Mảng xám trên “bức tranh” thu ngân sách mùa dịch Covid-19
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt mức thấp nhất 5 năm, cả về tiến độ và tốc độ; nhiều địa phương chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... đều đạt mức dưới trung bình.
- 08-06-2020Giảm 50% phí trước bạ ô tô: Người mua tiết kiệm 15-300 triệu đồng tuỳ mẫu xe còn ngân sách địa phương giảm thu khoảng 6.000 tỷ đồng
- 31-05-2020Thu ngân sách Nhà nước “ngấm đòn” của đại dịch Covid-19
- 29-05-2020205.000 tỷ đồng nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn được chuyển vào ngân sách sau 4 năm
Chiều 10/6, tại Hội nghị trực tuyến với 63 Cục Thuế tỉnh/thành, Tổng cục Thuế đã công bố thêm một số thông tin đáng lưu tâm về tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN) 5 tháng đầu năm.
Theo thống kê, tổng thu NSNN lũy kế 05 tháng ước đạt 502.606 tỷ đồng, bằng 40,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2019.Tính riêng thu nội địa, lũy kế 5 tháng mới đạt được 36,3% dự toán, thấp nhất trong nhiều năm qua cả về tiến độ và tốc độ.
Qua theo dõi, Tổng cục Thuế cho biết, diễn biến thu qua các tháng giảm dần và giảm mạnh trong tháng 4, tháng 5. Cụ thể thu tháng 1 tăng 18,2%, trong đó số thu nội địa trừ đất, cổ tức, xổ số (thu từ thuế phí) tăng 7,2%; tháng 2 tăng 13,4%; tháng 3 tăng 11,7% (thuế phí tăng 2,4%); tháng 4 thu chỉ bằng 78,5% (thuế phí chỉ bằng 70,2% cùng kỳ); tháng 5 thu chỉ bằng 66,1% (thuế phí chỉ bằng 70,3%).
Tính theo địa phương, có 40 tỉnh, thành đạt trên 40% dự toán (mức trung bình chung của cả nước). Nhưng đáng quan ngại là trong 23 địa phương có thu ngân sách đạt dưới mức trung bình chung xuất hiện nhiều địa phương có số thu lớn, chiếm tỷ trọng cao cơ cấu. Cụ thể, như Hà Nội mới đạt 36,3%; TP. HCM 34,6%; Hải Phòng 32%; Đà Nẵng 28,9%...
Một số địa phương ở nhóm cuối như Sơn La, Lai Châu hay Thái Bình..., tỷ lệ hoàn thành mới chỉ đạt mức trên dưới 25%.
Tổng cục Thuế đánh giá, thu ngân sách sau 5 tháng tại hầu hết các địa phương đều đạt thấp cả về tiến độ và tốc độ là do ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách toàn xã hội và việc thực hiện chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất.
Cụ thể, có tới 42/63 địa phương thu nội địa (không kể đất) giảm nguồn thu so cùng kỳ. Tiêu biểu có thể kể đế như: Lai Châu chỉ bằng 62,9%; Quảng Nam bằng 66,4%; Sơn La bằng 69,7%; Quảng Ngãi bằng 73%; Ninh Thuận bằng 73,1%; Khánh Hòa bằng 74,4%... Cùng với đó là 29/63 địa phương tiến độ thu chậm, có nguy cơ hụt dự toán thu ngân sách năm 2020.
Mức thu sụt giảm diễn ra nhanh ở hầu hết các địa phương và tập trung ở các khoản thu, sắc thuế lớn, có kỳ khai thuế tháng như thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp...
Ngành thuế lý giải, hầu hết những địa phương sụt giảm đều có nguồn thu thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên chiếm tỷ trọng lớn. Đây là những nguồn thu phát sinh theo tháng, do đó những tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ngay lập tức ảnh hưởng rõ nét đến thu NSNN trên địa bàn. Trong khi đó nguồn thu từ đất phát sinh thấp nên không bù đắp được, tiến độ thu đã chậm lại từ tháng 4.
BizLive