MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Mạnh vì gạo, bạo vì tiền": Trung Quốc chơi lớn thế này bảo sao ngành nào cũng hào quang rực rỡ

29-08-2024 - 11:45 AM | Thị trường

"Khoản vay như thêm lớp kem trên bánh", đại diện một doanh nghiệp giấu tên, so sánh. Người này nói công ty sẽ sử dụng số tiền để mở rộng quy mô.

Trung Quốc bạo chi cho công nghệ

Trung Quốc đang giải ngân hàng tỷ USD cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và nhiều công ty nhỏ khác mà không cần đến tài sản bảo đảm, tất cả đều thông qua hình thức thế chấp tài sản trí tuệ. Theo FT, động thái "bạo chi" của Bắc Kinh nhằm tìm cách khôi phục nhu cầu vay vốn và kích thích nền kinh tế đang trì trệ.

Theo số liệu chính thức từ Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (CNIPA), tổng số tiền vay thế chấp sở hữu trí tuệ mới đã tăng vọt 57% trong sáu tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái lên 419,9 tỷ Nhân dân tệ (58,8 tỷ USD), sau khi tăng 75% lên 854 tỷ Nhân dân tệ trong cả năm 2023.

Hình thức cho vay kiểu này thường được các công ty khó khăn không có tài sản giá trị ở phương Tây sử dụng. Giờ đây, nó ngày càng phổ biến hơn ở Trung Quốc trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách khôi phục mức tăng trưởng tín dụng chậm chạp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bắc Kinh cho rằng việc tăng cường phát hành các khoản vay dựa trên sở hữu trí tuệ chẳng hạn như bằng sáng chế, nhãn hiệu hoặc thậm chí là chỉ dẫn địa lý công nhận tình trạng đặc biệt của các sản phẩm khu vực - là một phần trong chiến lược thúc đẩy các công ty nhỏ sáng tạo.

Shen Changyu, Trưởng văn phòng CNIPA cho biết: "Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phát triển mạnh mẽ trên quy mô lớn và đặc biệt cần hỗ trợ tài chính đáng kể trong giai đoạn khởi nghiệp và tăng trưởng".

Han Shen Lin, giám đốc khu vực Trung Quốc của công ty tư vấn The Asia Group, cho biết khi thị trường chứng khoán Trung Quốc biến động và hoạt động đầu tư mạo hiểm tương đối ảm đạm, các ngân hàng nhỏ hơn đã vào cuộc - nhờ sự công nhận của chính phủ đối với quyền sở hữu trí tuệ là nguồn vốn hợp pháp.

"Tôi coi đây là một kế hoạch để bơm tiền cho các công ty công nghệ", Lin nói.

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin Trung Quốc đã cấp 921.000 bằng sáng chế vào năm 2023, tăng 15% so với năm trước.

Không có tài sản cũng được vay

Gao Huasheng, giáo sư tại Khoa Tài chính Quốc tế thuộc Đại học Fudan, cho biết động thái thúc đẩy tài trợ sở hữu trí tuệ nhằm hỗ trợ các công ty thiếu tài sản hữu hình như đất đai hoặc máy móc.

Vị này nói thêm rằng, Cục Quản lý Sở hữu Trí tuệ Trung Quốc đang cung cấp "trợ cấp lãi suất để khuyến khích các ngân hàng phát hành các khoản vay tương tự".

"Mục đích ban đầu là hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ cao, nhưng trên thực tế, chính sách này có thể được áp dụng rộng rãi hơn", Gao lưu ý rằng các nỗ lực cũng đang được tiến hành để tạo ra một thị trường đấu giá quy mô lớn cho các tài sản vô hình trong trường hợp vỡ nợ.

Các quy định của chính phủ cũng cung cấp nhiều quyền hạn hơn cho các khoản vay không hoạt động trong danh mục tài trợ sở hữu trí tuệ và miễn trừ trách nhiệm cá nhân cho các nhân viên ngân hàng tuân thủ đúng quy trình trong trường hợp tình trạng khoản vay trở nên không tốt.

Beijing Guoxinda Data Technology, công ty công nghệ sử dụng dữ liệu lớn để đánh giá các dự án bất động sản phục vụ khách hàng là ngân hàng, cho biết họ đã vay 8 triệu nhân dân tệ theo chương trình này vì được hứa hoàn trả lãi suất.

"Khoản vay như thêm lớp kem trên bánh", đại diện một doanh nghiệp giấu tên, so sánh. Người này nói công ty sẽ sử dụng số tiền để mở rộng quy mô.

Tuy nhiên, tờ FT cũng phát hiện ra các công ty đang gặp khó khăn về dòng tiền trong nhiều lĩnh vực khác cũng đang sử dụng chương trình này.

Yichun Xianghe Agriculture Technology Development Co, tập đoàn chế biến gạo ở tỉnh Hắc Long Giang, đã vay 10 triệu nhân dân tệ sau khi gặp phải vấn đề về dòng tiền do dịch bệnh và thời tiết gây ra.

Một cái tên khác là Yichun Xingshun Woods, công ty chế biến gỗ trong cùng khu vực, đã nhận được 4 triệu nhân dân tệ sau khi chi phí nguyên liệu thô tăng làm giảm vốn lưu động.


PV

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên