MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mạnh dạn nuôi con vật có trong sách Đỏ, anh nông dân "bỏ túi" 500 triệu đồng

09-11-2024 - 13:30 PM | Sống

Tốt nghiệp đại học với công việc ổn định nhưng anh Nguyễn Văn Phương ở xã An Lâm (Nam Sách) quyết định bỏ việc về quê, mở trang trại nuôi chim và có thu nhập lên tới 500 triệu đồng/năm.

Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Nguyễn Văn Phương về công tác tại Xí nghiệp Địa chất mỏ Đông Bắc với công việc ổn định. Tuy nhiên, do phải đi làm xa nhà, bố lại bị tai biến nên anh quyết định bỏ việc về quê lập nghiệp để gần gia đình, tiện chăm sóc bố.

Một lần tình cờ đọc báo, thấy mô hình nuôi chim công rất thú vị, bản thân lại đam mê chăn nuôi gia cầm từ bé nên anh đã thử sức với mô hình này. Nghĩ là làm, anh vay vốn người thân và ngân hàng được 92 triệu đồng, mua một đôi chim công sinh sản, một đôi chim trĩ bảy màu, vịt trời và một số giống gia cầm dễ nuôi khác.

Mạnh dạn nuôi con vật có trong sách Đỏ, anh nông dân

Anh Nguyễn Văn Phương ôm một con chim công má vàng trong trang trại. Ảnh: báo Hải Dương

Năm 2015, anh Phương khởi nghiệp. Những lứa chim đầu tiên được ấp nở thành công, anh đăng lên các hội nhóm trên Facebook và được nhiều người hỏi mua. Thấy chim công và chim trĩ có sức đề kháng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên anh mở rộng quy mô.

Trong 7 năm nuôi chim công, có những thời điểm khó khăn mà anh muốn bỏ nghề. "Đó là năm 2018, khi bố tôi mất. Năm đó, tôi nhập được đàn chim công trắng về nhưng lại bị dịch bệnh. Thời gian chăm sóc bố, tôi không để ý nhiều đến đàn chim nên cả đàn chết hết, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Lúc đó, tôi đã có ý định bỏ nghề nhưng lại cố gắng. Sau 1 năm, tôi đã gỡ lại được", anh Phương chia sẻ với báo Hải Dương .

Mạnh dạn nuôi con vật có trong sách Đỏ, anh nông dân

Trang trại nuôi công của anh Phương. Ảnh: báo Hải Dương

Vượt qua giai đoạn khó khăn, trang trại nuôi công của anh Phương hiện đã có quy mô 4.000m2 với gần 200 cá thể chim bố mẹ trưởng thành bao gồm chim công và chim trĩ, sinh sản ra hàng nghìn con chim giống mỗi năm.

Chia sẻ với Báo ảnh Việt Nam về kinh nghiệm nuôi chim công, anh Phương cho biết, cùng họ với gà, nhưng chim công sinh sản theo mùa, từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch và đẻ cách nhật (tức 2 ngày đẻ 1 trứng).

Thời gian chim công đẻ trứng sẽ vào buổi chiều, nên người nuôi cần chú ý thu gom trứng cho máy ấp hoặc gà ấp.

Chim công cần diện tích lớn về chuồng trại, trung bình 1 chuồng rộng chừng 20m2 sẽ ghép 1 chim trống với 3 chim mái sinh sản. Nhưng bù lại, việc chăm sóc loài chim này không tốn nhiều nhân công, chim được cho ăn, uống và dọn dẹp chuồng trại vào buổi sáng và chiều.

Đặc biệt các hộ nông dân có diện tích lớn có thể đầu tư chuồng trại bán tự nhiên, một nửa lồng có mái che và cầu để chim đậu, phần còn lại quây lưới để có ánh nắng tự nhiên, khi đó chim công sẽ có không gian tắm nắng giúp sức đề kháng tốt cùng bộ lông óng đẹp.

