MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mạnh tay với hàng giả, hàng nhái

20-09-2016 - 07:22 AM | Thị trường

Chưa bao giờ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng lại gặp nhiều khó khăn khi đối phó với hàng giả, hàng kém chất lượng như hiện nay.

Tràn lan hàng giả

Vừa lĩnh lương tháng đầu tiên, chị Nguyễn Thị Huệ ở đường Nguyễn Văn Dưỡng, phường Tân Quý (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) quyết định mua bộ nồi được một cửa hàng quảng cáo là thông minh, tiết kiệm gas, đa chức năng vừa nấu cơm vừa kho cá, nấu canh... có giá hơn 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi mua về sử dụng hơn tháng, chị biết mình đã mua phải hàng kém chất lượng do nồi nấu cơm không chín đều.

Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết hàng giả, hàng không nhãn mác là một trong những hiểm họa lớn của "thượng đế" và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất bao gồm hàng thời trang, thực phẩm, hàng điện máy, hàng gia dụng, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm... Đặc biệt những mặt hàng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh mạng của người sử dụng trực tiếp và an toàn cho môi trường xung quanh như gas cũng đang bị làm giả đến hơn 30%.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, Ủy viên HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam, cho rằng hàng giả, hàng kém chất lượng đang diễn ra ngày càng tinh vi, đặc biệt ở các nhóm hàng có giá trị cao. Đơn cử, mặt hàng thép được đặt sản xuất hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp hơn, giá thành sản xuất thấp hơn, rồi in nhãn mác các DN có thương hiệu bán trà trộn ra thị trường với giá thấp hơn từ 20 - 30%. Những loại hàng hóa này làm giảm thị phần, ảnh hưởng đến uy tín, gây nghi ngờ cho người tiêu dùng, gây thiệt hại về kinh tế.

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, hơn 56% người tiêu dùng tham gia khảo sát trả lời từng bị xâm phạm quyền lợi; trong đó chủ yếu là chất lượng hàng hóa không đảm bảo; bị quấy rối thông qua tiếp thị, quảng cáo trái ý muốn; gian lận về đo lường... Khi bị xâm hại, hầu hết số người được hỏi chọn phương án giải quyết im lặng, bỏ qua sự việc và không yêu cầu hỗ trợ từ cơ quan hoặc tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chính điều này đã gián tiếp làm cho công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng đã khó lại càng khó khăn hơn vì chưa nhận được sự hợp tác từ chính người bị hại.

Giải pháp mạnh tay

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương, cho hay công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng. Nguyên nhân là do các phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi. Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý hành chính. Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ gây khó khăn cho lực lượng thực thi.

"Chúng ta có nhiều cơ quan thẩm quyền xử lý việc xâm phạm quyền xử lý hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ nhưng chính sự phân công chưa hợp lý đã dẫn đến chức năng nhiệm vụ chồng chéo. Trong khi đó, để khởi tố điều tra, truy tố là cực kỳ khó khăn khi có quá nhiều văn bản hướng dẫn nhưng lại không thống nhất nên khi muốn khởi tố phải trích dẫn rất nhiều văn bản, mất nhiều thời gian, công sức", ông Tín nói thêm.

Theo các chuyên gia trong ngành, để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả, bản thân các DN cần tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm và sở hữu trí tuệ. Song song đó các DN cũng cần duy trì và phát triển hệ thống phân phối, khách hàng truyền thống, từng bước giảm sự phụ thuộc vào những khâu trung gian.

Chính phủ cũng cần có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý nạn sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, cũng như tăng mức hình phạt lên gấp 3, gấp 4 lần so với mức phạt hiện nay. Phải áp dụng biện pháp hình sự để truy tố đối tượng vi phạm, đồng thời kiên quyết cấm nhập khẩu những loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng hóa độc hại...

"Chúng ta chỉ nên có một cơ quan đầu mối có đủ chức năng, quyền hạn giải quyết khi phát hiện và xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái, để doanh nghiệp khi phát hiện ra vụ việc hàng giả, hàng nhái chỉ cần báo với cơ quan này. Riêng với lực lượng trực tiếp quản lý thị trường chống hàng giả, hàng nhái, cần tăng cường năng lực và quyền hạn cho họ bằng cách giao cho các lực lượng thực thi đi làm trực tiếp quyền xử phạt cao hơn, trang bị cho họ thiết bị máy móc cho việc điều tra bắt giữ, giám định hàng hóa một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả", ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam đề xuất.

Theo Lê Nghĩa

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên