MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mạnh tay với các dự án chậm triển khai

13-12-2021 - 10:59 AM | Bất động sản

TP Hà Nội cam kết gỡ vướng cho hàng trăm dự án đang chậm triển khai song sẽ kiên quyết thu hồi những dự án mà chủ đầu tư vi phạm.

Thường trực HĐND TP Hà Nội cho biết nhiều dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay thành lập cụm công nghiệp hiện chậm triển khai, chưa đáp ứng tiến độ như yêu cầu.

Hàng trăm dự án chậm triển khai

Đến nay, trong số 206 dự án ở TP Hà Nội được trao quyết định chủ trương đầu tư, mới có 51 dự án hoàn thành. Tỉ lệ các biên bản ghi nhớ ký kết trong các hội nghị được hiện thực hóa thành các dự án đầu tư còn ít - có đến 54/104 biên bản chưa được thực hiện.

"Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều dự án chậm triển khai. Bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư thì còn có trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, nhất là trong công tác hậu kiểm. Chế tài xử lý các dự án chậm triển khai đã được quy định rất rõ trong luật, vấn đề đặt ra là phải xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; cần phải có giải pháp cụ thể, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất hơn nữa để những mảnh đất vàng của thủ đô không bị bỏ hoang" - Thường trực HĐND TP Hà Nội nêu rõ.

Mạnh tay với các dự án chậm triển khai - Ảnh 1.

Một dự án chậm triển khai ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội

Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP Hà Nội, cho biết từ năm 2017 đến nay, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án với tổng số vốn hơn 548.000 tỉ đồng. Đến nay, ngoài 51 dự án đã hoàn thành, 70 dự án đang triển khai xây dựng.

Việc triển khai các dự án còn chậm là do trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, Luật Đầu tư được kiến nghị sửa đổi. Trên cơ sở đó, TP Hà Nội yêu cầu rà soát lại trình tự thủ tục pháp lý của các dự án.

Trong quá trình thực hiện, nhiều dự án còn vi phạm liên quan đến đất đai, phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm xã hội… Một số nhà đầu tư chưa tích cực chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc hoàn thiện thủ tục. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của các sở, ngành trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư.

Theo ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hà Nội, thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch, chỉ đạo thực hiện các tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Kết quả, 379 dự án đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý. Trong 30 dự án được kiến nghị thu hồi, TP Hà Nội đã thu hồi 10 dự án. Ngoài ra, 35 dự án được gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm giải phóng mặt bằng do vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.

Sẽ thu hồi các dự án vi phạm

Về giải pháp, ông Đỗ Anh Tuấn cho biết các bộ, ngành đã kiến nghị sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai để có thể triển khai những dự án sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội.

"Sở KH-ĐT đã tham mưu những giải pháp về cải cách hành chính để các thủ tục được liên thông giữa các sở - ngành, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo quy trình. Ngoài ra, sở sẽ giám sát đầu tư, thanh tra, kiểm tra, kết luận, xử lý cho phù hợp. Sở cũng tích cực tham mưu cho UBND TP Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ chứng nhận đầu tư đối với các dự án; giám sát chặt chẽ kết quả thực hiện đầu tư các dự án. Với những dự án chậm tiến độ, không đủ điều kiện thì sẽ thu hồi" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho biết sẽ cùng các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nghị quyết, báo cáo giám sát của HĐND thành phố và kế hoạch của UBND thành phố; tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ì không thực hiện kết luận thanh tra. Với những dự án mà chủ đầu tư không liên hệ chính quyền địa phương, sau giải phóng mặt bằng chưa đầu tư xây dựng thì các sở - ngành liên quan sẽ quyết tâm xử lý.

Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, trong khi năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu thực tế. TP Hà Nội đã giao Sở TN-MT chủ trì đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể từng dự án, với tinh thần dự án nào liên quan các quận, huyện, thị xã thì thành phố sẽ tập trung tháo gỡ để sớm triển khai.

"Liên quan công tác giải phóng mặt bằng, đất dịch vụ, đề nghị các địa phương báo cáo thành phố để sớm có phương án giải quyết. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố sẽ báo cáo Trung ương để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đối với những dự án chậm tiến độ do chủ đầu tư thì thành phố kiên quyết thu hồi" - ông Đông nêu rõ.

Dự án trọng điểm cũng ì ạch

Theo ông Đỗ Anh Tuấn, giai đoạn 2016-2021, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt đối với những công trình trọng điểm. Trong 55 công trình trọng điểm được quyết nghị, hiện có 11 dự án sử dụng ngân sách cơ bản hoàn thành mục tiêu ban đầu; 15 dự án đang tập trung chỉ đạo thi công; 12 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và 7 dự án chưa hoàn thiện thủ tục. Như vậy, đến nay, chỉ 11 dự án hoàn thành mục tiêu đề ra, trong đó có các dự án theo hình thức PPP, vốn ODA...

Theo Bạch Huy Thanh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên