MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Masan Group: “Tháng năm rực rỡ” đã trở lại?

02-05-2018 - 11:28 AM | Doanh nghiệp

Năm 2017 với công cuộc tái cấu trúc cơ bản hoàn thành, Masan Group dự báo 2018 sẽ đánh dấu một chu kỳ tăng trưởng mới, độc lập với chu kỳ thị trường!

Đã rất nhiều người đặt dấu hỏi cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang vào tương lai CTCP Tập đoàn Masan (Masan, mã: MSN) khi đầu tư vào quá nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, hàng tiêu dùng đến tài chính ngân hàng… Một lần nữa tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, vị lãnh đạo này khẳng định Masan không hề lạc hướng mà chỉ đang từng bước xây dựng mảnh ghép của một bức tranh lớn – định vị thành một công ty tiêu dùng hàng đầu Việt Nam.

Năm 2017 với công cuộc tái cấu trúc cơ bản hoàn thành, Masan dự báo 2018 sẽ đánh dấu một chu kỳ tăng trưởng mới, độc lập với chu kỳ thị trường! Ông Quang gọi đây là "thời điểm vàng".

Có 1 điểm đáng chú ý là trong 6 tháng qua, vốn hóa của Masan Group trên TTCK Việt Nam đã tăng hơn 60%, đạt hơn 4 tỷ USD.

2018: "Thời điểm vàng" khi các lĩnh vực kinh doanh đều đi vào giai đoạn tăng trưởng

Năm 2018, Masan đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất tăng trưởng trên 20% do tăng trưởng hai chữ số của Masan Consumer Holdings (mảng hàng tiêu dùng) và Masan Resources (mảng khoáng sản).

Cụ thể, Masan Consumer Holdings được dự báo sẽ tăng trưởng trên 30%, nhờ vào chiến lược chuyển đổi sang các sản phẩm cao cấp và phát kiến cho các sản phẩm mới trong ngành gia vị và thực phẩm tiện lợi, kết hợp với đà tăng trưởng tốt của lĩnh vực đồ uống và thịt chế biến.

Còn Masan Resources được dự báo sẽ tăng trưởng trên 30% do giá vonfram phục hồi và hiệu quả hoạt động được cải thiện. Masan Resources sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội nhằm đạt được tầm nhìn là trở thành một công ty chế biến sâu hoá chất công nghiệp và kim loại với quy mô toàn cầu.

Masan Group: “Tháng năm rực rỡ” đã trở lại? - Ảnh 1.

Và khởi đầu khả quan phần nào minh chứng khẳng định trên của Chủ tịch, khi kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm cho lợi nhuận hợp nhất của Masan tăng 3 lần cùng kỳ, bất chấp khủng hoảng giá heo. Cụ thể, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty tăng 3,4 lần lên mức 816 tỷ đồng, biên lợi nhuận thuần cũng tăng từ mức 2,8% (quý 1/2017) lên xấp xỉ 10% chủ yếu nhờ vào việc vận hành hiệu quả và giảm chi phí tài chính thuần.

"Kết quả kinh doanh quý 1/2018 đã cho thấy sự thận trọng khi chúng ta xây dựng kế hoạch năm 2018. Masan Consumer, Masan Resources, và Techcombank đều đạt được kết quả xuất sắc. Khủng hoảng giá heo dường như đã ở phía sau, nhưng quan trọng hơn, chúng ta đã vượt hơn nữa chặng đường trong hành trình mang đến sản phẩm thịt có thương hiệu trong quý 4/2018", ông Quang chia sẻ.

Masan Consumer Holdings – Sự trở lại của ông Trương Công Thắng và giấc mơ chinh phục thị trường tiêu dùng Việt

Thảo luận sâu hơn về bức tranh kinh doanh 2018, ban lãnh đạo Masan dự báo mảng hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng trưởng đột phá nhờ chuyển đổi thành công mô hình kinh doanh từ "bán hàng hóa" sang "xây dựng thương hiệu". Hàng tiêu dùng là mảng chiếm tỷ trọng đầu tư trọng yếu của Tập đoàn, bao gồm thị trường gia vị, thực phẩm tiện lợi (mì gói), thịt chế biến (xúc xích), đồ uống (nước tăng lực, bia, cà phê).

Điểm mới trong chiến lược được lãnh đạo công ty chỉ ra là nhắm thấy nhu cầu khách hàng ngày càng tiêu thụ sản phẩm cao cấp, Masan dần tái cơ cấu dần chuyển danh mục sản phẩm sang phân khúc này, đồng thời gia nhập thị trường mới như sữa, chăm sóc cá nhân, thậm chí dược phẩm, với động lực theo sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam.

