Mark Zuckerberg làm tất cả chán ngán metaverse?
Sự độc đoán đến cố chấp của Mark Zuckerberg khiến tương lai thực tế ảo không còn dành được niềm tin từ các cổ đông.
Mark Zuckerberg không còn dành được nhiều niềm tin cho tương lai thực tế ảo, ít nhất là với các cổ đông Meta. Một số chuyên gia cho rằng vị giám đốc điều hành này đang nhắm quảng cáo không đúng đối tượng, theo Bloomberg.
Meta về cơ bản đang quản lý 2 nền tảng chính, bao gồm mạng xã hội Facebook và Instagram, song song với dự án lớn có tên Reality Labs được tạo ra nhằm xây dựng một thế giới kỹ thuật số metaverse. Dù không lấy gì làm lạ khi một công ty công nghệ đầu tư mạnh vào dự án lớn, song màn đặt cược của Meta lại tồn tại quá nhiều hoài nghi, đặc biệt trong bối cảnh doanh thu truyền thông xã hội đang giảm mạnh.
“Họ đang thực hiện một dự án lớn, về cơ bản đó là Dự án Manhattan”, Kamran Ansari, một đối tác liên doanh tại Greycroft Partners kiêm nhà đầu tư thiên thần ban đầu ở Meta, cho biết.
Tính từ đầu năm, cổ phiếu của Meta đã giảm hơn khoảng 70%. Công ty này cũng vừa thông báo cắt giảm 11.000 việc làm, tương đương 13% tổng số nhân sự. Cổ đông định giá mỗi USD doanh thu của Meta hiện chỉ bằng một nửa so với Alphabet, Pinterest, thậm chí thấp hơn ⅓ Snap hoặc bất kỳ công ty trung bình nào trong chỉ số Nasdaq 100. Điều này khiến rất nhiều tổ chức, trong đó có Altimeter Capital Management, kêu gọi Meta thu hẹp khoản đầu tư vũ trụ ảo siêu ngược “đầy quy mô và đáng sợ” xuống 50%.
Một số đề xuất khác cũng được đưa ra, chẳng hạn như tách rời các mảng kinh doanh hiện có.
“Bạn có thể gây quỹ riêng lẻ, nhờ Zuckerberg và những người khác rót vốn cho nó. Điều đó rất khả thi. Bạn biết đấy, nhiều công ty đã tách nhỏ các mảng kinh doanh, sau đó xoay chuyển mọi thứ.”, Kamran Ansari nói. Thực tế, việc tách rời Reality Labs có thể giúp Meta có thêm tiền mặt phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi và đối phó với tình trạng sụt giảm doanh thu quảng cáo. Được biết các tính năng bảo mật mới trên thiết bị iOS Apple khiến quảng cáo Facebook trở nên kém hiệu quả.
Meta về cơ bản đang quản lý 2 nền tảng chính, bao gồm mạng xã hội Facebook và Instagram, song song với dự án lớn có tên Reality Labs.
Zuckerberg đổi tên công ty hồi năm ngoái. Vị CEO này cho rằng Facebook, Instagram hay dịch vụ nhắn tin WhatsApp là cách để mọi người kết nối, song giấc mơ thực tế ảo tăng cường mới là tương lai của ngành công nghệ. Dĩ nhiên, tham vọng này cần 10 năm mới có thể trở thành hiện thực.
"Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải, chẳng hạn như mô hình kiếm tiền của metaverse hay khả năng thu hồi vốn sau khi Meta chi hàng chục tỷ USD. Một số người cho rằng việc Facebook đổi tên chỉ nhằm thay đổi hình ảnh nhận diện thay vì đặt cược vào một công nghệ mới", nhà phân tích Dan Ives của Wedbush nhận định.
Trước đây, đã có tiền lệ về việc xây dựng các doanh nghiệp tư nhân rủi ro cao. Elon Musk rót hàng tỷ USD vào công ty tên lửa SpaceX để hiện thực hóa giấc mơ Hỏa tinh, trong khi tỷ phú Jeff Bezos đổ tâm sức vào công ty vũ trụ Blue Origin.
