Mấp mé đáy 40 năm, nhiều người dân Nhật Bản tiếp tục tạo "áp lực vô hình" lên đồng yên mà không hề hay biết: Thâm hụt kỹ thuật số
“Thâm hụt kỹ thuật số” kéo cán cân thương mại của Nhật Bản xuống thấp.
- 13-07-2024BOJ công bố dữ liệu, nghi vấn Nhật Bản chi tiếp 22 tỷ USD can thiệp đẩy giá đồng yên
- 11-07-2024Nghịch lý "cơm hộp" ở nền kinh tế lớn nhất nhì châu Á: Lương tăng 'ầm ầm' nhưng người dân 'chẳng thèm' tiêu tiền, Nhật Bản sẽ trở nên 'già nua' và mất dần sức ảnh hưởng?
- 09-07-2024Yên Nhật xuống mức thấp nhất gần 4 thập kỷ, nhà đầu tư trong nước còn có 1 hành động càng khiến đồng nội tệ lao dốc: Tình hình khi nào mới được cải thiện?
Mizuki Nakamura (28 tuổi sống ở Tokyo) thuộc nhóm người tiêu dùng Nhật Bản đang vô tình gây áp lực lên đồng yên mà không hề hay biết.
Cô rất thích sử dụng các dịch vụ mạng xã hội. Nakamura nghe nhạc trên YouTube Premium, đọc thông tin trên Instagram, xem các chương trình trên Amazon Prime lúc rảnh, lướt X, nhắn tin trên Line và theo đuổi đam mê anime trên d Anime Store. Trong số tất cả những cái tên vừa liệt kê, chỉ có hai dịch vụ cuối là “cây nhà lá vườn” của Nhật Bản.
Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào các dịch vụ kỹ thuật số nước ngoài. Điều đó không chỉ để đáp ứng nhu cầu giải trí cho người tiêu dùng như Nakamura, mà còn biến ý tưởng chuyển đổi kỹ thuật số của các công ty thành hiện thực.
Nhật Bản nhập khẩu nhiều dịch vụ kỹ thuật số hơn xuất khẩu. Các chuyên gia thị trường ngoại hối cho biết, "sự thâm hụt kỹ thuật số" này về lâu dài có thể trở thành yếu tố làm giảm giá trị của đồng yên so với đồng USD.
Thâm hụt kỹ thuật số bao gồm phí trả cho quảng cáo kỹ thuật số cũng như tiền bản quyền sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như quyền phát trực tuyến phim nước ngoài. Đây là yếu tố chính kéo cán cân thương mại dịch vụ của Nhật Bản đi xuống.
Theo dữ liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố, mức thâm hụt vào năm 2023 lên tới 5.500 tỷ yên (34 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại), vượt qua mức thâm hụt dịch vụ chung là 2.900 tỷ yên. Thâm hụt kỹ thuật số tiếp tục gia tăng, với con số từ tháng 1 đến tháng 5 trong năm nay tăng 14%.
Thương mại là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của đồng tiền. Các nhà nhập khẩu Nhật Bản thường bán yên lấy ngoại tệ để mua hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài. Nhà kinh tế học Kazuma Kishikawa của Viện nghiên cứu Daiwa cho rằng thâm hụt kỹ thuật số gây áp lực giảm lên cán cân vãng lai tổng thể của Nhật Bản.
Theo ông Kishikawa, thâm hụt kỹ thuật số của Nhật Bản tăng kể từ cuối những năm 2010 và xu hướng tiếp diễn sau đại dịch. Ông lưu ý tình trạng này sẽ tăng cùng với sự tiến bộ của số hóa. Một số chuyên gia còn cho rằng sự phát triển trong các lĩnh vực mới như AI và công nghệ vệ tinh có khả năng làm gia tăng thêm thâm hụt.
Khi các công ty tìm cách số hóa hoạt động kinh doanh của mình, những người cung cấp dịch vụ cần thiết lại chủ yếu đến từ nước ngoài như Amazon Web Services, Microsoft và Google.
Ông Kenji Kushida, thành viên cao cấp của tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, cho biết: “Vấn đề không phải là của Nhật Bản, mà là sự thống trị tuyệt đối của các nền tảng toàn cầu này”. Các công ty ở Thung lũng Silicon có lợi thế hơn các công ty Nhật Bản về mô hình kinh doanh, cũng như các khoản đầu tư mạo hiểm thúc đẩy sự phát triển của họ.
Một số nền tảng ban đầu của Nhật Bản như i-mode không vươn ra toàn cầu là vì chúng được cung cấp bởi các nhà mạng viễn thông Nhật Bản, gắn liền với thị trường nội địa. i-mode là dịch vụ internet di động đầu tiên trên thế giới được phát triển bởi nhà mạng di động Nhật Bản NTT Docomo. Trong khi đó, hệ điều hành di động của Apple và Google được thiết kế để phù hợp với mọi điện thoại thông minh hoặc máy tính, cho phép chúng mở rộng.
Chuyên gia Kushida nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số Nhật Bản. Ông nói: “Tôi rất, rất lạc quan về hệ sinh thái khởi nghiệp của Nhật Bản. Nó đã phát triển mạnh mẽ trong 5, 6 năm qua”.
Những gì các công ty Nhật Bản cần là sự hỗ trợ nhiều hơn cho việc xuất khẩu dịch vụ của họ. “Sẽ hiệu quả hơn nếu các tổ chức công chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường và giúp các công ty Nhật Bản, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp, thâm nhập các thị trường mới”, ông Kishikawa gợi ý.
Takuya Kamei, tổng giám đốc tư vấn ngành CNTT & Nội dung tại Viện nghiên cứu Nomura (NRI), cho biết dù các công ty Nhật Bản có thể không cạnh tranh được ở nền tảng cơ bản như AI, nhưng họ có thể giành chiến thắng trong các dịch vụ chuyên biệt. Vì họ đang có lợi thế về khoảng cách địa lý khi ở gần với khách hàng của mình.
Về xuất khẩu kỹ thuật số, Kamei cho biết Nhật Bản có thể kiếm được nhiều doanh thu hơn từ nội dung của mình, chẳng hạn như anime và manga. Ông gợi ý con đường dẫn đến thành công của Nhật Bản nằm ở việc đầu tư vào nội dung một cách thông minh hơn trước. Ông cho biết, việc đầu tư vào các kênh phân phối nội dung tương đương với Netflix của Mỹ hay ứng dụng truyện tranh Naver Webtoon của Hàn Quốc là chìa khóa để thu thập dữ liệu người tiêu dùng.
Bà Yayoi Sakanaka, nhà kinh tế cấp cao tại Mizuho Research & Technologies, cũng tin rằng ngành nội dung của Nhật Bản có thể tạo ra nhiều doanh thu xuất khẩu hơn. Theo Hiệp hội Phân phối Nội dung ở Nước ngoài của Nhật Bản, khoảng 2.000 tỷ yên bị thất thoát do vi phạm bản quyền trực tuyến trong và ngoài nước vào năm 2022. Việc ngăn chặn những tổn thất này sẽ góp phần đáng kể vào xuất khẩu kỹ thuật số của Nhật Bản.
Tuy nhiên, bà Sakanaka thừa nhận khá khó để giảm thâm hụt kỹ thuật số. Vì vậy việc bù đắp bằng các lĩnh vực khác sẽ thực tế hơn, chẳng hạn như phát triển du lịch nội địa.
Các chuyên gia cho rằng chỉ tập trung vào việc giảm thâm hụt kỹ thuật số sẽ không đạt được mục đích giúp cho Nhật Bản và nền kinh tế của nước này trở nên cạnh tranh hơn. Đầu tư của các công ty công nghệ nước ngoài vào Nhật Bản có thể hữu ích trong vấn đề này. Chẳng hạn, AWS tuyên bố sẽ đầu tư 2.300 tỷ yên từ năm 2023 đến năm 2027 để xây dựng thêm trung tâm dữ liệu.
Nhà nghiên cứu Kengo Wataya của Viện Nghiên cứu Mitsubishi cho biết: “Điều quan trọng là các công ty phải kiếm tiền thông qua số hóa”. Điều này tạo ra cơ hội cho các dịch vụ mới và giải quyết vấn đề thiếu lao động. Tuy nhiên, bất kỳ doanh thu bổ sung nào mà các nhà sản xuất tạo ra trong quá trình này có thể không giúp cải thiện cán cân thương mại cho Nhật Bản. Vì nhiều nhà sản xuất Nhật Bản đã chuyển ra nước ngoài.
Khi thâm hụt kỹ thuật số tiếp tục tăng, giá trị của đồng yên sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Chiến lược gia ngoại hối trưởng Hirofumi Suzuki tại Sumitomo Mitsui Banking Corp cho biết sự gia tăng thâm hụt kỹ thuật số "thể hiện sự thay đổi cơ cấu lớn trong nền kinh tế Nhật Bản". Điều này đồng nghĩa áp lực khiến đồng yên giảm giá đang tăng lên.
Ngân hàng Barclays của Anh lưu ý: "Những thay đổi trong hành vi của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản cũng đã trở thành yếu tố phá giá đồng yên”.
Theo phân tích của Mizuho Research & Technologies, nếu thâm hụt kỹ thuật số vào cuối tháng 3/2026 tăng gấp đôi so với mức năm 2023, thì tỷ giá đồng tiền Nhật Bản so với đồng USD sẽ tăng thêm từ 5 đến 6 yên. Vào đầu năm 2021, đồng yên giao dịch ở mức dưới 110 yên đổi 1 USD. Giá trị đồng yên tiếp tục giảm khi vượt mốc 160 yên đổi 1 USD la vào tháng 6, mức thấp nhất trong gần 40 năm.
Chiến lược gia trưởng Shoki Omori tại Mizuho Securities cho biết: “Các yếu tố như sự hấp dẫn của tài sản bằng đồng USD và giao dịch thực hiện bằng đồng yên có thể tác động đáng kể đến tỷ giá hối đoái hơn là cán cân kỹ thuật số”. Ông cho biết chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đóng vai trò lớn.
Tham khảo Nikkei Asia
Nhịp Sống Thị Trường