Mạo danh nhân viên thuế chiếm đoạt 200 triệu đồng
Ngày 2-12, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục cảnh báo 3 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến nổi bật tuần qua (25-11 đến 1-12).
- 27-11-2024Cảnh báo lừa đảo cài đặt phần mềm nộp thuế giả mạo
- 25-11-2024Thành lập tổ công tác ngành thuế hỗ trợ các sàn thương mại điện tử
- 24-11-2024Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải nộp thuế
1. LỢI DỤNG CHƯƠNG TRÌNH CA NHẠC ĐỂ LỪA ĐẢO
Cục An toàn thông tin cho biết mới đây Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã thực hiện điều tra, xác minh vụ lừa đảo khi mua vé xem Chương trình Anh Trai “Say Hi”.
Theo đó, nhóm chị N. (ngụ Hà Nội) đã chuyển tiền cho một đối tượng, giới thiệu làm trong ban tổ chức bán vé xem Chương trình Anh Trai “Say Hi”. Nhưng sau khi nhận tiền, đối tượng này đã không cung cấp được vé. Tổng số tiền chị bị chiếm đoạt là hơn 50 triệu đồng.
Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là tạo các tài khoản mạng xã hội giả mạo, tạo những hội nhóm trao đổi, thanh lý vé nhằm thu hút người dùng. Đồng thời, tung ra nhiều chiêu thức như tạo ra vé giả với hình thức tương tự như vé thật và rao bán với giá thấp hơn so với giá thị trường, người mua thường không phát hiện ra cho đến khi đến cửa vào sự kiện.
2. MẠO DANH NHÂN VIÊN CƠ QUAN THUẾ, YÊU CẦU CÀI ĐẶT PHẦN MỀM GIẢ MẠO
Cục An toàn thông tin cũng dẫn thông tin từ Công an xã Thủy Xuân Tiên (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận đơn trình báo của anh T. về việc anh đã nhận được cuộc gọi điện thoại, người này tự xưng là nhân viên Chi cục thuế huyện Chương Mỹ, hướng dẫn anh kê khai thuế điện tử.
Sau đó, đối tượng yêu cầu anh T. cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Khi cài đặt xong, anh nghi ngờ mình bị lừa đảo và kiểm tra tài khoản ngân hàng thì phát hiện tài khoản bị trừ hơn 200 triệu đồng.
3. TẠO CÁC WEBSITE LÀM HỘ CHIẾU ONLINE GIẢ MẠO
Nắm bắt nhu cầu người dân ngại thủ tục rườm rà khi đi làm hộ chiếu hoặc không thạo các thao tác làm hộ chiếu online trên Cổng thông tin Dịch vụ công, các đối tượng lừa đảo đã lập ra những trang web giả mạo quảng cáo dịch vụ “làm hộ chiếu online".
Những bài quảng cáo này đã thu hút hàng nghìn người dân quan tâm với những lời quảng cáo hấp dẫn như: làm passport chưa bao giờ dễ dàng đến thế; hồ sơ được gửi về tận nhà chỉ cần cung cấp thông tin và file ảnh; không phải xếp hàng, không chen lấn; nhận làm hộ chiếu trực tuyến ở 63 tỉnh, thành phố.
Nhiều đối tượng xấu lợi dụng việc này đánh cắp các thông tin của cá nhân như: ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, mã OTP,... nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng, như: dùng tài khoản này để lừa đảo vay tiền của người thân, bạn bè, chiếm đoạt toàn bộ thông tin cư trú cá nhân của nhiều người trong ứng dụng VNeID.
4. CẨN THẬN TRƯỚC NHỮNG TIN NHẮN EMAIL GIẢ MẠO NETFLIX
Mới đây, lực lượng cảnh sát Singapore đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo giả mạo nền tảng xem phim trực tuyến Netflix, gửi tin nhắn tới người tiêu dùng nhằm đánh cắp thông tin và tài sản.
Tính từ đầu tháng 10 đến nay, tổng thiệt hại từ các vụ lừa đảo gây ra đã lên tới con số 29.700 USD (753 triệu đồng).
Người Lao Động