn là trẻ con, các bà mẹ trẻ phải vật lộn để đối mặt với phước lành Chúa ban, cơm áo gạo tiền đè nặng trên những đôi vai non nớt - Ảnh 1.

Daisy và Erlyn ngồi chơi tại nhà mẹ chồng của Daisy. Hai người thường thảo luận về cảm giác lần đầu làm mẹ và nói rằng việc cho con bú thực sự rất đau đớn

Erlyn và Daisy sống gần nhà nhau tại một đô thị ở Thành phố Quezon, gần Manila. Họ đang phải đối mặt với việc nuôi con đầu lòng trong thời kỳ đại dịch, hồi phục sau sinh và học cách chăm sóc con. Hai người đang trải những khó khăn khi lần đầu làm mẹ trong khi cân nhắc nên quay trở lại đi học hay tìm việc làm.

Nếu trước đây không có nhiều lựa chọn do nghèo đói, thì bây giờ sự lựa chọn của họ còn bị hạn chế hơn nữa. Erlyn chia sẻ cô ấy không muốn sinh thêm một lần nữa. Còn về Daisy, khi con trai mới biết đi xe ba bánh, cô biết tin mẹ chồng đang mắc nợ nhiều người.

Dù trở thành mẹ là điều không hề dễ dàng, Daisy vẫn quyết tâm nuôi con đến tuổi trưởng thành. "Trẻ con không phải là phước lành Chúa ban đó sao? Vì thế tôi không thể bỏ con", cô bày tỏ và cho biết thêm rằng cô và chồng thường xuyên tranh cãi khi anh không thể mua cho cô những món ăn mà cô thèm trong thời kỳ mang thai.

Không được ưu tiên

Cecilia Villa, chuyên gia về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục của Oxfam Philippines, cho biết trong thời gian qua, một số đơn vị y tế nông thôn đã phải ưu tiên ứng phó với Covid-19. "Kết quả là rất ít phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục. Một số người phải sinh tại nhà vì họ không có bất kỳ phương tiện nào để đến bệnh viện", bà nói.

Mang thai ở tuổi vị thành niên: Sinh con khi vẫn còn là trẻ con, các bà mẹ trẻ phải vật lộn để đối mặt với phước lành Chúa ban, cơm áo gạo tiền đè nặng trên những đôi vai non nớt - Ảnh 2.

Các bà mẹ đang chăm sóc con tại Bệnh viện Dr. Jose Fabella. Bệnh viện phụ sản lớn nhất Philippines còn thừa rất ít chỗ cho các bà mẹ vì ưu tiên cho bệnh nhân Covid-19

Erlyn không được sinh con ở bệnh viện vì không có tiền để làm xét nghiệm Covid-19 bắt buộc, vì vậy, con trai Hades của cô đến với thế giới tại một cơ sở nhỏ. Để đủ trang trải cuộc sống, trong thời gian mang thai, mẹ chồng của Erlyn đã nộp hồ sơ cho các tổ chức chính phủ để xin trợ cấp chăm sóc sức khỏe cho những người không có khả năng chi trả.

Nữ nghị sĩ Arlene Brosas của Đảng Phụ nữ Gabriela, cho biết hầu hết các bà mẹ thanh thiếu niên ở Philippines đều bỏ lỡ cơ hội được học hành. Erlyn chia sẻ cô thôi học khi chưa hoàn thành cấp ba không phải vì đại dịch cũng như việc mang thai.

Cô đã rời bỏ ghế nhà trường bởi anh trai 19 tuổi qua đời, để lại cô phải kiếm việc làm để nuôi mẹ và các chị khi ngôi nhà vắng bóng người cha. Erlyn cho biết: "Công việc đấm bóp đã giúp cả gia đình tôi có nhà để ở". Cô vẫn chưa biết khi nào cô có thể trở lại trường học. Bây giờ ưu tiên của cô là có đủ tiền mua sữa bột và tã lót.

Mâu thuẫn với cha mẹ

Đạo luật Sức khỏe sinh sản và làm cha mẹ có trách nhiệm (RPRH) đã được thông qua vào năm 2012 để tự do hóa quyền tiếp cận với các dịch vụ sinh sản. Tuy nhiên, những trẻ vị thành niên như Erlyn và Daisy gặp một trở ngại lớn, luật yêu cầu họ phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ.

Ở một quốc gia chủ yếu là Công giáo như Philippines, quan hệ tình dục trước hôn nhân bị cấm đoán. Giáo hội Công giáo cũng có nhiều tranh luận liên quan đến luật sức khỏe sinh sản; phải mất 14 năm trước khi dự luật RPRH được thông qua vì sự phản đối của các giám mục.

Ban đầu, mẹ của Erlyn, bà Gemma, không mấy vui vẻ khi con gái thú nhận mình đang mang thai. Hai mẹ con không nói chuyện trong vài tuần và Erlyn về sống với gia đình chồng vài tháng, sau đó về sống với mẹ khi mọi chuyện lắng xuống. Mối quan hệ của mẹ con Erlyn và Gemma vẫn còn căng thẳng.

Bà Gemma xúc động kể: "Tôi đã nói con bé hãy hoàn thành việc học trước rồi mới lập gia đình khi lớn hơn. Tôi sinh chị gái của con bé năm 28 tuổi nhưng chưa hoàn thành việc học vì mẹ tôi đã qua đời. Tôi đã nói với Erlyn rằng đừng chịu chung số phận giống tôi. Nhưng cô ấy đã làm gì?".

Erlyn quan hệ tình dục lần đầu tiên vào năm 15 tuổi, khi kiến ​​thức về vấn đề sinh sản và các biện pháp tránh thai của cô còn hạn chế, ngay cả bây giờ vẫn vậy. "Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ trở thành một người mẹ ở tuổi đôi mươi. Tôi hầu như không sử dụng biện pháp tránh thai vì sợ nó", cô nói.

Mang thai ở tuổi vị thành niên: Sinh con khi vẫn còn là trẻ con, các bà mẹ trẻ phải vật lộn để đối mặt với phước lành Chúa ban, cơm áo gạo tiền đè nặng trên những đôi vai non nớt - Ảnh 3.

Erlyn khoe bức ảnh tốt nghiệp tiểu học

Oxfam’s Villa cho biết một trong những quan niệm sai lầm về giáo dục giới tính và tình dục là chỉ thảo luận khi một đứa trẻ đến tuổi dậy thì. Trên thực tế, cha mẹ có thể nói về các quyền, các mối quan hệ và rủi ro khi con còn nhỏ, có nhiều cách dạy dỗ khiến các thanh thiếu niên không thấy phản cảm. "Tình dục có thể được nhìn nhận một cách tích cực và lành mạnh", bà nói thêm.

Eule Bonganay, tổng thư ký của Salinlahi, một liên minh bảo vệ quyền trẻ em, nói rằng ngoài gia đình, nhà nước có trách nhiệm lớn trong việc nuôi dạy trẻ và đảm bảo sự góp mặt của cộng đồng. Ông nêu cao việc các bất bình đẳng về cơ cấu giáo dục, nhà ở và sinh kế phải được giải quyết: "Mọi người thường đổ lỗi cho cha mẹ khi một đứa trẻ không được nuôi dạy đúng cách, nhưng chính phủ quên mất một điều rằng họ là những người có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo quyền của trẻ em".

https://cafef.vn/mang-thai-o-tuoi-vi-thanh-nien-sinh-con-khi-van-con-la-tre-con-cac-ba-me-tre-phai-vat-lon-de-doi-mat-voi-phuoc-lanh-chua-ban-com-ao-gao-tien-de-nang-tren-nhung-doi-vai-non-not-20220218175515851.chn

Linh Chi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên