MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Masan sẽ làm gì khi tuyên bố trở thành công ty dịch vụ, trải nghiệm, thấu hiểu?

09-05-2023 - 15:30 PM | Doanh nghiệp

Masan sẽ làm gì khi tuyên bố trở thành công ty dịch vụ, trải nghiệm, thấu hiểu?

Xây dựng 5 trung tâm thấu hiểu người tiêu dùng, đặt trọng tâm vào mảng “ready to cook seasoning”, đưa ẩm thực Việt Nam “Go Global” và tái khởi động Trung tâm R&D thế hệ mới – Masan đang khiến thị trường phải tò mò dõi theo.

"Năm 2022, Masan đã thay đổi tư duy cả về những điều chúng tôi đang làm và cách định vị chính mình. Đó là trở thành một công ty dịch vụ, trải nghiệm và thấu hiểu người tiêu dùng" – Lời phát biểu của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group tại Đại hội cổ đông thường niên mới đây với chủ đề "Consumer of Things - Kết nối vạn nhu cầu" tạo nên nhiều chú ý. Hệ sinh thái Tiêu dùng – Bán lẻ – Công nghệ của Masan Group cho đến nay đã được nhận diện khá rõ ràng, đặc biệt khi mô hình WIN ra mắt và nhanh chóng phủ rộng tại những khu vực cư dân đông đúc.

Ở vị thế người dẫn đầu thị trường, họ sẽ tiếp tục thay đổi ra sao?

5 trung tâm thấu hiểu người tiêu dùng của Masan Consumer: Quyết nắm trọn trái tim khách hàng?

Một thông tin gây tò mò tại ĐHCĐ là Công ty sẽ xây dựng 5 Trung tâm Thấu hiểu Người tiêu dùng và Cải tiến (Consumer Innovation Center - CIC) trên khắp Việt Nam. Hoạt động này nằm trong chiến lược chuyển đổi cách Masan thấu hiểu người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu, từ đó tăng tốc phát triển sản phẩm mới và có chiến lược truyền thông phù hợp.

Các Trung tâm hoạt động dựa trên nguyên tắc mô phỏng cuộc sống sinh hoạt thực tế tại hộ gia đình để người tiêu dùng trực tiếp trải nghiệm và đóng góp ý kiến phát triển sản phẩm.

Tại các Trung tâm, người tiêu dùng sẽ được trực tiếp trải nghiệm mô hình mô phỏng cuộc sống sinh hoạt thực tế, từ đó đưa ra ý kiến giúp phát triển sản phẩm.

Thông tin từ trải nghiệm thực tế là nền tảng hạ tầng và cơ sở dữ liệu lớn, đóng vai trò cốt lõi để các hoạt động nghiên cứu thấu hiểu người tiêu dùng tại trung tâm đạt được 4 tiêu chí: Chính xác, Tốc độ, Bảo mật và Tối ưu chi phí. Từ đó giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và mô hình kinh doanh thành công.

Theo thông tin mới nhất, Masan Consumer có kế hoạch mở 5 trung tâm tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Trong Quý 3 năm 2023 sẽ đưa vào hoạt động 1 trung tâm tại đô thị lớn nhất là Tp.Hồ Chí Minh để nắm bắt sự thay đổi không ngừng về nhu cầu, hành vi, và khẩu vị của người tiêu dùng miền Nam. Sau khi hoạt động 6 tháng, mô hình sẽ được hoàn thiện và dự kiến 2024 sẽ đưa tiếp 4 trung tâm còn lại vào hoạt động.

Nền tảng hạ tầng và cơ sở dữ liệu lớn sẽ đóng vai trò cốt lõi để các hoạt động nghiên cứu thấu hiểu người tiêu dùng tại trung tâm đáp ứng 4 tiêu chí: Chính xác, Tốc độ, Bảo mật và Tối ưu chi phí.

Mô hình sẽ được tổ chức với sự trợ giúp của các chuyên gia đến từ Tây Ban Nha trong thời gian đầu.

Đặt trọng tâm vào mảng "ready to cook seasoning", đưa ẩm thực Việt Nam "Go Global"

Một sản phẩm "bùng nổ" trong ĐHCĐ của Masan là lẩu khô tự sôi với món ăn được "trình diễn" ngay trên bàn họp là Lẩu bò riêu cua Hà Nội. Đây là món ăn "bùng nổ" được "trình diễn" đặc sắc ngay tại ĐHCĐ Masan vừa qua. Sản phẩm không cần nước nóng, bếp gas, không cần đồ khô, chỉ cần đổ nước lọc vào nồi lẩu đã cho đầy đủ các gói gia vị sản phẩm, nồi lẩu sẽ "tự sôi" trong thời gian 5-10 phút.

Ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc Masan Consumer cho biết, CHIN-SU có kế hoạch ra mắt các sản phẩm phở ăn liền hoàn toàn mới cho thị trường Việt Nam và Hàn Quốc vào tháng 6/2023, và ngay sau đó là kế hoạch mở rộng sang một số nước Châu Á trong năm 2023. Từ năm 2024, các sản phẩm hủ tiếu, bún, miến… sẽ tiếp tục câu chuyện hương vị Việt Nam vươn ra thế giới.