Thực tế, hoạt động kinh doanh chính của Meta rất giá trị. Theo John Blackledge, chuyên gia phân tích tại Cowen & Co., Facebook và Instagram vẫn là “nền tảng quảng cáo xã hội hàng đầu”, với khả năng đóng góp phần lớn vào doanh thu 116 tỷ USD mà các chuyên gia kỳ vọng.
Theo Business Insider, Meta vẫn là doanh nghiệp quảng cáo lớn thứ hai chỉ sau Google. Các công ty quy mô vừa và nhỏ vẫn chọn đây làm nơi quảng bá - ngay cả khi hiệu suất nhắm người dùng không còn được như trước. Theo Luke Jonas, giám đốc thương mại tại công ty quảng cáo Nest Commerce, một số công ty đang lợi dụng tình hình kinh doanh kém khả quan của Meta để dìm giá bất cứ khi nào có cơ hội.
Theo Bloomberg, Reality Labs đóng góp vào 2% doanh thu Meta. Bộ phận này ra đời từ sau thương vụ mua lại nhà sản xuất tai nghe Oculus vào năm 2014. Hiện tại, để truy cập metaverse, người dùng sẽ đeo một cặp kính VR, điều khiển hiện thân ảo avatar thông qua các trò chơi video 3D và không gian thực tế ảo có tên Horizon World. Doanh thu Reality Labs chủ yếu đến từ việc bán tai nghe và thật tiếc khi nó không thể đạt kỳ vọng của giới chuyên gia trong quý trước.
Reality Labs đóng góp vào 2% doanh thu Meta.
Dẫu vậy, Zuckerberg vẫn rất tự tin vào tầm nhìn của mình. Việc metaverse hái “trái ngọt” trong dài hạn sẽ có thể đảo ngược tình thế khó khăn hiện tại của Facebook và Instagram sau khi những nền tảng này liên tục “lọt lưới” người dùng. Zuckerberg, vị CEO thường xuyên bị chế giễu vì trông giống "người máy", sẽ lại một lần nữa chiến thắng và thay đổi cách con người kết nối với nhau.
“Meta giúp tập đoàn có một khởi đầu mới. Có lẽ Mark Zuckerberg đã mất kiên nhẫn với sự thỏa hiệp khi điều hành nền tảng truyền thông xã hội khổng lồ. Đây là chút thoát ly để anh ấy làm một cái gì đó sáng tạo”, một ý kiến nhận định.
Theo Bloomberg, toàn bộ các lĩnh vực liên quan đến metaverse, bao gồm trò chơi, giải trí trực tuyến, dịch vụ…, có thể mang lại cho ngành công nghiệp này gần 800 tỷ USD vào năm 2024. Mới đây, Meta còn công bố quan hệ hợp tác với Microsoft và Accenture trong nỗ lực phát triển tương lai metaverse - nơi mọi người có thể làm việc và chơi game nhờ chiếc kính thực tế ảo.
“Chúng tôi đang mang đến cho Meta Quest trải nghiệm họp nhập vai của Microsoft Teams nhằm cung cấp cho mọi người những cách mới để kết nối với nhau. Bạn có thể kết nối, chia sẻ, cộng tác như thể đang gặp mặt trực tiếp”, CEO Satya Nadella của Microsoft cho biết.
Theo Bloomberg, nếu sự tăng trưởng trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi đang tiếp tục duy trì, việc Zuckerberg theo đuổi một thứ hoàn toàn mới có thể là hợp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát, điều này vô cùng nhạy cảm, nhất là đối với một dự án kinh doanh thua lỗ 10 tỷ USD vào năm ngoái.
“Việc một công ty để xảy ra tình trạng thua lỗ như vậy không đáng khuyến khích chút nào”, James Lee, giám đốc điều hành Mizuho Securities USA, cho biết. “Chúng tôi nhìn ra sự mâu thuẫn giữa những gì nhà đầu tư đang nghĩ và những gì Meta đang tính”.
Theo: Bloomberg
Nhịp sống thị trường