"Mánh" giảm giá xe hơi: Kịch hay của những gã nhà giàu còn ở phía trước
Giá cứ giảm từng gói từ 6-7% tới trên 10% một lần, nhà sản xuất ngày càng thu hẹp các tính năng tiêu chuẩn, còn người dùng từ vui mừng đến chùn tay khi xuống tiền nhận xe.
- 30-10-2017Giá xe hơi trong nước sẽ tiếp tục giảm "sập sàn"?
- 09-10-2017Tiếp tục "đại hạ giá kỷ lục", đã nên mua xe ô tô tại thời điểm này?
- 27-09-2017Cuộc đổ bộ của xe ô tô giá rẻ vào thị trường Việt Nam
- 18-09-2017Vì sao mẫu xe ô tô "hot" một thời bất ngờ giảm giá kỷ lục?
Các hãng từng bán xe bằng "logo"
Nếu ai đó tình cờ xem một cuốn tạp chí trong nước về xe hơi cách đây chừng hơn chục năm có lẽ sẽ bật cười khi thấy các mô tả về xe Rolls-Royce có nội thất sang trọng, còn xe Toyota Innova có nội thất đẳng cấp, hay xe Rolls-Royce vận hành êm ái, trong khi khả năng vận hành của chiếc Toyota là vượt trội...
Chẳng phải kho từ vựng Việt Nam thiếu mỹ từ mà đó chính là góc nhìn của người Việt về chiếc xe hơi ở giai đoạn chuyển từ kiểu xe quân sự "đóng cửa đánh sầm một cái mới oai" sang những chiếc xe thương mại, khi mức thu nhập bình quân bắt đầu được nâng lên và xuất hiện một lớp người có khả năng mua được xe hơi, dù còn ít ỏi.
Rất nhanh chóng, những chiếc xe Hiace, Zace, Vios, Yaris,... và đặc biệt là Innova chiếm lĩnh thị trường xe hơi trong nước khi Toyota vẫn còn "một mình một chợ", trở thành một thứ "chuẩn" về xe hơi trong con mắt người dùng Việt Nam. Góc "chuẩn" này bao phủ cả thị trường trong giai đoạn đã có sự góp mặt của những cái tên khác như Mitsubishi Zinger, Suzuki Swift, Hyundai i10,...
Nội dung truyền thông cũng như tiêu chuẩn xe chỉ dừng lại ở những mỹ từ tương đối sáo rỗng, như "đẳng cấp, vượt trội, tuyệt vời" và được phần lớn người dùng chấp nhận. Suốt trong những năm đó, các hãng xe tại Việt Nam không có khái niệm giảm giá, thậm chí Toyota còn được phong là "vua giữ giá".
Phải mất một thời gian khá dài khi các dòng xe nhập khẩu ồ ạt đổ về thị trường Việt Nam theo đường chính hãng và không chính hãng, người dùng Việt mới dần dần xác lập các chuẩn mới về thế nào là một chiếc xe hơi "chất" trong mắt họ, với những đánh giá nghiêm khắc hơn nhiều. Sự thông thái của người tiêu dùng bắt buộc mỗi hãng phải tích lũy được những đánh giá qua trải nghiệm thực tế thay vì chung chung, kiểu trên trời rơi xuống.
Tăng giảm giá: Cũng là lọt sàng xuống nia
Lẽ ra số xe bán ra trên thị trường trong nước còn lớn hơn nhiều so với hiện tại nếu không bị các rào cản về thuế và phí khiến cho giá xe quá cao. Thế nhưng việc thuế nhập khẩu nội khối ASEAN cho xe nguyên chiếc giảm về 0% vào năm 2018 đã khiến thị trường xe hơi trong nước có thay đổi lớn khi hầu hết xe của các hãng đều phải giảm giá để tranh thủ sức mua của người tiêu dùng có nhu cầu.
Những mẫu xe được đánh giá "đạt chuẩn" rủ nhau hạ giá hàng loạt theo nhiều đợt để kích cầu đã đem lại tâm lý mua được xe giá hời ở không ít người dùng Việt. Chỉ có điều do quá nóng ruột trước bối cảnh sắp năm hết Tết đến và quy định về thuế nhập khẩu 0% chuẩn bị có hiệu lực nên giá xe của các hãng liên tục phá vỡ đáy để thiết lập đáy mới.
Khi giá xe hơi cứ giảm từng gói từ 6-7% tới trên 10% một lần và giảm nhiều lần trong thời gian ngắn thì phải... hâm lắm mới mua xe giảm giá lúc này, trừ khi quá cần thiết.
Ấy là nói về xe giảm giá mạnh, còn với những mẫu xe ăn khách có giá tiền tỷ thì việc giảm giá khá từ tốn, chẳng hạn như Fortuner phải tới tận tháng 9 mới đành thôi "giữ giá về làm nộm" trước tình cảnh các đối thủ tẩu tán hàng tồn khiếp quá.
Vấn đề là ở chỗ dù kiên quyết giữ giá khá lâu, những mẫu xe Fortuner bán chạy ở Việt Nam gần như bỏ hết các tính năng an toàn tiêu chuẩn, chỉ còn giữ lại túi khí người lái và hành khách phía trước cùng hệ thống chống bó cứng phanh ABS.
Ví von một cách hài hước thì kiểu xe như thế ở vào thời điểm nói đến xe hơi là nói đến công nghệ và tính năng an toàn như hiện nay, chẳng khác gì một thời bao cấp có cái xe đạp "cởi truồng" từng đi vào ca khúc chế "xe tôi không phanh không gác-đờ-bu, ấy xe bon nhanh trên đường Phố Lu".
Câu hỏi đặt ra là vì sao các hãng xe lại cắt bớt hầu hết các tính năng (option) tiêu chuẩn của xe? Lý giải đơn giản nhất là để hạ giá cho vừa túi người tiêu dùng. Thế nhưng điều mà các hãng không nói ra là những tính năng ấy chính là "của để dành" phòng khi... tăng giá trở lại.
Những gì đáng lẽ được hưởng một cách bình thường, nay lại trở thành phần thưởng bất ngờ cho khách hàng, kể ra cũng khá bi hài đối với một thị trường xe hơi giàu tiềm năng bậc nhất khu vực như Việt Nam.
Đoạn kết
Đầu tháng 11, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã gửi đơn kiến nghị xin Chính phủ và các Bộ ngành tháo gỡ khó khăn do Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định khắt khe về các điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe hơi.
Động thái này của VAMA có thể hiểu được nhưng không thông cảm được, bởi những quy định như thế sẽ góp phần làm tăng dần chất lượng của sản phẩm xe hơi lưu hành trên thị trường Việt Nam. Còn vì sao một tổ chức như VAMA lại có động thái ấy thì một nguyên nhân sâu xa là do chúng ta đã không xây dựng được ngành công nghiệp sản xuất xe hơi.
"Của để dành" của thị trường xe hơi Việt Nam chính là hàng chục triệu khách hàng tiềm năng, vậy mà không lo giữ lấy thì quả là vừa không hiểu được, cũng vừa không thông cảm được.
Xe Nhật giảm giá cấp tập ở Việt Nam
Nhịp sống kinh tế