Masan sẽ làm gì khi tuyên bố trở thành công ty dịch vụ, trải nghiệm, thấu hiểu? - Ảnh 1.

Món ăn Việt Nam nằm trong top những nền ẩm thực hàng đầu thế giới. Cốt lõi làm nên sự đặc sắc ấy chính là vị đậm đà của nước mắm cá cơm, vị cay ấm kích thích của ớt chỉ thiên, mùi thơm của các loại tiêu, tỏi, các loại rau thơm đặc trưng… hay nói ngắn gọn là những tinh túy của món ăn Việt. Các món nước truyền thống như phở, bún, miến, lẩu… cũng gây thương nhớ cho người Việt lẫn thực khách quốc tế. Việt Nam còn là 1 trong những nước có hạt cà phê chất lượng cao với sản lượng xuất khẩu hàng năm hàng đầu thế giới.

Vì vậy, Masan muốn góp phần mang niềm tự hào ẩm thực Việt ra toàn cầu thông qua bộ gia vị CHIN-SU, phở CHIN-SU, Lẩu tự sôi Omachi, cà phê Vinacafe… để thế giới có thể thưởng thức ẩm thực Việt ở bất kỳ đâu.

"Nếu một công ty có thể đưa thực phẩm Việt Nam ra ngoài thế giới thì chúng ta có thể làm điều đó tốt nhất", ông Trương Công Thắng tự tin nói.

Ông Thắng cũng cho biết, thị trường quốc tế tiềm năng cho Masan là thị trường các nước phát triển, đông dân như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và 1 số nước Châu Âu. Khi "Go Global", các sản phẩm của Masan vẫn có chung hương vị nhưng các thành phần có thể linh hoạt thay đổi để phù hợp với quy chuẩn của các nước sở tại.

Mới đây, vào tháng 3/2023, CHIN-SU đã cho ra mắt bộ sản phẩm Khẩu Vị Nhật Bản tại Triển lãm Ẩm thực Quốc tế Japan Foodex. Bộ sản phẩm của Masan là thành quả của quá trình dày công nghiên cứu khẩu vị của người Nhật Bản và kết hợp những nguyên liệu phổ biến tại đây, đã tạo ra những bất ngờ thú vị.

Cụ thể, tương ớt CHIN-SU kết hợp với Wasabi cay nồng tạo nên một vị cay độc đáo mới, hạt nêm CHIN-SU sử dụng 2 nguyên liệu Shitake và tảo bẹ Kombu từ Nhật Bản, nước tương theo phong cách lên men tự nhiên truyền thống Nhật Bản và Nước mắm Cá Cơm Biển Đông mang hương vị đậm đà đặc trưng Việt Nam cho nét mới ẩm thực Nhật Bản.

Trước đó, từ tháng 8/2019, Masan đã chính thức xuất khẩu tương ớt CHIN-SU phục vụ thị trường Nhật Bản. Sản phẩm này không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản mà còn phù hợp với khẩu vị của người dân nơi đây.

Với dân số hơn 125 triệu người và tỷ lệ tự cung, tự cấp lương thực chưa tới 38%, Nhật Bản là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty chế biến nông sản và thực phẩm của Việt Nam. Thành công trên thị trường Nhật Bản là cú hích cho tương ớt và bộ gia vị CHIN-SU dễ dàng thâm nhập nhiều thị trường phát triển khác trên thế giới như Hàn Quốc, Úc, Châu Âu và Bắc Mỹ.

Lãnh đạo của Masan Consumer tiết lộ sẽ đưa 3 thương hiệu CHIN-SU, Omachi và Vinacafe ra thế giới với mục tiêu đến năm 2027, hoạt động kinh doanh thị trường toàn cầu sẽ đóng góp 15% tổng doanh thu của Masan Consumer Holdings.

Trung tâm R&D thế hệ mới tạo ra những đột phá trong thời gian ngắn

Để thực hiện tầm nhìn về xây dựng thương hiệu và sản phẩm vững mạnh, Masan thông báo sẽ tái khởi động Trung tâm R&D thế hệ mới theo chuẩn Hàn Quốc và Đài Loan. Các trung tâm này tập trung vào việc hợp tác với đội ngũ chuyên gia nước ngoài và chuyển giao các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.

Trên nền tảng đó, Masan sẽ đưa vào thế mạnh của mình là sự thấu hiểu nhu cầu người tiêu dùng từ khẩu vị địa phương, thói quen mua hàng… để tạo ra các những đổi mới đột phá trong thời gian sắp tới.

Trung tâm R&D thế hệ mới được kỳ vọng giúp Masan phát triển các công thức thực phẩm, đồ uống, hóa mỹ phẩm… theo tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe quốc tế, công nghệ kĩ thuật tốt nhất cho từng dòng sản phẩm và đặc biệt là có mùi vị và hương vị vượt trội. Hơn thế nữa, tốc độ đưa sản phẩm mới ra thị trường chỉ vỏn vẹn trong 4-6 tuần.

Ánh Dương

Tổ quốc

Từ Khóa:
Trở lên trên