Mạnh dạn nuôi con vật có trong sách Đỏ, anh nông dân

Trong những bữa chính có thể xen kẽ những bữa phụ để bổ sung sung thêm vitamin, hoa quả và thịt bò để công có thể phát triển tốt và có bộ lông mượt, dài và đều. Ảnh: Znews

Về nguồn thức ăn, chim công là giống chim lông vũ nên cho ăn thức ăn như cám gà, bổ sung thêm vitamin giúp lông bóng đẹp, cho ăn rau, lạc... Đối với thời kỳ sinh sản các nông hộ cho ăn thêm như mồi tươi như sâu, dế, thịt bò, cám gà đẻ…

"Thức ăn của chim công khá đơn giản, chim ăn theo chế độ cám gà trộn với thóc, ngô và rau xanh. Điều này còn tùy thuộc vào giai đoạn phát triển vì khi chúng còn non chế độ ăn cũng khác với con trưởng thành", chị Phương Anh (vợ anh Phương), chia sẻ với Znews .

Mạnh dạn nuôi con vật có trong sách Đỏ, anh nông dân

Thức ăn của chim công khá đơn giản, chim ăn theo chế độ cám gà trộn với thóc, ngô và rau xanh. Ảnh: Znews

Mỗi ngày chị Phương Anh cho chim công ăn 2 lần một ngày vào buổi sáng và chiều tối. "Đến khi chim công được một năm tuổi thì sức đề kháng tự nhiên rất cao. Lúc này chim công gần như không mắc bệnh nữa nên việc chăm sóc cũng ít hơn, 2-3 ngày dọn dẹp chuồng một lần vì thế chúng tôi cũng không mất chi phí thuê nhân công", chị Phương Anh cho biết thêm.

Bên cạnh đó, hai vợ chồng anh Phương kiểm tra sức khỏe của công non mỗi ngày một lần để có thể sớm phát hiện những bệnh mà chúng hay gặp phải. Hiện nay vẫn chưa có thuốc chuyên trị cho chim công, do vậy nên khi chim bị bệnh đều dùng thuốc của gà để chữa.

Chính vì vậy, nhiệt độ trong chuồng luôn phải giữ ở mức ổn định, thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Dinh dưỡng và tiêm vaccine là những yếu tố quan trọng để có thể đảm bảo sức khỏe cho chim non. Theo giá bán, chim công giống (đạt đủ một tháng tuổi và tiêm đủ liều vaccine), đắt nhất là chim công má vàng với giá 7 triệu đồng/cặp, chim công trắng có giá 5 triệu đồng/cặp và chim công xanh có giá 2 triệu đồng/cặp.

Đối với chim công má vàng trưởng thành, giá lên tới 80 triệu đồng/cặp. Giá của chim còn tùy thuộc vào vào vẻ đẹp, bộ lông, sức khỏe và dựa vào độ thuần chủng.

"Chim công má vàng là giống tôi mất nhiều thời gian để tìm kiếm, phải cất công bay vào trong Tây Nguyên để tìm những gia đình được phép nuôi làm cảnh. Sau khi mua tôi phải làm thủ tục xin lực lượng kiểm lâm cấp phép đưa về địa phương để nuôi và gây giống", anh Phương cho biết.

Ngoài ra, giống chim công trắng Ấn Độ với giá 35 triệu đồng/cặp được nhiều người chơi chim cảnh ưa chuộng vì chúng tượng trưng cho vẻ đẹp cao quý và biểu tượng cho sự quyền lực. Để chim công phát triển bình thường và không bị căng thẳng nên diện tích tối thiểu mỗi chuồng phải rộng 20 m2. Mỗi chuồng nuôi chỉ được nuôi tối đa một công đực và 2-3 công cái và phải có cây và sào để công có thể đậu trên đấy ngủ.

Với trang trại nuôi toàn chim quý có trong sách Đỏ, anh Phương có thu nhập khoảng 500 triệu đồng mỗi năm. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình giúp anh trả hết nợ, xây dựng nhà cửa khang trang, có của ăn, của để.

Theo Minh Hoa (t/h)

Người đưa tin

Trở lên trên