Một yếu tố đáng quan tâm khác, trở lại với Masan Consumer Holdings từ giữa năm 2017, ông Trương Công Thắng – Chủ tịch HĐQT rất tự tin với những chiến lược thời gian đến của công ty, mặc dù không phủ nhận thị trường hiện đang tồn tại nhiều rủi ro từ đối thủ mạnh. Tại đại hội công ty diễn ra cùng ngày Tập đoàn, ông Thắng cho biết Masan Consumer Holdings hiện đang đứng thứ 2 về thị phần mảng tiêu dùng với mức tăng trưởng ổn định hàng năm, song Công ty chưa bao giờ thấy thỏa mãn. Thậm chí, "dù muốn hay không, 1 ngày nào đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ dẫn đầu ngành tiêu dùng. Vì chỉ có công ty Việt Nam mới hiểu rõ được nhu cầu người Việt Nam", người đứng đầu này khẳng định.

Masan Group: “Tháng năm rực rỡ” đã trở lại? - Ảnh 2.

Vậy, Masan Consumer Holdings đang có những động lực tăng trưởng gì?

+ Thứ nhất, ngành hàng gia vị Tập đoàn kỳ vọng tăng mạnh nhờ vào sự phục hồi của những nhãn hiệu trụ cột (Nam Ngư, Chin-su… tăng cả sản lượng cùng giá bán) và các sản phẩm mới cao cấp được tung ra trong năm 2017. Đáng chú ý, người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang sử dụng các sản phẩm cao cấp, minh chứng nước mắm Chin-su tăng trưởng mạnh hơn 4 lần so với Nam Ngư. Thậm chí, những hãng cao cấp mới tung ra trong năm qua như Nam Ngư Phú Quốc, Nam Ngư Nhãn Vàng, Chin-su Mặn Mà đã giúp thị phần nước mắm Tập đoàn tăng 1,5% trong quý 1/2018.

+ Về ngành hàng thực phẩm tiện lợi, sự phục hồi của các nhãn hiệu trụ cột và phát kiến mới cho giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh đã đem về mức tăng 64% doanh thu 3 tháng đầu năm 2018. Được biết, tăng trưởng mảng này đến từ việc sản lượng, doanh thu bán đến người tiêu dùng tăng cao, trong đó đóng góp chủ yếu đến từ sản phẩm cao cấp như Omachi, đặc biệt Mì ly Omachi với cây thịt thật đánh dấu chiến lược bổ sung các phát kiến mới nhằm mang đến giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh. Với việc tung sản phẩm mới phục vụ giới trẻ và thâm nhập vào ngành "mì nấu" sẽ là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng, lãnh đạo Masan kỳ vọng doanh thu thực phẩm tiện lợi đạt khoảng 4.500 tỷ đồng đến cuối năm 2018.

+ Mặt khác, đà tăng trưởng của thịt chế biến Tập đoàn đến từ xúc xích "Heo Cao Bồi", đây là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhanh nhất của Masan Consumer Holdings. Sau giai đoạn tăng 6 lần trong năm 2017, doanh thu ngành này dự báo tăng gấp đôi vào năm 2018, trong đó đà tăng chủ yếu đến từ nhãn hiệu mẹ "Heo Cao Bồi" với sản phẩm chủ lực là xúc xích. Hơn nữa, Masan có kế hoạch tung ra sản phẩm xúc xích tiệt trùng cao cấp vào nửa năm nay, tiếp tục khẳng định vị thế cũng như mở rộng danh mục sản phẩm snack từ thịt. Đồng thời, quý 2 này Tập đoàn còn liên doanh với đối tác Hàn Quốc đẩy mạnh áp dụng công nghệ, dự kiến doanh thu mảng thịt sẽ tăng hơn 500 tỷ trong năm.

+ Về thị trường đồ uống, Masan cho biết doanh thu cà phê trong năm 2018 sẽ đạt mức 1.700-2.000 tỷ. Con số tại lĩnh vực đồ uống sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ nhờ tăng trưởng mạnh của sản phẩm nước tăng lực đến từ mở rộng hệ thống phân phối toàn quốc và thương hiệu Wake-Up 247, đồng thời nhãn hiệu mới "Compact" dự ra mắt vào tháng tháng 4/2018. Riêng mảng bia, với công tác tái tung nhãn hiệu Sư Tử Trắng, đi cùng một sản phẩm cao cấp mới sẽ được giới thiệu vào cuối tháng 4, cùng việc mở rộng hệ thống phân phối, Masan cho biết sẽ hoàn thiện danh mục bia tại tất cả các mức giá cho các phân khúc khách hàng khác nhau. Theo đó, doanh thu bia Tập đoàn kỳ vọng đạt 1.000-1.200 tỷ đồng cho cả năm 2018.

Quá khứ huy hoàng, khựng lại, và "tháng năm rực rỡ" đã trở lại?

Nói về Tập đoàn, khởi đầu tư một công ty gia vị vào năm 1996, Masan đã từng bước vươn mình trở thành đơn vị kinh doanh thực phẩm nói chung những năm 2000-2002. Chưa dừng lại, nhắm thấy thị trường hàng tiêu dùng có dư địa tăng trưởng cao, Masan tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động. Dấu mốc quan trọng vào tháng 12/2013, Masan Consumer Holdings được tái cấu trúc, chính thức tập trung vào ngành hàng tiêu dùng và đồ uống. Trên công cuộc hướng đến giấc mơ thủ lĩnh, Masan đã liên tiếp M&A nhiều tên tuổi lớn trên thị trường, điển hình có thương vụ mua lại Vinacafe Biên Hòa, nước khoáng Vĩnh Hảo hay lại gần 33% cổ phần Thực phẩm Cholimex…

Kết quả là, nếu năm 2009, Masan niêm yết trên HoSE với vị trí còn khiêm tốn ở Việt Nam, lãi ròng lúc bấy giờ chỉ đạt 660 tỷ, thì một năm sau đó con số này chính thức vượt mốc 2.000 tỷ đồng. Năm 2012, Masan đã trở thành "ông hoàng" với thị phần nước tương, nước mắm, mì ăn liền cao cấp tại thị trường Việt Nam lần lượt là 78%, 76% và 48%. Thậm chí, sau thương vụ mua lại mỏ đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên), Masan đã bổ sung 1 mảnh ghép mới vào bức tranh kinh doanh.

Nhìn vào đồ thị kết quả kinh doanh, có thể hiểu được sự phát triển vượt bậc của Tập đoàn, đặc biệt giai đoạn 2013-2016 ngay sau giai đoạn đi qua thời niên thiếu với doanh thu thậm chí đạt mức tăng 92% (cuối năm 2015). Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2016 mọi chuyện đã không còn thuận lợi trước 1 số lùm xùm về nước mắm Nam Ngư, Chinsu. Thậm chí năm 2017 khủng hoảng giá heo kéo dài cùng với ảnh hưởng của công tác giảm hàng tồn kho, giảm chi phí khuyến mãi khiến doanh thu giảm đáng kể, đạt 37.621 tỷ đồng.

Masan Group: “Tháng năm rực rỡ” đã trở lại? - Ảnh 3.

Phân trần điều này, Chủ tịch HDQT Masan Group cho biết dù gánh trên mình áp lực tài chính ngắn hạn, nhưng Tập đoàn đã có những "trái sớm đầu mùa" nhờ gia nhập và tập trung mở rộng thị phần xuyên suốt các lĩnh vực kinh doanh, không phụ thuộc vào chu kỳ thị trường, tối ưu hóa dòng tiền và tái đầu tư lợi nhuận để tạo thêm động lực tăng trưởng mới.

Như vậy, năm 2018 theo Masan sẽ là bước khởi đầu cho giai đoạn tăng trưởng mới, mở ra cho Tập đoàn "những tháng năm rực rỡ" như đã từng - hướng đến mốc doanh thu công ty mẹ tăng trưởng 25% doanh thu mỗi năm, biên lợi nhuận hoạt động đạt 20%. Dưới đây là chi tiết từng ngành hàng:

(1) Mảng tiêu dùng Tập đoàn dần chuyển đổi sang phân khúc sản phẩm cao cấp, đáp ứng nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng. Đây tiếp tục là ngành dẫn dắt tăn trưởng toàn Tập đoàn;

(2) Mảng Nutri-Science đang đi đúng hướng bán thịt có thương hiệu vào cuối năm nay, mặc dù đến nay khủng hoảng giá heo vẫn còn ảnh hưởng nặng nề song Tập đoàn cho biết giá heo sẽ hồi phục về mức 40.000 đồng/kg vào cuối nửa năm 2018. Đồng thời, việc đưa trang trại chăn nuôi heo kỹ thuật cao tại Nghệ An đi vào hoạt động, cũng như khởi công tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam vào tháng 2/2018, MSN đã tiến gần đến mục tiêu bán sản phẩm thịt có thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc đến người tiêu dùng vào cuối năm.

(3) Mảng khoáng sản đang hướng đến mục tiêu trở thành một công ty chế biến sâu hoá chất công nghiệp và kim loại với quy mô toàn cầu, dự báo thị phần toàn cầu (ngoài Trung Quốc) sẽ tăng từ 35% (cuối năm 2017) lên 37% vào cuối năm 2018. Trong bối cảnh giá vonfram tăng, MSR sẽ hưởng lợi để mang về kết quả kinh doanh khả quan.

(4) Mảng tài chính Techcombank (Masan đang nắm khoảng 30% lợi ích) hiện đã qua giai đoạn trích lập dự phòng với kết quả kinh doanh đang trên đà phát triển mạnh: lợi nhuận tăng nhanh, đã trích lập toàn bộ nợ xấu… Chưa kể, thương vụ IPO đợt 2 với giá 128.000 đồng/cp đưa Techcombank được định giá lên tới hơn 6 tỷ USD, cũng như thông tin sẽ niêm yết lên HoSE trong tháng 6 sẽ tiếp tục thổi làn gió mới cho Tập đoàn.

Hiếu Nguyễn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên