Mạnh tay rà soát điều chỉnh quy hoạch tại các địa phương
Động thái Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tự rà soát, kiểm tra việc điều chỉnh quy hoạch trong quý I/2020 được kỳ vọng sẽ giúp minh bạch và chuẩn hóa thị trường bất động sản.
Trong cuộc trò chuyện mới đây, nhiều doanh nghiệp tiết lộ có quá nhiều loại quy hoạch và việc điều chỉnh quy hoạch đang được xem làm khó các doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư "đau đầu"
Ông Baek Seung Hyup - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Xây dựng Hanbeak, một nhà đầu tư 100% vốn Hàn Quốc đang thực hiện một số dự án bất động sản tại Việt Nam cho rằng quy hoạch là một trong những điểm làm nhà đầu tư "đau đầu" nhất.
Cụ thể, ông này cho rằng một nhà đầu tư nước ngoài sẽ cảm thấy khó khăn khi có quá nhiều loại quy hoạch như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội… và đặc biệt, các quy hoạch này nhiều khi lại chồng chéo khiến doanh nghiệp không biết xin cái nào, làm cái nào trước cho đúng.
Ông Baek Seung Hyup dẫn chứng câu chuyện khi Hanbaek xúc tiến dự án tại Việt Nam, sau khi được nhận được chủ trương đầu tư từ cuối năm 2018, đến nay doanh nghiệp này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển của một Khu du lịch Quốc gia.
Cũng theo đại diện Hanbeak cho dù đã hoàn thành việc bổ sung quy hoạch nói trên thì doanh nghiệp này vẫn còn một chặng đường khá dài khi phải tiếp tục đề nghị bổ sung một số quy hoạch liên quan khác.
"Việc Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương rà soát tổng thể việc điều chỉnh quy hoạch được đánh giá sẽ giúp tạo ra sự chấp hành nghiêm của các địa phương đối với các quy hoạch tổng thể đã được công bố. Qua đó cũng giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận, chấp hành các quy hoạch khi xúc tiến đầu tư dự án, tránh tình trạng xin cho quy hoạch" - Ông Baek Seung Hyup cho biết.
Cuộc đua cho các địa phương
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thì việc Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương từ ra soát, kiểm tra việc điều chỉnh quy hoạch trong quý I/2020 để Bộ này tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ là động thái đã được dự báo trước và xét về vĩ mô sẽ không có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nói chung.
Việc các địa phương đẩy mạnh rà soát tính pháp lý của các dự án bất động sản cũng như động thái rà soát điều chỉnh quy hoạch sai quy định được xem là sẽ tạo ra nguy cơ thiếu nguồn cung cho thị trường bất động sản năm 2020.
Tuy nhiên, việc rà soát, thống nhất và thực hiện nghiêm các quy hoạch tổng thể được xem là rất cần thiết trong việc tạo sự đồng bộ và khoa học về hạ tầng, giao thông, an sinh xã hội… tránh tình trạng chắp vá, quy hoạch dựa trên lợi ích nhóm đang làm khó doanh nghiệp vốn không hiếm gặp hiện nay.
Theo đó, việc rà soát điều chỉnh quy hoạch sai quy định cũng được kỳ vọng sẽ giúp không có thêm những "siêu đô thị toàn người" hay những "con đường chung cư" như phố Nguyễn Tuân (Hà Nội) và sự quá tải của tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài như hiện nay.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam động thái của Bộ Xây dựng cũng sẽ tạo ra một cuộc đua cho các địa phương.
Trong năm 2020, địa phương nào đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công cuộc rà soát, thanh kiểm tra việc phát triển các dự án bất động sản cũng như việc điều chỉnh quy hoạch sai quy định sớm chắc chắn sẽ tận dụng tốt cơ hội để thu hút mạnh các nhà đầu tư trên cả nước khi mà nghịch lý duy nhất của thị trường bất động sản 2020 là dù nhu cầu mua vẫn ở mức cao mà không thể đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Ở một góc nhìn khác, đối với thị trường bất động sản, việc rà soát điều chỉnh sai quy hoạch được kỳ vọng sẽ giúp minh bạch và chuẩn hóa thị trường, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ về mặt hạ tầng và pháp lý theo quy hoạch ban đầu đã được duyệt. Qua đó, các nhà đầu tư cũng sẽ yên tâm khi tham gia thị trường, hạn chế nguy cơ "mắc cạn" tại các dự án có hạ tầng nằm trong khu vực đã bị điều chỉnh quy hoạch sai quy định.
Trong một báo cáo của Bộ Xây dựng có nêu, hiện nay điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung chiếm khoảng 30% quy hoạch được phê duyệt, chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn có mức tăng trưởng cao, đô thị hóa nhanh, như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh). Đáng chú ý là tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết diễn ra khá phổ biến.
Theo kế hoạch năm 2020, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng tại nhiều khu vực. Tại TP.HCM, Thanh tra Bộ sẽ thanh tra khu vực hai bên tuyến đường Nguyễn Đức Cảnh. Còn tại Hà Nội, là tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính...
Diễn đàn doanh nghiệp